.

Nặng nợ với sách cũ

.

Những tưởng, sách giấy sẽ dần khai tử trong thời đại công nghệ số, thế nhưng, những trang sách vẫn luôn lặng lẽ đồng hành cùng người đọc. Trong số những người nặng nợ với sách giấy, có không ít tấm lòng vẫn dành thứ tình cảm đặc biệt cho sách cũ.

Bạn Lương Thị Mỹ Lệ  say mê đọc sách cũ. Ảnh: T.A
Bạn Lương Thị Mỹ Lệ say mê đọc sách cũ. Ảnh: T.A

Gắn bó cùng trang sách

Đà Nẵng không có phố sách cũ như Sài Gòn hay Hà Nội. Khu vực tập trung nhiều người bán sách cũ tính ra cũng chỉ có đường Tôn Đức Thắng (đối diện trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, quận Liên Chiểu) và ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm (gần chợ Cồn, quận Hải Châu).

Lâu đời hơn, sách cũ được bày bán ở khu vực chợ Cồn trước kia chỉ là những gánh nhỏ hoặc xe đẩy, loe ngoe vài quyển sách giáo khoa và dăm ba tờ báo, tạp chí. Trải qua nhiều năm, sách cũ nơi đây vẫn tiếp cận người đọc bằng sự dung dị, gần gũi, dù số lượng người bán đã tăng lên 5. Sách không xếp lên kệ mà được đặt thành từng chồng theo thể loại, san sát nhau nơi vỉa hè hoặc hiên nhà. Sách phong phú, đa dạng hơn nhưng chủ đạo vẫn là sách giáo khoa các cấp và báo cũ.

Trong khi đó, 4 quầy sách trên đường Tôn Đức Thắng có quy mô lớn và khang trang hơn. Quầy ít thì tầm hơn ngàn quyển, quầy nhiều thì lên đến sáu, bảy ngàn quyển. Nằm ở khu vực gần các trường đại học nên giáo trình và sách khoa học chiếm số lượng đông đảo, sau đó là sách văn học.

Gắn bó cùng sách cũ thâm niên nhất tại hai khu vực này có lẽ phải nhắc đến chị Bích Nga (chủ một tiệm sách cũ ở địa chỉ 506-508 Tôn Đức Thắng) và chị Chi (chủ nhân các chồng sách cũ ở đường Ông Ích Khiêm). Điều thú vị là cả hai chị đều bén duyên với sách cũ từ người thân.

“Trước đây, đoạn đường này chỉ có mỗi anh trai mình bán thôi. Hồi đó mình cứ cười anh trai kinh doanh gì không kinh doanh lại chọn sách cũ. Rứa mà ảnh có việc, không thể tiếp tục công việc nữa, mình lại tiếc hùi hụi mấy quyển sách mà bỏ việc buôn bán về quán xuyến tiệm. Gắn bó 12 năm, quen mùi sách cũ, đi đâu xa vài ngày là nhớ…”, chị Nga cười vui. Còn chị Chi thì “Má chị bán sách cũ trước chợ Cồn từ trước năm 1975. Đến khi má mất, chị nhớ má rồi quyết định theo nghiệp má. Đến giờ cũng đã được 13 năm”.

Chật vật giữ nghề

Giữ cái nghề đã chọn không phải là điều dễ dàng. Khó khăn đầu tiên là việc “săn lùng” sách chất lượng, phong phú để có thể níu chân người mua. Chị Bích Nga cho hay: “Hồi đó chỉ mình mình kinh doanh sách cũ nên những người bán ve chai hay ai có nhu cầu bán sách cũ đều tìm đến đây. Còn bây giờ, tiệm mở ra nhiều, mình phải tự tìm đến những người thu mua ve chai, vựa ve chai, thậm chí lên cả kho giấy hay nhà máy giấy để tìm mua sách. Muốn họ để dành sách cho mình, mình phải biết cách lấy lòng họ, Tết năm nào cũng phải quà cáp cám ơn. Còn khách hàng đến mua, mình tri ân bằng cách lì xì 3 ngày đầu năm, mua một tặng một ”.

