1. Trong mười hai tháng của một năm âm lịch, chỉ có tháng giêng-mở-đầu và tháng Chạp-kết-thúc là được gọi bằng một tên riêng, thay vì chỉ được gọi bằng số như các tháng khác.
Vươn mình đón Tết. Ảnh: MINH TRÍ |
Thực ra chạp cũng là một từ gốc Hán: ông cha ta cố tình đọc trại từ lạp trong lạp nguyệt thành chạp, giống như từng đọc trại theo âm Quảng Đông từ tạp trong tạp hóa thành chạp - chạp phô. Cho nên bản thân hai tiếng tháng Chạp đã thể hiện rõ năng lực giao lưu văn hóa đa dạng và sáng tạo của người Việt, một sự tiếp biến ngôn ngữ tinh tế không chỉ mang lại cho tiếng Việt một danh từ rất đỗi gần gũi thân thương mà còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho văn nghệ sĩ, trước hết là cho các nhà thơ…
2. Văn hóa ẩm thực người Việt có một bữa-cơm-dòng-họ thường được tổ chức vào tháng Chạp - gọi là chạp mả. Không biết chạp trong chạp mả với chạp trong tháng Chạp có quan hệ ngữ nghĩa gì không - dường như là có quan hệ, chỉ biết ngày chạp mả kết hợp với giẫy mả - sửa sang phần mộ tổ tiên - là rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, và người Việt mỗi năm phải tham dự ít nhất ba bữa chạp như vậy: chạp họ cha, chạp họ mẹ và chạp họ vợ/họ chồng.
Nhờ có chạp mả mà nhiều người - nhất là lớp trẻ - mới biết họ và quan trọng hơn là biết hàng, bởi có khi mình được một người râu tóc bạc phơ cung kính gọi bằng anh bằng chị, ngược lại có khi phải lễ phép xưng con xưng cháu với một người tuổi hãy còn rất trẻ.
3. Tháng Chạp của người Việt có một thời điểm vô cùng độc đáo và hết sức nhân văn - đêm hăm hai rạng sáng hăm ba. Theo truyền thuyết, đó là lúc ông Táo-chồng-sau của bà Táo hối hả cưỡi cá chép về chầu trời, và chính trong suốt một tuần lễ mà người-thứ-ba tạm thời vắng mặt, ông Táo-chồng-trước của bà Táo mới có cơ hội bày tỏ sự ăn năn về lỗi lầm “chết người” mang hơi hướng bạo lực gia đình mà ông từng mắc phải năm xưa.
Dường như bảy ngày đêm là quá ít để người đàn ông này có thể bộc bạch nỗi niềm cho đến đầu đến đũa, nên đêm hăm hai rạng sáng hăm ba năm nào ông Táo-chồng-sau của bà Táo cũng phải bấm bụng một mình đi xa - cả ngàn năm nay rồi và không chừng cả ngàn năm nữa…
4. Có điều tháng Chạp bây giờ không còn khiến cho người Việt háo hức đợi chờ như xưa. Sau hơn một trăm năm Âu hóa, dường như người Việt đương đại đã chia đều sự háo hức chờ đợi của mình cho cả tháng Chạp âm lịch lẫn tháng mười hai dương lịch. Người Việt giờ đây cũng hồi hộp chờ từng phút giây qua trước đồng hồ đếm ngược vào giao thừa năm mới dương lịch và từng có ý tưởng hơi cực đoan và không được mấy người đồng tình rằng nên chăng người Việt mình chỉ ăn tết… Tây.
Tất nhiên không háo hức đợi chờ như xưa nghĩa là vẫn cứ háo hức đợi chờ - chờ đi chạp mả, chờ ông Táo-chồng-sau của bà Táo hối hả cưỡi cá chép về chầu trời và nhất là chờ một năm mới yên ổn an bình sắp đến...
5. Dường như đằng sau sự háo hức đợi chờ tháng Chạp là sự háo hức chờ đợi tháng giêng, nhưng cũng có thể nói rằng đằng sau sự háo hức chờ đợi tháng giêng kia chính là sự háo hức đợi chờ tháng Chạp, bởi tháng Chạp tuy là tháng-kết-thúc song không bao giờ đóng khép, ngược lại tháng Chạp luôn mở ra những hy vọng mới và những hoài bão mới cho con người.
Tháng Chạp hoàn toàn không có tư-duy-nhiệm-kỳ và thường gồng mình cố sức dấn lên phía trước trong cuộc thi chạy tiếp sức của Thời Gian để trao tín gậy/chuyền gậy tiếp sức cho tháng giêng ở một trạng thái sung mãn nhất trong khả năng có thể… Và con người luôn biết ơn tháng Chạp vì sự tận-hiến-cháy-hết-mình này.
6. Tháng Chạp khẽ khàng chuyền gậy tiếp sức cho tháng giêng đúng vào đêm ba mươi tết. Và ngay từ cái khoảnh khắc bàn giao thiêng liêng ấy, tháng Chạp nép mình vào bóng đêm lặng lẽ quan sát những người đang thành kính khấn vái trước bàn thờ gia tiên trong cảnh ấm áp đoàn tụ gia đình, và quan sát cả những người trải qua hai tháng - tháng Chạp và tháng giêng, cũng là hai năm - năm cũ và năm mới, mà vẫn chưa về tới nhà hoặc chưa có nhà để về.
Tháng Chạp xót xa thương cảm những số phận cơ nhỡ chưa có nhà để về, quý trọng ngưỡng mộ những người vì mưu sinh kiếm sống hoặc vì nhiệm vụ chưa thể/chưa kịp về nhà và độ lượng bao dung với những người đang mải tìm vui chưa kịp/chưa muốn về nhà…
7. Tháng Chạp luôn bao đồng như vậy nên con người không thể không hào phóng chi tiêu trong những ngày tháng Chạp. Tôi từng viết trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra cuối tháng Chạp năm Nhâm Thìn rằng “không hiểu sao cứ đến tháng Chạp người ta lại rất hào phóng với đồng tiền của mình, có khi người càng ít tiền càng hào phóng. Mà không hào phóng - tới mức có thể sẵn sàng tiêu đến đồng tiền cuối cùng - cũng khó, bởi nhu cầu chi tiêu mua sắm vào thời điểm cuối năm thường rất lớn và mọi thứ đều có vẻ như hợp lý” (*). Thôi thì cứ xem như tiền tháng Chạp là một nỗi-ám-ảnh-ngọt-ngào không ngừng đồng hành với chúng ta trong cõi nhân gian cho đến khi nào cuộc đời này không còn… tháng Chạp!
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Tiền tháng Chạp, Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 27-1-2013