.

Chào Xuân mới từ "Cổ viện Chàm"

.

Mặc dù có tên chính thức trong văn bản hành chính hiện nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhưng cái bảo tàng bé nhỏ bên bờ sông Hàn vẫn được nhiều người gọi với những cái tên xưa cũ như là Cổ viện Chàm, Bảo tàng Chàm. Người ta thích như thế, cảm thấy nó thân thương và gợi nhiều hồi ức về hình ảnh của thành phố Đà Nẵng từ những thế kỷ trước.

Cảnh quan trước Cổ viện Chàm những năm 1930.
Cảnh quan trước Cổ viện Chàm những năm 1930.

1. Có những con tem đầu thế kỷ 20 in cảnh quan của khu vực này, lúc đó được gọi là “Jardin de Tourane” (Công viên Đà Nẵng), với những cổ vật Chàm rải rác. Vài bức ảnh tư liệu còn lưu hình ảnh chiếc thuyền buồm thấp thoáng phía trước tòa nhà bảo tàng những năm 1930. Và những “khối đá hình thù khó hiểu”, những “tượng mất đầu” kèm theo những câu chuyện huyền bí là các ấn tượng trong cách nói của một số người già về Cổ viện Chàm của Đà Nẵng.

2. Và một trong những điểm hấp dẫn của Bảo tàng Chàm cho đến hôm nay vẫn là tính chất “xưa cũ” của nó. Trong cái ồn ã tấp nập của một thành phố phát triển, khi bước vào sân bảo tàng người ta có cảm giác tĩnh lặng. Trong cái chuyển động rượt đuổi của dòng xe qua lại chung quanh, khi đứng trong các gian trưng bày người ta cảm nhận một sự đứng yên chậm rãi.

Trong chiếc áo cũ kỹ, không gian bảo tàng vẫn toát lên chút gì đó thanh cao và sang trọng. Khách đến tham quan Cổ viện Chàm có phần chọn lọc, thường họ phải rất yêu và để tâm đến một mảng tri thức, hoặc là lịch sử, hoặc là nghệ thuật hoặc là thần thoại, tín ngưỡng. Bảo tàng không thả cửa vào xem ào ạt, khách tham quan phải trả tiền vé để vào cửa vì sự yêu thích của họ.

3. Các nhu cầu và hoạt động văn hóa là đa dạng. Mỗi một địa chỉ văn hóa cần và đáp ứng những đối tượng khác biệt, và các phương thức phát triển cũng cần khác nhau. Trong các công trình văn hóa, cùng với kiến trúc tòa nhà cần có sự đầu tư cho những đặc thù nội dung và cả cho nhân lực quản lý, tổ chức hoạt động. Năm mới 2015 Đà Nẵng tập trung xây mới, nâng cấp nhiều công trình văn hóa từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện. Đó là điều đáng mừng. Và cũng cần có ngay một kế hoạch đào tạo, thu hút những con người để tổ chức các hoạt động đặc thù bên trong từng công trình hóa.

Đầu Xuân gặp các bậc lão thành hoạt động trong ngành văn hóa, nghe kể về những ngày tháng sôi nổi cùng với nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi cả nước đã đến với Đà Nẵng tham gia các sinh hoạt văn hóa của thành phố. Vừa uống trà, vừa nghe kể chuyện về “một thời đã qua” và cùng gửi gắm mong chờ sẽ có nhiều chồi non lộc mới trong hoạt động văn hóa của thành phố, đặc biệt trong “Năm văn hóa văn minh đô thị 2015”.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.