Đà Nẵng cuối tuần

Khoảng cách từ mô hình đến sản phẩm

07:37, 14/12/2014 (GMT+7)

Rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) là sản phẩm mô hình hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao, có thể chuyển giao ngay để đưa vào sản xuất nhưng vẫn chưa được triển khai trong thực tiễn.

Máy CNC – một đề tài có thể trở thành sản phẩm thương mại nếu được đầu tư sản xuất đại trà.
Máy CNC – một đề tài có thể trở thành sản phẩm thương mại nếu được đầu tư sản xuất đại trà.

Ngoài một số cuộc thi như giải thưởng Loa thành, tài năng NCKH trẻ của Bộ GD&ĐT, Robocon… SV khối kỹ thuật còn có cơ hội thể hiện sự sáng tạo ở một số cuộc thi khác như Holcim Prize, Honda yes award, thi thiết kế hệ thống các chip vi điều khiển (MCU). Một trong những tiêu chí đánh giá của các cuộc thi này là tính ứng dụng trong thực tiễn, có thể tạo thành sản phẩm nếu có sự đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp.

Năm 2013, với đề tài Hệ thống điều khiển xe lăn dùng cho người tàn tật của nhóm SV Trần Quang Nam, Nguyễn Văn Tây, Dương Nguyễn Khánh Nam (SV chương trình tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã vượt qua nhiều ứng viên, giành giải Nhất cuộc thi Thiết kế ứng dụng vi điều khiển với TI MCU.

Chỉ với một thiết bị đơn giản đội vào đầu như chiếc mũ, người sử dụng sẽ dùng chuyển động của đầu để điều khiển xe lăn. Người dùng nghiêng đầu về phía trước xe sẽ đi về phía trước, nghiêng đầu ra sau xe sẽ đi lùi, nghiêng sang trái hoặc phải xe rẽ trái hoặc phải. Để tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng và tránh tình trạng nhầm lẫn giữa các hướng đi, các thuật toán xử lý tín hiệu số đã được áp dụng để chia các không gian chuyển động của đầu thành các vùng hay các ngưỡng tín hiệu phù hợp.

Ban đầu khi khởi động, hệ thống sẽ tự động tính toán liên tục 50 lần để lấy vị trí cân bằng ban đầu cũng là điểm tham chiếu cho các cử động đầu sau này. Giá thành sản xuất chỉ khoảng 10 triệu đồng/xe, sử dụng được cả với những người bị mất hoặc liệt hết cả tay, chân. Sản phẩm còn có tính năng nhắn tin SMS, thực hiện cuộc gọi đến điện thoại người thân trong cả hai tình huống chủ động và bị động, cần sự trợ giúp.

Cho dù được đánh giá hội tụ đầy đủ các yếu tố kỹ thuật như tính bảo đảm an toàn, ổn định trong hoạt động, nhân văn và tính thực tiễn cao, thế nhưng, đề tài này vẫn mới dừng lại ở dạng mô hình chứ chưa thể trở thành sản phẩm thương mại. Hay như mới đây, với đề tài “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp” của nhóm SV Đoàn Nguyễn Vân Hiếu, Trương Thế Minh, Tạ Bảo Long, khoa Nhiệt - Điện lạnh, đã có công ty đặt vấn đề mua sản phẩm này để chống nóng cho nhà xưởng nhưng nhóm không có khả năng đầu tư để sản xuất rộng rãi.

Dễ nhận thấy, các đề tài NCKH của SV ngày càng sát sườn hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy - học, bớt tính lý thuyết và hàn lâm. Chứng tỏ các SV đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống, thực tiễn và yêu cầu của giảng đường, nhu cầu trong sinh họat, học tập của chính các em… Như đề tài máy CNC mini, hay còn gọi là máy công cụ mini thực hiện trên 2D của nhóm XNH gồm Lê Thái Xương, Vương Minh Ngọc và Nguyễn Quốc Hiếu - SV năm 4 khoa Điện tử viễn thông, Trung tâm Xuất sắc Trường ĐHBK. Chỉ với giá thành khoảng 2,5 triệu đồng nếu sản xuất đại trà, có thể hỗ trợ việc học tập của nhiều SV khối kỹ thuật.

Nhóm trưởng Lê Thái Xương cho biết: “Trong việc thiết kế hay ủi vi mạch điều khiển, nếu không cẩn thận và tỉ mỉ, chỉ cần không chính xác một chi tiết, bọn em sẽ phải làm lại từ đầu. Hay như các bạn SV Kiến trúc thường xuyên vẽ đồ án, chỉ cần sai một chút cũng phải tẩy xóa để vẽ lại, tốn rất nhiều thời gian. Với máy CNC mini này, có thể vẽ trực tiếp trên bất kỳ chất liệu nào nhằm phục vụ việc học tập của SV được thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn, lại đảm bảo được độ chính xác…”. Đề tài này đã được Công ty VNELEK đề nghị mua cả mô hình lẫn ý tưởng.

TS Phạm Văn Tuấn - Phó GĐ Trung tâm xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Cho dù mang tính ứng dụng cao nhưng hầu hết các đề tài của SV chỉ dừng lại ở mô hình, điều này đúng với tính chất của các cuộc thi dành cho SV. Nếu muốn trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, đòi hỏi phải có sự đầu tư nhiều hơn về thời gian, kinh phí. Một hạn chế nữa là cả SV và giảng viên chỉ là nhà sáng chế, đều không có tính chuyên nghiệp để sản phẩm trở thành hàng hóa. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp”. Đây cũng chính là một trong những lý do để sắp tới, ĐH Đà Nẵng sẽ thành lập bộ phận chuyên nghiệp để khai thác các hoạt động với doanh nghiệp và chính quyền các địa phương.

HƯNG HÀ

.