.

Người lính thời bình

.

Người lính thường gắn đời mình với chiến trận, nhất là người lính của một dân tộc mà khi minh họa lịch sử thì “trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu” (Nguyễn Trung Thành -  tùy bút Đường chúng ta đi) như là dân tộc Việt Nam ta.

Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp chiến tranh diễn ra liên tục đến mức “hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình” (Nguyễn Trung Thành - tùy bút đã dẫn) thì bên cạnh người lính thời chiến vẫn luôn có người lính thời bình.

 Người lính thời bình ở đây có thể là các cựu binh từng vào sinh ra tử đang làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ - những Bạch đầu quân sĩ lại / Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Trần Nhân Tông - bài thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng; Trần Lê Văn dịch: Lính bạc đầu còn đó / Chuyện Nguyên Phong, kể hoài), nhưng chủ yếu là những quân nhân tại ngũ.

Cán bộ chiến sĩ vui múa mừng Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: XUÂN QUANG
Cán bộ chiến sĩ vui múa mừng Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: XUÂN QUANG

Người lính thời bình tại ngũ đương nhiên không giống người lính thời chiến tại ngũ, bởi về cơ bản người lính thời bình không còn phải thường xuyên mặt đối mặt với quân thù trong chiến trận, thế nhưng xét về mức độ chịu đựng gian khổ thì chắc họ cũng không hề thua kém so với người lính thời chiến: Đất nước không bóng giặc / Tưởng về gần lại xa / Vẫn gian nan làm bạn / Vẫn gió sương làm nhà (Trần Đăng Khoa - bài thơ Bài ca người lính thời bình).

Nói một cách hình ảnh thì người lính thời bình giống như cây thuốc nam trong quan điểm y học của người xưa. Ông cha ta cho rằng cây thuốc nam có tính lưỡng dụng - hai trong một - rất cao: cũng cây thuốc nam ấy thôi - như kinh giới chẳng hạn - nhưng đói (thì) ăn (như) rau / đau (thì) uống (như) thuốc.

Người lính thời bình cũng vậy, khi đất nước không bóng giặc (chữ của Trần Đăng Khoa), họ là nguồn nhân lực để lao động phát triển đất nước, khi quê hương đầy bóng giặc (chữ của Giang Nam), chính họ lại là nguồn nhân lực để chiến đấu bảo vệ quê hương…

Người lính thời bình tại ngũ lao động phát triển đất nước theo một cách rất… lính, nghĩa là rất có kỷ luật - quân lệnh như sơn. Ngày xưa, nước ta là một nước thuần nông nên mới đề ra chủ trương ngụ binh ư nông, còn ngày nay đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, ngụ binh ư nông đã chuyển thành ngụ binh ư công.

Trong quá trình chuyển đổi này, chỉ có người lính thời bình luôn lấy kỷ luật làm sức mạnh mới có tác phong công nghiệp mẫu mực, giờ nào việc ấy có lớp có lang, kẻ trước người sau đâu ra đó.

Chỉ có người lính thời bình luôn trung thành với tổ quốc mới đủ độ tin cậy để có thể đứng mũi chịu sào khai sơn phá thạch trên những địa điểm/địa bàn hiểm yếu về quốc phòng-an ninh như núi rừng Tây Nguyên - mái nhà của Đông Dương (chữ của các nhà chiến lược quân sự Pháp), hay như Hải Vân - yết hầu của miền Thuận Quảng (chữ của Chúa Nguyễn Hoàng)...

Và cũng chỉ có người lính thời bình luôn vì nhân dân quên mình mới có đủ tâm huyết và quan trọng hơn là có đủ nguồn lực để giúp dân/cứu dân trong bão lũ…

Người lính thời bình không còn phải thường xuyên cầm súng trên tay, không còn phải ngày ngày đối mặt đương đầu với quân thù trong chiến trận, nhưng không có nghĩa là họ hoàn toàn giã từ vũ khí (chữ của nhà văn Ernest Hemingway). Người lính thời bình ý thức rất rõ rằng trong nhiều tình huống bảo vệ đất nước, họ cần kiềm chế để không bị đối phương kích động đến mức phải nổ-súng-trước, nhưng không có nghĩa là họ không có-quyền-nổ-súng một khi đối phương đã khai hỏa tấn công.

Vì thế cây súng/khẩu pháo - và cả máy bay tiêm kích cùng tàu ngầm nữa - vẫn tiếp tục đồng hành với người lính thời bình trên các thao trường/bãi tập quân sự… và cả trên vọng gác tiền tiêu. Chính là trên những vọng gác tiền tiêu mà giống như người lính thời chiến năm nào giữa rừng hoang sương muối / đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới (Chính Hữu - Bài thơ Đồng chí), người lính thời bình đang canh giữ biển trời nơi đảo xa hoặc trong cánh rừng già biên giới ngày nay vẫn có thể cảm nhận được hình ảnh đầu súng trăng treo lãng mạn đến nao lòng…

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có lần phân biệt giữa người lính thời chiến với người lính thời bình bằng hai câu thơ: Đạp quân thù xuống đất đen / Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa (Trường ca Bài thơ Hắc Hải). Thực ra có thể thấy người Việt Nam trong-chiến-đấu-vẫn-hiền, chứ không-chỉ-hiền hay không-phải-hiền-trở-lại sau khi đánh tan quân thù trong chiến trận.

Điều này càng chứng tỏ giữa người lính thời chiến và người lính thời bình dẫu có một số khác biệt nhất định nhưng chủ yếu là vẫn tương đồng trên rất nhiều phương diện: khả năng chịu đựng gian khổ, ý thức chấp hành kỷ luật, lòng trung thành với tổ quốc và nhân dân, tâm hồn bay bổng và hiếu mỹ, bản chất hiền hậu chân chất…

Sở dĩ như vậy là bởi thời chiến hay thời bình, họ cũng đều là người-Việt, cũng đều là người-lính, cũng đều là người-lính-Việt với truyền thống dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn / dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo; Ngô Tất Tố dịch: đem đại nghĩa để thắng hung tàn / lấy chí nhân để thay cường bạo)…        

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.