.

Giữ gốc rễ cội nguồn cho làng quê Đà Nẵng

.

Khi đặt vấn đề giữ gốc rễ cội nguồn cho làng quê Đà Nẵng là chúng ta  thừa nhận các làng quê của thành phố bên sông Hàn đang phải đối diện với thách thức ghê gớm của sự lãng quên.

Khi hòa mình vào các lễ tục ở làng, giới trẻ ngày nay cảm thấy mình có bổn phận, trách nhiệm hơn với tiền nhân. TRONG ẢNH: Học trò lễ tại Hội làng Hòa Phú. Ảnh: V.T.L
Khi hòa mình vào các lễ tục ở làng, giới trẻ ngày nay cảm thấy mình có bổn phận, trách nhiệm hơn với tiền nhân. TRONG ẢNH: Học trò lễ tại Hội làng Hòa Phú. Ảnh: V.T.L

Dẫu biết rằng cuộc sống văn minh hiện đại không hề mâu thuẫn với việc tìm hương trong ký ức nhằm gìn giữ gốc rễ cội nguồn từ quá khứ xa xưa - nếu không thế thì làm sao sử học, khảo cổ học, văn chương nghệ thuật… lại có thể phát triển không ngừng ở ngay những cường quốc hiện đại văn minh hàng đầu thế giới; nhưng rõ ràng trên con đường tiến lên văn minh hiện đại, lắm khi chúng ta chỉ mải mê với cái trước mắt, chỉ chăm chăm với cái đang có mà cố ý hoặc vô tình hờ hững với cái đã qua, mà vô tình hoặc cố ý lãng quên thậm chí tự mình xóa bỏ phủ nhận gốc rễ cội nguồn.

Những lưu dân làng Hải Châu thuộc huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vào khẩn đất lập làng bên tả ngạn sông Hàn cách đây hơn 500 năm, đã mang theo trong hành trang của mình một địa danh - chính là tên làng Hải Châu, và họ cố tình dùng cái tên gọi thân thương đầy ắp kỷ niệm này đặt cho nơi quần cư mới như một cách tự nhắc nhở về gốc rễ cội nguồn của 42 tộc họ vừa rời quê hương bản quán để góp phần vào sự nghiệp Quảng-Nam-mở-cõi.

Những tiền nhân Quảng-Nam-mở-cõi còn chú tâm giãi bày đạo lý của người tá thổ/thuê đất đối với chủ nhân ông lâu đời có công khai sơn phá thạch trước mình là người Champa qua các địa danh mang âm hưởng Chăm như Đà Ly, Thành Lồi, Dương Lâm, Dương Sơn, Vân Dương, Nam Dương…

Đây vừa là cách ứng xử có văn hóa lại vừa là sự thể hiện ý thức gìn giữ gốc rễ cội nguồn của người Đà Nẵng xưa. Về sau do xuất phát từ tiện ích của quản lý hành chính hiện đại, nhiều tên làng tên đất cổ xưa ở Đà Nẵng dần dần bị mai một trong quá trình định danh hành chính theo kiểu ghép tên như Bình Hiên - ghép Bình Thuận với Nại Hiên Tây, hay theo kiểu hệ thống hóa - tức lấy từ tố đầu của tên huyện để làm từ tố đầu cho tên  xã - như các xã của Hòa Vang đều bắt đầu bằng từ Hòa: Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Bắc…

Gần đây người Đà Nẵng có ý thức bảo tồn các tên làng tên đất của tiền nhân qua việc đặt tên đường phố, nhờ vậy nhiều địa danh xưa như Cổ Mân, Lỗ Giáng, Liêm Lạc, Phần Lăng… đã có thể hồi sinh trên tiến trình đô thị hóa như những tia hồi quang của văn hóa làng. Cả khi cần chia tách đơn vị hành chính, người Đà Nẵng có xu hướng giữ nguyên tên gốc kèm theo hướng kiểu Hòa Thuận Tây/Hòa Thuận Đông, Hòa Khánh Nam/Hòa Khánh Bắc… hay kèm theo số kiểu Hải Châu 1/ Hải Châu 2...

Di sản Hán-Nôm từng tồn tại trên địa bàn Đà Nẵng có lẽ không nhiều và chắc cũng không còn nhiều. Không nhiều là so với một ngàn năm Thăng Long và không còn nhiều vì đã để thất thoát mai một quá lớn - do bệnh ấu trĩ tả khuynh một thời chi phối, do sự hủy hoại của thời gian và của binh đao khói lửa và nhất là do rào cản của văn tự - cả trên phương diện vật thể lẫn phương diện phi vật thể, tức là cả phần xác lẫn phần hồn của di sản Hán-Nôm.

