Ấn Độ là quốc gia có gần 50% dân số làm nông nghiệp. Phần lớn họ sống trong những ngôi nhà với những bức tường bằng đất vì thu nhập quá thấp. Những bức tường đó không bền và không chịu đựng nổi thời tiết khắc nghiệt.
Cuộc sống của họ luẩn quẩn với bài toán về rơm và trấu. Rơm được dùng để ủ phân và làm thức ăn cho trâu bò trong mùa mưa gió. Nhưng lượng rơm quá nhiều buộc nông dân phải đốt một lượng rất lớn. Ngoài ra, cứ 5 tấn lúa thì xay ra được 1 tấn trấu. Lượng trấu này cũng buộc phải đốt đi vì không có nhu cầu sử dụng.
Những cột rơm cao to, những ụ trấu khổng lồ tạo nên những cột khói lớn đen rịt làm ảnh hưởng môi trường, khiến con người và động vật khó thở; giết chết các côn trùng có lợi cho mùa vụ; và làm cho lớp đất bề mặt mất đi chất dinh dưỡng. Nhưng người nông dân Ấn Độ vẫn cứ làm công việc ấy đều đặn hết mùa vụ này tới mùa vụ khác.
Rơm trấu dư thừa ở Ấn Độ trở thành vật liệu xây dựng qua sáng kiến của Bisman Deu (phải) |
Cô sinh viên 16 tuổi ở Delhi có tên Bisman Deu cũng thường xuyên chứng kiến hình ảnh cha cô phải đốt những cột rơm to lớn ở trang trại của gia đình. Bisman Deu nhận thấy nó vừa gây hại vừa phí phạm nên nghĩ tới cách tận dụng rơm trấu để làm ra vật liệu xây dựng. Cô làm một vòng đi hỏi các bác nông dân trong vùng thì đều nhận được sự động viên tái chế rơm trấu.
Cô bắt tay vào nghiên cứu việc tái chế nhờ sự trợ giúp của tổ chức Sáng kiến thay đổi cuộc sống. Deu trộn rơm trấu với một hóa chất rồi ép thành những miếng vật liệu được gọi là “Gỗ xanh”. “Gỗ xanh” này có thể dùng để làm nhà hoặc bàn ghế cho học sinh. “Tôi nghĩ đây là thứ vật liệu sẵn có tại địa phương để giải quyết một cách lâu dài những khó khăn của chính nơi đây”, Deu nói về sản phẩm của mình.
“Gỗ xanh” bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Ấn Độ để sản xuất hàng loạt đưa ra thị trường. Dù rất bận rộn với việc học tập nhưng Deu cố hoàn thiện các khuôn mẫu cho sản phẩm chất lượng hơn và đẹp mắt hơn bởi nó không bị nấm mốc và chống thấm rất tốt. Ngoài khả năng làm vật liệu xây dựng và bàn ghế thì “Gỗ xanh” làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống nông thôn Ấn Độ. Đầu tiên là giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm trấu.
Thứ hai là tạo được thêm thu nhập cho người nông dân nhờ tham gia sản xuất và cung cấp rơm trấu dư thừa. Thứ ba là giảm tình trạng phá rừng vốn là nguyên nhân lớn dẫn tới biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và quy trình hoạt động của dòng nước. Sáng kiến của Bisman Deu được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) vinh danh là một trong những sáng kiến có thể làm thay đổi cộng đồng, không chỉ ở Ấn Độ mà có thể tới những nước đang phát triển trên khắp thế giới.
ANH THƯ (Theo Unicef)