.

"Chống gậy" vào đại học

.

Ở tuổi 30, Nguyễn Hoàng Đông (SN 1985) mới là sinh viên năm 2 ngành Nội thất-ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Đông trong một giờ học vẽ trên giảng đường.
Đông trong một giờ học vẽ trên giảng đường.

Ở Đông, bên cạnh sự quyết tâm đeo đuổi con đường học vấn đến cùng là một nghị lực phi thường không có gì có thể khuất phục được khi Đông bị tật nguyền đôi chân từ nhỏ và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm.

Chiến thắng nghịch cảnh

Một trận sốt cao thừa sống thiếu chết lúc 2 tuổi đã mãi mãi cướp đi đôi chân của Đông. Thuở nghèo khó ấy, ba mẹ bận đi làm, Đông cũng chỉ biết bò quanh nhà tự chơi một mình. Đến năm 8 tuổi, Đông lần đầu tiên được mẹ cõng trên lưng đến trường nhập học lớp Một, trễ hơn bạn bè 2 năm.

Để con tiện đi lại, mẹ làm cho Đông một chiếc gậy tạm bợ bằng tre. Nhà cách trường cây rưỡi số, đường đất nên cứ hễ trời mưa, chiếc gậy cắm sâu xuống lòng đường khiến Đông ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lần mới tới được lớp. Mãi đến năm lớp 10, Đông mới được cấp cho một chiếc xe lắc tay. Quảng đường từ nhà ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) tới Trường THPT Nguyễn Hiền tuy đã đỡ vất vả hơn cái thời chống gậy khập khiễng nhưng khá xa. Nhiều hôm tới trường, Đông lả đi vì mệt. Dẫu vậy, trong suốt ba năm phổ thông, chưa khi nào Đông xin nghỉ học dù chỉ một ngày.

Sách vở của 3 anh em đều được mua từ số tiền ăn sáng 2.000 đồng, Đông gom góp từ năm này qua tháng nọ và đều là sách cũ. Đông luôn nghĩ, về phần mình, được đến trường đã là niềm hạnh phúc nhưng rất thương hai em vì suốt mấy năm học vẫn chưa biết mùi sách mới là gì.

Ở lớp, với vẻ ngoài chững chạc, tính tình điềm đạm, Đông trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy của bạn bè. Đông dành sự quan tâm đặc biệt tới những bạn thích quậy phá, học kém trong lớp. Đông quan niệm: “Những bạn học yếu không phải do các bạn kém cỏi mà là do không thực sự cố gắng và gia đình ít quan tâm”. Với suy nghĩ này, Đông đã thay đổi nhận thức của nhiều học sinh cá biệt trong lớp và luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong học tập.

Ngọn nến cong tỏa sáng

Năm 2005, Đông thi đại học và đậu vào một trường cao đẳng trong thành phố. Cùng thời điểm ấy, mẹ Đông được phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối.

Là anh cả trong gia đình với hai đứa em nhỏ đều đang ở giai đoạn chuyển cấp, Đông đành tạm gác giấc mơ đến trường để chăm lo cho mẹ, giúp ba chuyên tâm đi biển kiếm tiền. Đến tháng 10-2006 thì mẹ mất, gia đình Đông rơi vào khủng hoảng khi ba tìm đến rượu bia để quên đi nỗi đau, hai em cũng chẳng thiết học hành. Gia cảnh đã túng quẫn nay càng túng quẫn hơn. Mãi đến năm 2012, người chú ruột thấy Đông có chút năng khiếu, gu thẩm mỹ bèn tạo điều kiện cho Đông ôn luyện ở một người bạn, mọi chi phí chú sẽ lo. Nỗ lực của Đông đã được đáp đền xứng đáng khi thi đỗ vào ngành Nội thất, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.  

Đông mở lớp dạy kèm cho con em ngư dân tại nhà để trang trải cuộc sống gia đình. Từ 1-2 học sinh ban đầu, nay lớp của “thầy” Đông đã lên 8-10 em, có em theo Đông đến 7-8 năm liền. Kinh tế trong nhà cũng trồi trụt theo mùa đi biển của ba, học phí của học trò trả cho “thầy” Đông cũng không là bao vì nhà trò cũng nghèo như nhà thầy. “Mình cũng sống trong nghèo khó nên hiểu được những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh này thường “nhạy” lắm. Tâm lý chung của học trò nghèo khi chưa đóng tiền học, thường không dám đến lớp nữa. Vì thế, khi thấy gia đình nào nghèo khó, thì mình cứ coi như em ruột mình vậy, giúp được gì thì giúp” - Đông tâm sự.

Mỗi ngày sau giờ đến trường, Đông vẫn làm gia sư và nhận thêm nhiều việc phụ để tự lo tiền học, sinh hoạt phí của bản thân và các em. Đông tâm niệm: “Đây là cơ hội do người khác trao cho mình. Nếu tự bản thân mình tìm kiếm sẽ chắc không được bởi cứ mãi quanh quẩn trong nhà lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Bởi vậy, mình luôn tự nhủ phải nắm thật chắc cơ hội này để làm bàn đạp cho con đường tương lai”.

NGUYÊN KHOA

;
.
.
.
.
.