.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

.

Hội nghị kinh tế thế giới hồi tháng 10-2014, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,8% trong năm 2015 và 4% trong năm 2016.

Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde.
Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde.

IMF đã phải điều chỉnh chỉ ba tháng sau đó dù khẳng định rằng giá dầu giảm là yếu tố tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, bởi nước nhập khẩu dầu nhiều hơn nước xuất khẩu dầu.

IMF đã phải hạ mức tăng trưởng 3,8% cho năm 2015 xuống còn 3,5%, tức chỉ tăng nhẹ từ mức 3,3% của năm 2014. Mức tăng trưởng năm 2016 giảm từ 4% xuống còn 3,7%.

Các chuyên gia kinh tế của IMF nhận định nhiều yếu tố mạnh khác tác động mạnh mẽ không kém giá dầu giảm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp nhất trong 24 năm qua (7,4% trong năm 2014 và dự báo khoảng 7,1% trong năm 2015), kinh tế Nga sa sút vì cấm vận và giá dầu giảm, sự trì trệ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nhà sản xuất hàng hóa quay cuồng với việc hạ giá thành, tác động của đồng đô-la Mỹ tăng giá ở những thị trường mới nổi và sự thiếu hụt đầu tư trên toàn thế giới.

Những “làn gió độc” ấy bay khắp nơi trên thế giới nhưng trừ nước Mỹ. Chính vì thế, Mỹ là nước duy nhất IMF tăng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 từ 3,1% lên 3,6%.

Hai câu hỏi lớn được mọi người đặt ra sau dự báo mới của IMF. Thứ nhất: Liệu Mỹ có thực sự làm ăn phát đạt trong lúc phần còn lại của thế giới sa sút? Câu trả lời là có thể được. Nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào xuất khẩu như các nước lớn khác. Mỹ là nước tiêu thụ xăng dầu rất lớn nhưng họ đã làm chủ được tình hình. Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng lên.

Trong khi đó, khả năng siết chặt thuế của chính quyền Tổng thống Barack Obama là không cao. Thứ hai: Các nhà hoạch định chính sách cho nền kinh tế toàn cầu có tạo ra sức bật? Câu hỏi này chưa nhận được câu trả lời chắc chắn dù họ đã ngăn thế giới rơi vào cơn đại suy thoái lần thứ hai nhưng họ chưa có được những chính sách giúp kinh tế toàn cầu phát triển nhanh.

Mọi người vẫn hy vọng vào một chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt, chờ đợi cuộc họp của nhóm G20 vào tháng hai tới ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) khi từng thành viên trình bày chính sách kinh tế ngắn hạn của mình và mong đợi không có những thách thức chính trị gai góc như năm qua.

ANH THƯ (Theo WSJ)

;
.
.
.
.
.