“Bất kỳ ai cũng có thể học những bài tiếng Anh vỡ lòng, được nói và trao đổi tiếng Anh thoải mái mà không hề tốn học phí”. Ấp ủ ý tưởng đó một thời gian, cô gái Đoàn Thị Ngọc Lan (24 tuổi) mạnh dạn đem ý tưởng phổ cập tiếng Anh đến với người Đà Nẵng.
Vừa bày cách phát âm, Đoàn Thị Ngọc Lan (bìa phải) vừa xen kẽ trò chơi giúp mọi học viên trong lớp hào hứng hơn. Ảnh: T.H |
Người biết nhiều bày cho người biết ít
6 giờ tối, Nguyễn Thị Mỹ (18 tuổi, công nhân Công ty Dệt-may 29-3) vừa tan ca làm, vội đạp xe tới thẳng lớp học tiếng Anh tại số 30 Mẹ Nhu (quận Thanh Khê). Trong căn phòng chừng 30m2, hàng chục bạn sinh viên và em nhỏ đã ngồi thành từng nhóm, ôn lại bài học tiếng Anh về cách xem giờ. Mỹ tâm sự: “Mình đi làm rồi, nhưng nghĩ học thêm tiếng Anh không bao giờ thừa, nhất là sau này nếu có cơ hội đi học lại, mình sẽ tự tin hơn rất nhiều”. Lớp học không ghế, không bàn, không bục giảng, cô trò đều ngồi bệt trên thảm, bên chiếc máy vi tính hỗ trợ dạy nghe và phát âm. Cô giáo Đoàn Thị Ngọc Lan bảo: “Gọi là lớp học, nhưng thực chất đây là điểm hẹn cho những người chưa biết hoặc biết ít về tiếng Anh có cơ hội được học hỏi, được nói tiếng Anh nhiều hơn”.
Tốt nghiệp ngành Tiếng Anh thương mại, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, Ngọc Lan vào Đà Nẵng tham gia một số câu lạc bộ tiếng Anh. Sau một thời gian ở đây Lan nhận thấy Đà Nẵng là thành phố du lịch, nhưng khả năng nói tiếng Anh của người dân rất thấp, thậm chí có người còn không hề biết. Lan nghĩ ngay đến một lớp phổ cập tiếng Anh dành cho tất cả mọi người. Và đến đầu tháng 11, lớp chính thức “khai giảng”. Nghe lớp là lạ, lại không thu tiền học phí, những ngày đầu hơn chục bạn sinh viên kéo tới. Đến buổi thứ tư, thứ năm, lớp đã đông kín với hơn 50 người.
“Trước khi quyết định học chính thức, mình đã học thử một tuần và thấy phương pháp cũng như nội dung giảng dạy rất tốt. Các chị không bắt học theo giáo trình, khuyến khích người học đề xuất cách học và hơn hết là được nói tiếng Anh thoải mái mà không sợ ngại”, bạn Ngô Lê Anh Khoa (SV Trường CĐ Công Nghệ) tỏ ra hài lòng. “Giáo viên” của lớp học là sinh viên các trường ĐH trong thành phố. Trước khi nhận sinh viên làm giáo viên đứng lớp, Ngọc Lan kiểm tra kỹ trình độ và sự nhiệt tình của các bạn với công việc này.
Lan nói: “Lớp học theo phương châm người biết nhiều bày cho người biết ít, người biết ít bày cho người không biết gì. Mình và các bạn giảng viên ở đây không đủ trình độ để truyền đạt những bậc tiếng Anh cao như các trung tâm, nhưng để cho mọi người có thể giao tiếp thông thường thì chắc chắn đảm nhiệm được”.
