Đọc Thi tuyển khùng - truyện ngắn gây phấn khích nhất trong tập, người đọc có thể tưởng tượng cái nụ cười tinh quái của nhà văn. Mặc dù tác giả đã mào đầu câu này “Không hề có tí chủ ý đùa cợt nào!”
Suốt câu chuyện là sự cười cợt thâm thúy về các thói đời, về những người với ngợm đầy rẫy xung quanh, về cái sự cứ khốn khổ đi tìm cái vớ vẩn để dựng lên mà vái lạy trong khi lòng người trống rỗng dửng dưng, trong khi sự đần độn trì trệ làm nhiễm độc cuộc sống… Dịch quỷ sứ, Chém ruồi… và nhiều truyện ngắn trong tập cũng có cái nụ cười tinh quái ấy của người viết.
Tạ Duy Anh viết báo có bút danh Lão Tạ. Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, nói không ngoa, anh đã đạt được cái sự lão trong việc tìm được rất nhiều ý tưởng để chuyển vào sáng tạo văn học. Là một người nghĩ, nghĩ nhiều, không bao giờ chịu nhạt, chịu để từ ngữ vô nghĩa làm loãng ý tưởng. Để có nhiều truyện ngắn lạ. Nghĩ lạ. Và cái chính nó truyền cảm hứng cho người đọc.
Đọc xong truyện Dịch quỷ sứ, thấy cái tiêu đề truyện ngắn là ôm tất cả ý tứ của câu chuyện. Một thế giới vỡ vụn tối tăm tạo dựng từ các thói tật xấu xa mà ta vẫn va chạm, cái cuộc sống chỉ tồn tại ở địa ngục vậy mà ta vẫn phải thở chung bầu không khí…
Một loạt truyện ngắn có cùng cách viết với Thi tuyển khùng, Dịch quỷ sứ… đã đưa tác giả vào trong số ít nhà văn luôn thường trực ý thức phản biện cuộc sống. Ý thức này được Tạ Duy Anh giữ lửa, đầy trách nhiệm và thuyết phục người đọc ở tài năng hiếm hoi… Các truyện ngắn ở đề tài này thường không có cốt truyện, không nhiều tình huống giật gân, không nghiệt ngã.
Một cách tự nhiên như là hồn nhiên, tác giả kể một câu chuyện hay vài ba câu chuyện trong một truyện ngắn, kể ung dung, nhiều hài hước nhưng vô cùng sâu sắc mà ta sẽ nhận ra khi gấp sách. Có gì đó vương vấn trong đầu. Những truyện ngắn kiểu này thỉnh thoảng chêm một vài chi tiết có tính thời sự. Ví dụ trong Thi tuyển khùng: “Chả hạn khi còn làm cửu vạn ngoài phố, một tấc một cắc không có mà anh đã bán cả thửa đất ngoài… biển cho hàng xóm, còn hơn bán trời không văn tự…”.
Tạ Duy Anh viết có điểm đặc biệt hấp dẫn: nhịp điệu của giọng kể, của cách sử dụng câu, ngôn ngữ. Giản dị và hiện đại, nhiều ẩn dụ, nhiều hàm ý sâu xa. Giọng kể không bao giờ làm câu chuyện bị dàn trải do câu văn cô đọng, như đi gấp đến vấn đề chính của tác phẩm mà vẫn giữ được vẻ đẹp của câu chữ và tràn đầy cảm xúc.