Có ý kiến cho rằng di sản Hán-Nôm là loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Thật ra cần xem đây vừa là phi vật thể vừa là vật thể - văn hóa được lưu giữ qua văn tự Hán-Nôm được văn bản hóa trên những chất liệu khác nhau, chẳng hạn như đồng với ký khắc trên chuông, như đá với ký khắc trên bia, như giấy với các sắc phong, hương ước, địa bạ, tộc phả viết tay, như gỗ với đại tự chạm trên hoành phi câu đối...

Ngay một số tên làng ở Đà Nẵng hiện nay khi được viết bằng chữ quốc ngữ vẫn có chỗ chính tả khác nhau, chẳng hạn viết Mân Quang đúng hay Mân Quan mới đúng, viết Quan Châu đúng hay Quang Châu mới đúng…

Chỉ có thể có câu trả lời khiến mọi người tâm phục khẩu phục khi đưa ra được những bằng chứng tường minh từ di sản Hán-Nôm có niên đại xa xưa nhất, rằng tấm bia nơi đình làng này, rằng tộc phả ở các nhà thờ tộc kia… đều viết theo tự dạng chữ Hán là Quan hay là Quang, rồi quan/quang theo nghĩa nào - bởi chữ Hán vốn có nhiều từ đồng âm dị nghĩa.

Xin nói thêm rằng cây cầu cuối cùng của đường Xuyên Á bắc ngang sông Hàn mang tên Tuyên Sơn hay Tiên Sơn mặc dầu nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đã xác định là Tiên Sơn nhưng kỳ thực vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ, bởi chỉ mới dựa vào suy luận chủ quan của vài nhà nghiên cứu - từ Tiên Sa suy ra Tiên Sơn - chứ chưa phải là kết quả xác định tự dạng của hai chữ Hán này trên một tư liệu Hán-Nôm nào đó, giống như từng xác định rõ là chùa Thủ Long chứ không phải chùa Long Thủ

Trong số di sản của văn hóa làng, những người làm công nghiệp không khói rất quan tâm và tìm cách khai thác sức hấp dẫn của các lễ hội dân gian, nhất là lễ hội cầu ngư ở các làng chài ven biển Đông và ven vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên cần thấy sức hút thẩm mỹ chủ yếu của lễ hội cầu ngư đối với du khách chính là sự tham gia hồn nhiên của đông đảo ngư dân trong lễ hội hết sức thiêng liêng đối với nghề biển hồn treo cột buồm.

Nói khác đi du khách thập phương muốn trực tiếp hòa mình vào không khí sống động của một lễ hội thật, chứ không phải một lễ hội sân khấu hóa quanh năm suốt tháng. Đều là xem hát bội nhưng nếu thưởng thức hát bội như một nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của người Việt thì du khách có thể tìm đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào bất cứ đêm diễn, buổi diễn nào cũng được, còn thưởng thức hát bội như một sinh hoạt văn hóa dân gian, nhất thiết du khách phải chờ tới... lễ hội cầu ngư.

Mỗi lễ hội dân gian đều có một cơ sở xã hội tương thích, ngư nghiệp Đà Nẵng vẫn đang phát triển, ngư dân Đà Nẵng vẫn đang gắn bó với biển cả và với làng chài để mưu sinh, cho nên lễ hội cầu ngư vẫn có thể tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống đương đại; trong khi đó Đà Nẵng còn quá ít trẻ chăn trâu dẫn đến một lễ hội từng vang bóng một thời ở Đà Nẵng là lễ hội mục đồng làng Phong Lệ chỉ có thể trở thành một hoài niệm xa xăm…

Thế nhưng giờ đây đến lượt lễ hội cầu ngư cũng đang phải đối diện với thách thức ghê gớm của sự lãng quên khi những “ông từ” của các làng chài và không chỉ các làng chài - những bậc cao niên trong làng am hiểu tường tận lễ nghi cúng tế, từ việc vái mấy vái lạy mấy lạy đến việc khấn sao cho đúng… cũng như những “ngư-dân-diễn-viên” trong các màn diễn xướng bả trạo từ tổng mũi, tổng khoang, tổng lái và con trạo biết hát biết múa đang thưa vắng dần qua thời gian năm tháng. Có thể đây cũng là một công việc mà ngành văn hóa/văn học nghệ thuật thành phố phải gánh vác lo toan khởi đầu từ Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015 này...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.