Cứ 6 giờ tối, từ thứ 2 đến thứ 7, căn phòng nhỏ lại rộn ràng với những bài học tiếng Anh. Mỗi hôm một chủ đề: chào hỏi, màu sắc, sở thích... có khi còn linh động thay đổi theo đề xuất của mọi người. Lớp không bao giờ học “chay”, luôn xen kẽ các hoạt động nhóm, vui chơi vào bài học nên mọi người hào hứng và nhớ rất lâu. Anh Phùng Văn Chiến (GV tiếng Pháp Trường THPT Phan Châu Trinh), một “học viên” của lớp chia sẻ: “Tôi thấy cách tổ chức lớp học rất hay, không hề gò bó và làm mọi người căng thẳng trước mỗi bài học. Chính vì người giảng bài là các bạn trẻ và phương pháp giảng chủ yếu là cùng trao đổi, tìm hiểu nên buổi học nào cũng rất thú vị. Sắp tới, tôi sẽ gửi con vào đây để cháu dạn dĩ với tiếng Anh hơn”.
Giấc mơ tiếng Anh bình dân học vụ
Đầu tháng 9 vừa qua, người dân Đà Nẵng hết sức hiếu kỳ trước một cô gái cầm chiếc bảng với dòng chữ “Speaking English with me” (Hãy nói tiếng Anh với tôi) luồn lách khắp nơi, từ chợ Cồn, cầu Sông Hàn, bến xe, siêu thị… Cô gái ấy chính là Ngọc Lan. Cô đã bỏ thời gian đi suốt mấy ngày trời để “đo” khả năng nói tiếng Anh của người dân như thế nào. Lan kể: “Lúc mới bắt đầu, mình nghĩ đối tượng đáp lại nhiều nhất sẽ là học sinh sinh viên, nhưng điều đó hoàn toàn không có. Các bạn ấy rất ngại nói vì sợ nói sai, sợ xấu hổ. Chỉ đôi ba người đáp lại “hello”, cười rồi đi. Trái lại, những tiểu thương trong chợ, tài xế taxi lại hào hứng với Lan, mặc dù nói chữ được chữ không.
Khi Lan hỏi cô chú có muốn học tiếng Anh không? Tất cả đều trả lời có, tuy nhiên họ bảo không có thời gian, điều kiện để tới các trung tâm, hơn nữa những nơi đó không phù hợp với mục đích học của họ. Lan đã trình bày ngay ý tưởng mở lớp học tiếng Anh theo kiểu “bình dân học vụ” của Bác Hồ. Nghĩa là sẽ học mọi lúc, mọi nơi, trong chợ, công viên, bờ sông, gầm cầu…
Người biết sẽ bày cho người không biết, và dạy những điều căn bản nhất về tiếng Anh để khi gặp bất cứ du khách nào người Đà Nẵng cũng có thể giao tiếp được, tất nhiên sẽ không mất tiền học phí. Nghe tới đây, chị bán thịt, anh bốc vác, chú taxi hân hoan hẳn lên, giục Lan nhanh chóng triển khai lớp học tiếng Anh đặc biệt này. Có người còn mang tập tài liệu nói tiếng Anh để hướng dẫn đường, tính tiền với khách nước ngoài ra nói: “Học miết trước giờ không hiểu chi trơn, vì chẳng biết trao đổi với ai cả. Nếu dạy tiếng Anh bình dân học vụ, chắc chắn tôi sẽ tham gia”.
Được hưởng ứng nhiệt tình, Ngọc Lan về lên kế hoạch cho ý tưởng của mình. Chương trình, địa điểm để mở các nhóm học đã có, nhưng khó khăn nhất là tuyển thêm cộng tác viên và kinh phí. Lan chia sẻ: “Để thực hiện được kế hoạch này, mình cần khoảng 30 bạn trẻ năng nổ, có kiến thức về tiếng Anh. Hiện giờ mình chỉ có chưa tới 10 bạn. Thật ra việc tuyển thêm người không khó, quan trọng là phải có một nguồn kinh phí hỗ trợ xăng xe, nước uống để các bạn chủ động di chuyển tới các điểm học”.
Hiện tại, Lan đang lập Dự án “Tiếng Anh đường phố bình dân học vụ”, khi hoàn thành sẽ gửi lên Thành ủy Đà Nẵng. “Mình mong Thành ủy sẽ phê duyệt dự án và hỗ trợ để có thể phổ cập tiếng Anh cho tất cả mọi người dân”.
TRẦN HIỀN