Khi năm 2014 sắp sửa kết thúc, kinh tế toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự giảm sút đáng kể trong tương lai. Rất có thể kinh tế toàn cầu trong năm 2015 sẽ kém hơn so với năm 2014.
Các nước xuất khẩu dầu như Nga sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. |
Nhìn lại kinh tế toàn cầu năm 2014: Kinh tế Mỹ phát triển không đồng đều khi tăng trưởng âm ở quý 1 nhưng tăng trưởng mạnh ở hai quý tiếp theo. Nỗ lực hồi phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thất bại khiến khu vực tiến gần tới suy thoái và nguy cơ giảm phát. Nhật Bản vẫn mắc kẹt trong tình trạng giảm phát bất chấp sự can thiệp của Ngân hàng Nhật Bản và đồng yen mất giá; trong quý 3 đã rơi vào suy thoái. Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng trên 7% sau một loạt biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nhưng giá nhà giảm trong 7 tháng liên tiếp và mức tiêu dùng cá nhân cũng giảm. Những nền kinh tế mới nổi cũng đã chậm bước trở lại vì giá cả hàng hóa giảm và chính sách phản ứng không đồng đều…
Những dự báo về nguy cơ giảm phát mạnh có thể được hiện thực hóa. Thực tế tăng trưởng thấp hơn dự báo kéo theo giá hàng hóa giảm mạnh. Chỉ số hàng hóa toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế cho thấy giảm 17,4% trong 12 tháng qua (tính tới tháng 11-2014) do giá xăng dầu giảm 23,2% và các mặt hàng khác giảm 5,8%. Do đó, sức ép chống lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì ở mức độ cao trên nền kinh tế toàn cầu.
Năm dự báo cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015:
1- Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong năm 2015. Đồng đô-la Mỹ tiếp tục tăng giá nên có thể dẫn tới lạm phát bằng 0. Như vậy, Fed không có lý do để tăng lãi suất bởi vì khi mục tiêu lạm phát ở dưới 2%. Nếu Fed tăng lãi suất thì mức độ ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu được nhận định là rất tồi tệ.
2- Eurozone sẽ rơi vào giảm phát và đợt suy thoái khác. Bất chấp sự can thiệp của Ngân hàng trung ương châu Âu nhưng giá dầu giảm, đầu tư giảm và tiêu dùng giảm sẽ đẩy Eurozone rơi vào giảm phát và suy thoái trong năm 2015.
3- Đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vì nguy cơ giảm phát lớn. Giá nhà giảm và giá hàng hóa toàn cầu giảm xuống sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng giảm. Chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích nhưng thực tế nó khó có tác dụng mạnh bởi mức độ kích thích trước đó đã gần kịch trần.
4- Những nền kinh tế mới nổi nhờ xuất khẩu dầu chịu sức ép phải cân đối chi tiêu ngân sách. Hai nước Nga và Venezuela chịu ảnh hưởng mạnh nhất nhưng về lâu dài các nước xuất khẩu dầu khác cũng sẽ bị tác động.
5- Giá hàng hóa giảm và kinh tế toàn cầu yếu kém buộc nhiều nước phải tính toán lại những chương trình đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng đã vạch ra trước đây. Trường hợp ngoại lệ có thể là Qatar bởi vì kế hoạch chuẩn bị đăng cai World Cup 2022 là không thể trì hoãn.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế 2015 có thể yếu hơn năm 2014 nhưng người xưa đã dạy “Hy vọng vào sự tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị ứng phó với điều tồi tệ nhất có thể xảy ra”.
ANH THƯ (Theo Zawya.com)