Tạo được cảm hứng, truyền được vẻ đẹp nhân văn cho người đọc… có lẽ là ý thức thường trực của tác giả. Mỗi truyện ngắn có một hành trình riêng. Nhiều truyện thực sự gây tò mò. Dám chắc là có nhiều người đọc sẽ hỏi: thế Luyện thành cao thủ - Chém ruồi… định nói cái gì nhỉ. Và nhiều truyện khác nữa. Có cái gì sau nó? Mỗi người có cách nghĩ riêng. Đây cũng là thành công của tác giả. Anh hướng người đọc tới sự cùng khám phá, cùng thưởng thức, cùng tranh luận. Nghệ thuật tạo sự bí hiểm, nhiều ẩn dụ cung cấp cho ta cái nhìn khác về thế giới…
Và có cả sự bực bội, tức tối. Mr Ban là một ví dụ. Khi truyện này in trên một tờ báo, nó khiến nhà văn gặp phiền phức, như là trì hoãn in ấn dù không có gì làm ngăn cấm chính thức. Là một thứ lệnh bất thành văn, như nhiều trường hợp tồn tại trong xã hội chúng ta. Truyện ngắn Mr Ban, nếu nói cụ thể tới một cái gì có lẽ không phải. Nó chả đáng! Tác giả không bóng gió tới ông nào, tới sự việc nào. Anh hướng truyện ngắn tới miêu tả nỗi sợ hãi. Nỗi sợ ám ảnh giày vò từ 50 năm trở lại đây, hướng thẳng tới những người có chút chữ nghĩa.
Lúc nào cũng có một ai đó đứng sừng sững trước mặt, thò tay vào chỉnh sửa mọi việc, ngay trong cả đời sống tình cảm, ngay trong ý nghĩ con người, và sẵn sàng trừng trị. Kinh khủng nhất là không biết ai đã khống chế con người trong cả một thời gian dài, trong cả chiến tranh, nỗi sợ ai đó át cả sợ bom đạn chết chóc. Lúc nào người ta cũng thót tim, rồi lại còn tự hù dọa chính mình, tự bấu vào tim mình. Nỗi sợ đó có thật trong khi cái “mít tơ” kia không rõ mặt. Nỗi sợ đó phảng phất tí gió mát ngày hôm nay, có thể nhạt đi nhưng vẫn lẩn quất đâu đây…
Mr Ban, theo cách hiểu của mỗi người, là một truyện ngắn nói tới tự do cá nhân. Thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, con người mới có được hạnh phúc của sự thanh thản sống, thanh thản làm việc và yêu thương. Mr Ban viết với một nhịp điệu nhanh, từ sự việc nọ mở ra sự việc kia gây một tâm trạng hồi hộp, lo lắng, khiến cho người đọc thế hệ trước sống lại quá khứ khi đêm đêm nghe tiếng gõ cửa, khi có lệnh điều động bất chợt, khi phải chia tay người thân để ra đi… Quá khứ thực sự tồn tại nỗi sợ không rõ hình hài. Đây là truyện ngắn hàm chứa nhiều điều…
27 truyện ngắn, có truyện cũ đã quen với người đọc, có truyện mới, là một tập hợp rất chọn lọc, rất kỹ. Một tuyển chọn thú vị. Đọc lại những truyện như Bước qua lời nguyền; Xưa kia chị đẹp nhất làng; Lũ vịt trời; Ngôi nhà của cha tôi, v.v... gặp lại tác giả của thời gian khởi đầu việc viết, nhiều thành công. Những truyện ngắn thấm đẫm hơi thở nhà quê đồng bằng Bắc Bộ. Cũng ít có người tạo được không khí nông thôn, con người thôn dã như Tạ Duy Anh. Sinh động, duyên dáng, cả thâm trầm, những nhân vật của thời đó, những nhà quê thời đó ngày hôm nay đọc lại có một vị thế mới mẻ. Người đọc yêu quý họ thêm nhờ những cảm xúc đẹp đẽ của người viết.
Tạ Duy Anh đi từ đó đến với những truyện ngắn gần đây, như già thêm, buồn thêm, hài hước thêm chút nữa… là người phản biện cuộc sống tích cực, là người có ý thức tuyệt vời về tự do cá nhân.
Con người thoát nỗi sợ.
Những truyện ngắn giúp ta bớt thờ ơ.
Hà Nội 2014
LÊ MINH KHUÊ
(* ) Tập truyện ngắn chọn lọc của Tạ Duy Anh dày 384 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp với Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam vừa ấn hành.