.

Sống trọn với đam mê

.

Dưới ánh đèn sân khấu, khán giả thường chỉ quan tâm đến người dẫn chương trình và ca sĩ, ít ai để ý đến những người góp phần thổi vào “linh hồn” mỗi bài hát bằng giai điệu mượt mà, đó là người nhạc công.

Hữu Đồng (trái) làm nhạc công gây quỹ từ thiện.Ảnh: C.D
Hữu Đồng (trái) làm nhạc công gây quỹ từ thiện.Ảnh: C.D

Ở khu vực Hòa Khánh, những người hay lui tới các quán cà-phê, phòng trà có biểu diễn ca nhạc hằng đêm, sẽ được chứng kiến tay đàn điêu luyện của nhiều nhạc công trẻ. Điều đặc biệt họ đều là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, không chỉ mang trong mình tình yêu tha thiết với tiếng đàn mà còn dùng “tài lẻ” để  mưu sinh.

Nguyễn Quốc Khánh (22 tuổi, SV lớp 10SH, ngành Công nghệ sinh học, khoa Hóa, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), cho biết mình có hơn 3 năm đánh đàn guitar ở các quán cà-phê. Trước đây, Khánh từng tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của Đoàn trường, trong đó có chương trình Giọng ca vàng Bách khoa Đà Nẵng. Nhớ lại ngày đầu tập tành đàn hát, Khánh tâm sự: “Công việc này quả thực rất khó, ai không có đam mê thì chắc chắn không bao giờ làm được. Để đánh được một bản nhạc không phải là một việc đơn giản. Khánh luôn tâm niệm hai chữ: kiên trì và chịu khó, nếu không, chắc không rành rẽ đánh đàn như hôm nay”.

Cùng nhóm với Quốc Khánh còn có Nguyễn Hữu Đồng (lớp 10SK, ngành Điện- Điện Tử, khoa Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), hiện đang giữ chức chủ nhiệm câu lạc bộ Guitar sinh viên Đà Nẵng. Đây là hai trong số những tay guitar chuyên nghiệp của câu lạc bộ, riêng Hữu Đồng còn chơi được cả organ và piano. Trước đây, nhóm của Khánh và Đồng đã từng đoạt giải nhì nhóm nhạc Bách khoa Đà Nẵng, giải khuyến khích UD Gottalent của Đại học Đà Nẵng, giải nhất toàn quốc Sinh viên tài năng do VTV3 tổ chức.

Hiện nay, Quốc Khánh là nhạc công chạy show ở các quán cà-phê như Trúc Vàng, Mập, nhà hàng Golden Bell ở khu vực Hòa Khánh, quận Liên Chiểu; Hữu Đồng là nhạc công chuyên của cà-phê Hằng, thỉnh thoảng biểu diễn ở hai quán cà-phê Cheer và May. Với vai trò là nhạc công của các chương trình Hát cho nhau nghe tại các phòng trà, bình quân một tuần Khánh và Đồng làm 4-5 chương trình, mỗi chương trình kéo dài từ 8 đến 10 giờ đêm, thù lao mỗi buổi diễn từ 150-200 nghìn đồng.

Ngoài Quốc Khánh và Hữu Đồng, chàng sinh viên Lê Ngọc Quang (lớp 10C1B, ngành Cơ khí chế tạo máy, khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng có nhiều năm gắn với cây đàn guitar. Quang kể, những ngày vắt vẻo trên lưng trâu hồi còn học phổ thông ở quê, Quang ao ước được ôm cây đàn nghêu ngao như một nghệ sĩ thực thụ. “Lên cấp ba mình quyết tâm học đàn bằng được dù rất khó khăn, thậm chí là tự mua sách về học vì không có thầy dạy. Đến nay mình có thể tự ôm đàn đi làm thêm tại các quán cà-phê. Với mình, chỉ cần được ôm đàn thả hồn vào từng nốt nhạc là một niềm hạnh phúc lớn”.  

Ngoài đi làm ở các quán cà-phê, phòng trà khu vực Liên Chiểu với giá 150-200 nghìn đồng mỗi chương trình, Quang còn làm nhạc công cho các đám cưới, tiệc liên hoan họp mặt. Thù lao một chương trình từ 400-500 nghìn đồng. Quang nhận thấy công việc này không chỉ giúp anh có thêm thu nhập hằng tháng mà còn tạo được nhiều mối quan hệ xã hội. Đây là một công việc thú vị vì nó đòi hỏi sự điêu luyện, tinh tế, đức tính cần mẫn, chịu khó và còn rèn cho mình khả năng cảm thụ sâu sắc dòng nhạc truyền thống của quê hương.

Ngoài những giờ làm thêm của các nhạc công, chủ nhiệm câu lạc bộ guitar Hữu Đồng thường kêu gọi các thành viên tổ chức những đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện mang tên “Chắp cánh ước mơ” để giúp đỡ người nghèo. Sắp tới, các bạn sẽ phối hợp cùng các câu lạc bộ khác tổ chức chương trình văn nghệ từ thiện nhân dịp Noel với quy mô lớn để tất cả sinh viên Đại học Đà Nẵng đều có thể tham gia.

Theo các bạn nhạc công thì “không phải ai cũng hái được những quả ngọt thành công mà không đi qua những tháng ngày gian khó”. Để tập được một bài hát hoàn chỉnh, phù hợp với người hát thì mỗi nhạc công phải qua quá trình rèn luyện rất công phu. Người hát có thể chỉ theo cảm tính nhưng người nhạc công không chỉ thăng hoa theo giai điệu mà phải biết điều tiết cảm xúc của đôi tay cho phù hợp với giọng hát của người đứng trên sân khấu.

Ngoài ra, các bạn còn phải tốn thời gian để nghe nhiều bài hát, luyện tập theo điệu nhạc mới đáp ứng được yêu cầu được nghe nhiều thể loại nhạc của khán giả. Việc đi làm thêm cũng chiếm khá nhiều vào quỹ thời gian làm bài tập, thiết kế đồ án nên các bạn phải học vào giờ mọi người đi ngủ. Với nghề nhạc công thì tiền thù lao kiếm được còn chi phí cho xăng xe, mua nhạc cụ, còn lại thì đóng tiền trọ hằng tháng.

Chơi nhạc giỏi là ước mơ của nhiều bạn trẻ nhưng không phải ai cũng làm được, nếu không nỗ lực, kiên trì. Những tay đàn chuyên nghiệp như Quốc Khánh, Hữu Đồng, Ngọc Quang khuyên những người đương ở ngưỡng cửa vào nghề, là làm việc gì cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, và đó là động lực mạnh mẽ để các bạn trẻ sống trọn cho những đam mê.

CẨM DUYÊN

;
.
.
.
.
.