.
Xứ Quảng - theo dòng Lịch sử

Sử liệu quý trong quá trình mở cõi

.

Dễ nhận thấy Lưu Anh Rô đang dành nhiều tâm huyết cho một lĩnh vực nghiên cứu mà rõ ràng anh có nhiều lợi thế: Lịch sử xứ Quảng. Anh là người Quảng, lại là người làm sử chuyên nghiệp, có thể có thuận lợi của người trong cuộc khi theo dòng lịch sử quê hương để mà thu thập thông tin, để mà tiếp cận nhân chứng, để mà tìm hiểu sử liệu và để mà... viết sách.

 

Ngòi bút Lưu Anh Rô thường tỏ ra tự tin khi anh viết về lịch sử xứ Quảng trong khoảng thời gian một trăm năm trở lại đây. Do làm sử chuyên nghiệp ở một cơ quan nghiên cứu lịch sử đấu tranh cách mạng cấp tỉnh/thành, anh có điều kiện khai thác được nhiều nguồn sử liệu mà người làm sử bình thường khó có cơ hội tương tự.

Có điều, ý thức về mức độ, trên những trang sách của mình, anh đã dẫn chứng một cách hào phóng nhưng không hề tỏ ra lạm dụng những sử liệu này; đồng thời nguồn thông tin phong phú ấy lại được anh chọn lọc tinh tế và trình bày sáng rõ trong khuôn khổ những đòi hỏi nghiêm ngặt đối với các tham luận tại nhiều hội thảo khoa học lịch sử quốc gia và quốc tế mà anh được mời tham gia suốt thập niên qua, nên vừa có sức hấp dẫn từ bản thân sử liệu lại vừa có sự lôi cuốn từ văn phong, bút lực của tác giả.

Xứ Quảng - theo dòng Lịch sử, là tập hợp những bài nghiên cứu từng được in trên các tạp chí chuyên ngành, là các tham luận khoa học tại các hội thảo quốc gia, quốc tế mà tác giả từng tham gia, được tác giả sửa chữa, bổ sung, sắp xếp lần lượt theo các nhóm vấn đề như: địa dư, nhân vật, phong trào, sự kiện... Trong tập sách, người đọc sẽ thấy nhiều sử liệu quan trọng được công bố lần đầu liên quan đến xứ Quảng, chẳng hạn như những sử liệu về quần đảo Hoàng Sa, về cuộc chiến tranh bảo vệ thành phố Đà Nẵng năm 1858-1860, về hồ sơ thực dân Pháp theo dõi những người Quảng yêu nước như Thái Phiên, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh, Lê Văn Hiến...

Người đọc cũng sẽ thấy ở tập sách này không ít sử liệu mới về sự kiện Tết Mậu Thân - 1968 tại Huế và Đà Nẵng, sự kiện “Chính biến miền Trung năm 1966” - thường gọi là “Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ thành phố Đà Nẵng”, hay sự kiện tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975…

Đáng chú ý là qua Xứ Quảng - theo dòng Lịch sử, người đọc nhận thấy xứ Quảng hiện lên trên cận cảnh như là tâm điểm của quá trình Quảng-Nam-mở-cõi không chỉ nhằm mục đích mở rộng giang sơn về phương Nam mà còn nhằm mục đích tìm về với văn hóa bản địa Đông Nam Á được hiểu như một nỗ lực chống Hán hóa về văn hóa; đồng thời cũng hiện lên trên cận cảnh như là vùng đất luôn nhận lãnh sứ mệnh tiên phong đi đầu thông qua các phong trào cách mạng khởi phát từ xứ Quảng như Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, phong trào kháng thuế cự sưu năm 1908...

Đối với người làm sử, cung cấp sử liệu cho chính xác, cho có hệ thống, không cần bình luận gì thêm - theo đúng phương châm mà Khổng Tử từng đề xuất là “thuật nhi bất tác” - thuật lại chứ không sáng tác, cũng là một cách làm nghề có ý nghĩa. Có không ít nhà sử học dành trọn cuộc đời mình, dành cả sự nghiệp nghiên cứu của mình cho việc hệ thống hóa các sử liệu và trở thành nhà sử liệu học hoặc nhà biên niên sử học xuất sắc.

Nhìn nhận từ góc độ này, có thể nói điểm nổi bật mà cũng là đóng góp lớn của Xứ Quảng - theo dòng Lịch sử là đã cung cấp nhiều sử liệu quý chung quanh quá trình mở cõi chủ yếu bằng lưỡi cày - chứ không phải bằng lưỡi kiếm - của người Việt ở Đàng Trong/Xứ Quảng. Tất nhiên theo dòng lịch sử, người Quảng cũng không ít lần dùng lưỡi kiếm để bảo vệ thành quả lao động xây dựng hòa bình của mình. Vì vậy, tập sách còn cung cấp cho chúng ta nhiều sử liệu quý liên quan đến quá trình giữ nước, chống ngoại xâm của người Việt ở Đàng Trong/Xứ Quảng.

Có thể người đọc Xứ Quảng - theo dòng Lịch sử từng kỳ vọng và do vậy mà lấy làm tiếc cho Lưu Anh Rô khi anh đã không dấn thêm một bước để có được những bình luận sắc sảo và cần thiết thể hiện cái nhìn đầy bản lĩnh và sáng tạo của mình đối với từng sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử xứ Quảng. Tuy nhiên điều đó cũng không thật quan trọng, bởi như chúng ta vẫn thường nói: lịch sử chỉ diễn ra một lần duy nhất, còn viết sử thì có thể phải làm đi làm lại nhiều lần mới mong tiệm cận được bản chất và sự thật lịch sử. Mong rằng, trong tương lai Lưu Anh Rô hoàn toàn có khả năng theo dòng lịch sử quê hương, để tiếp tục cho ra mắt công trình học thuật mới, đáp ứng nhiều hơn lòng mong đợi của người đọc gần xa.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, tôi xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn sách đáng đọc này.

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
.
.
.
.
.