Đà Nẵng cuối tuần

Cải tổ WHO

06:52, 31/01/2015 (GMT+7)

Dịch bệnh Ebola năm 2014 chỉ rõ ra Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có quá nhiều điểm yếu và đã tới lúc phải cải tổ một cách sâu rộng vì vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan
Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan

WHO bị chỉ trích nặng nề ở dịch bệnh Ebola vì phản ứng ban đầu chậm trễ, công tác tổ chức kém và thiếu hiệu quả.

Tổng Giám đốc WHO là bác sĩ Margaret Chan nói trong cuộc họp mới đây về khả năng ứng phó dịch Ebola rằng cần phải tăng cường khả năng quản lý dịch bệnh và quá trình tuyển dụng nhân sự trực tiếp làm việc với bệnh nhân.

Ebola là một cuộc khủng hoảng quy mô lớn và nó đã vượt qua khả năng của WHO. Các thành viên của tổ chức thực sự hiểu được thế giới rất cần một cơ chế bảo vệ tổng hợp cho vấn đề sức khỏe toàn cầu. Trong năm qua đã có 21.724 ca nhiễm Ebola ở 9 quốc gia và có 8.641 người chết vì Ebola.

“WHO mà chúng ta đang có là một WHO mà chúng ta không cần, một WHO mà chúng ta không cần để đối phó lại khủng hoảng y tế kiểu như Ebola”, Tom Frieden, Giám đốc của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) nói tại cuộc họp. Ông Frieden cũng nói về những vấn đề chính trị đã ngăn cản việc tác động chuyên môn y tế ngay tại cơ quan của LHQ này.

Những cải cách mà Mỹ và Nam Phi đề xuất hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận tại cuộc họp thường niên các bộ trưởng y tế của 194 nước thành viên vào tháng 5 tới. Ông Frieden đưa ra bức thông điệp đáng để suy ngẫm “Nếu chúng ta không thay đổi bây giờ, rất khó mà hình dung được điều gì sẽ diễn ra”.

Bác sĩ Dirk Cuypers đứng đầu ngành y tế Bỉ và đại diện cho EU phát biểu là quá trình cải tổ nhằm đạt tới mục tiêu là bảo đảm chắc chắn một lực lượng đủ sức ứng phó mọi sự cố một cách kịp thời và hiệu quả. Bà Chan nêu ý tưởng tạo ra một quỹ dự phòng và một lực lượng ứng cứu khẩn cấp để sẵn sàng đối phó một cách nhanh chóng trước những dịch bệnh.

Những mạnh thường quân cũng ủng hộ việc thành lập một quỹ khẩn cấp mà WHO từng đề xuất vào năm 2011 với số tiền lên tới 100 triệu USD sau đại dịch cúm 2009-2010. Bà Chan nói với các nhà báo rằng đó là một điểm khởi đầu tốt.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO về vấn đề Ebola là Bruce Aylward cho biết WHO cần lực lượng ứng cứu khẩn cấp khoảng 1.500 người so với con số 1.000 người hiện nay. Vấn đề nhân sự còn nổi lên một chi tiết nữa là nhiều người thiếu chuyên môn y tế để xử lý. Do đó, trong kế hoạch cải tổ sâu rộng lần này, WHO sẽ tập trung xây dựng đội ngũ có chuyên môn tốt để xử lý dịch bệnh một cách hiệu quả, nhanh gọn.

ANH THƯ  (Theo New York Times, Reuters)

.