Trong khi đó, không có điều kiện đến tận nơi tìm mua sách, những người kinh doanh sách cũ tại khu vực chợ Cồn đành trông chờ những người thu mua ve chai dạo. Lâu lâu, có tiệm cho thuê truyện nào đó thanh lý sách, họ mừng như “bắt được vàng”. Chỉ vào các chồng sách văn học, chị Chi khoe: “Sách này chị mới lấy về cách đây 5, 6 ngày, tiệm cho thuê truyện không làm nữa nên bán hết sách lại. Toàn sách hay, mới xuất bản, lại được bao bọc bằng bìa, giấy ni-lông cứng cẩn thận”. Rồi, chị tiếc hùi hụi: “Sách chất lượng mà chị không đủ khả năng để gom về hết. Sách nhiều quá, chủ tiệm phải kêu hơn 30 người thu mua ve chai mới thanh lý xong”.

Bảo đảm được nguồn hàng, những người kinh doanh sách cũ lại chưa vơi nỗi lo. Họ đau đáu với việc giữ gìn và giữ hồn sách cũ. “Sách mua về mình đâu đã bán lại được ngay. Việc đầu tiên là phải phân loại sách theo thể loại. Rồi sách nào rách thì bao lại, sách nào cũ quá thì tỉa bớt, tân trang lại nhưng vẫn phải bảo đảm càng nguyên gốc càng tốt…”, chị Nga cho biết.

Những người kinh doanh sách cũ tại khu vực chợ Cồn còn ngay ngáy nỗi lo khác. Các chị ngồi nhờ trước hiên nhà người khác hoặc tận dụng vỉa hè để bày bán, hết ngày thì đem sách về cất ở kho được thuê gần đây nên không có điều kiện lưu giữ sách tốt. Cứ đến mùa mưa hoặc mùa đông họ  vừa ngồi bán vừa thấp thỏm. Lúc nào cũng trong tâm trạng ôm sách chạy mưa.

Sách cũ, tri thức không cũ

Dạo quanh các quầy mua bán sách cũ, không khó để bắt gặp hình ảnh người đọc chìm đắm trong trang sách. Họ có thể là những bạn trẻ đang nhặt nhạnh tri thức hay những người lớn tuổi hoài niệm quá khứ. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung người bạn tâm giao là sách cũ.

Trước tiệm sách cũ ở số 544 Tôn Đức Thắng, một bé trai mặc đồng phục thể dục đang say sưa với quyển truyện Doreamon. Chúng tôi vừa dừng chân, cậu bé lập tức đón chào: “Chị muốn tìm sách gì”. Chúng tôi ngạc nhiên vì tưởng em là khách hàng, hóa ra là con trai của chị Nguyễn Thị Thủy, chủ tiệm. Thanh Trai (SN 2003) bẽn lẽn: “Mẹ em đi tìm mua sách rồi ạ. Mẹ em mở tiệm được 3 năm, hôm nào rảnh em lại coi tiệm và phụ giúp mẹ sắp xếp lại sách. Em thấy vui lắm vì có cơ hội đọc nhiều loại sách bổ ích, phục vụ cho việc học. Bạn bè em cũng hay tới đây mua sách hoặc truyện về đọc…”.

Nơi tiệm sách của chị Bích Nga, bạn Lương Thị Mỹ Lệ (sinh viên năm 2, khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm) háo hức khi nhìn thấy quyển sách “Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế”. Mỹ Lệ tâm sự: “Em thích sách của tác giả Adam Khoo nhưng sinh viên tụi em không có nhiều tiền để mua sách mới. Vì vậy, tuần nào em cũng rảo quanh các tiệm sách cũ để tìm mua những quyển sách mình yêu thích. Em nghĩ giá trị một quyển sách không nằm ở bìa sách mà nằm ở trang sách. Sách cũ nhưng tri thức không cũ. Sách cũ ít tiền hơn sách mới nên em có thể mua được nhiều sách hơn, có cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức hơn”. Cũng lý do tiết kiệm, nhiều chàng sinh viên quanh khu vực cũng thường đến đây để tìm mua những giáo trình mình cần.

Lặng lẽ lật giở từng trang sách, bác Nguyễn Văn Thành (ngụ quận Hải Châu) xúc động: “Bác sinh ra trong thời chiến, không có cơ hội được đọc nhiều sách dù rất thèm. Vật lộn mưu sinh mãi, đến bây giờ tuổi đã xế chiều mới dám dành tặng mình những quyển sách. Nhưng những quyển sách bác thích hầu như không tái bản nên bác thường hay lui tới các tiệm sách cũ để tìm…”.

Sách cũ với người này nhưng mới với người khác. Đâu đó trong cuộc sống, sách cũ làm ấm lòng không ít người đọc bằng những giá trị rất riêng…

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.