Vượt qua 30 tác phẩm của cá nhân và nhóm tác giả, Trần Anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã giành giải Nhất tại cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2014 với tác phẩm “Phù Đổng Thiên Vương”.
Trần Anh Tuấn (trái) trên bục nhận giải nhất cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính 2014 với tác phẩm “Phù Đổng Thiên Vương”. Ảnh: T.T |
Thánh Gióng “xuất trận” trên pháo hoa
Trần Anh Tuấn cho biết, tác phẩm “Phù Đổng Thiên Vương” được xây dựng, hoàn thiện trong thời gian khoảng 3 tháng, kể từ khi Ban tổ chức công bố phát động cuộc thi. Nhưng ý tưởng thì được cậu sinh viên (SV) đam mê cộng nghệ ấp ủ trước đó khá lâu.
“Thời gian vừa qua, khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta bị xâm phạm, em nhận ra rằng, không có một tình cảm nào sâu sắc, cao quý bằng tình yêu đất nước. Không có gì đáng tự hào hơn tinh thần kiên cường bất khuất, truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha. Cuộc thi là một trong những cơ hội quý giá để em thể hiện suy nghĩ này của mình”, Tuấn chia sẻ.
Lúc đầu Tuấn dự định tên tác phẩm là “Biển đảo quê hương” nhưng khi bắt tay vào xây dựng nội dung kịch bản, Tuấn nhận ra rằng, chủ đề như vậy “quá chung chung và không có gì đặc biệt”. Tự đặt ra yêu cầu về một kịch bản độc đáo hơn, sâu sắc hơn, Trần Anh Tuấn đã quyết định chọn hình tượng Thánh
Gióng - một huyền thoại trong lòng người dân Việt mà em đã có dịp được biết đến qua những câu chuyện cổ tích thuở bé.
Và “Phù Đổng Thiên Vương” trở thành tên tác phẩm của màn trình diễn pháo hoa ấn tượng về nội dung, tư tưởng lẫn hình thức biểu đạt, vượt qua 29 tác phẩm khác để giành vị trí cao nhất của cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2014.
Ý tưởng và nội dung của “Phù Đổng Thiên Vương” đều gắn với các sự kiện trong cuộc đời của Thánh Gióng. Các công đoạn xây dựng kịch bản, viết lời bình, phân đoạn trình diễn, xây dựng bố cục pháo diễn ra khá suôn sẻ. Phần lớn nhạc nền được chọn là các bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trong đó chủ đạo là đàn tranh và sáo trúc cho nên việc xử lý, dựng pháo sao cho ăn khớp và hòa quyện với nhạc là chuyện không dễ, đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác gần như tuyệt đối.
Giai đoạn làm hậu kì video trình diễn cũng liên tục làm khó cậu SV năm cuối khoa công nghệ thông tin, do trang thiết bị không đủ hiện đại để xử lý các hiệu ứng trong tác phẩm. Nhưng rồi mọi trở ngại đều được hóa giải nhờ ý chí của tác giả “Phù Đổng Thiên Vương” và những hỗ trợ rất kịp thời từ phía Trường ĐH Duy Tân.
Đam mê công nghệ và pháo hoa
Trần Anh Tuấn cho biết, đây là lần thứ hai gửi tác phẩm tham gia cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính do UBND thành phố tổ chức. Lần thứ nhất vào năm 2012, tác phẩm của Tuấn và nhóm bạn được lọt vào top 10 sản phẩm xuất sắc nhất. Lần này, Tuấn quyết định thực hiện đam mê một mình, coi như đây là một cách thử thách bản thân để trưởng thành hơn.
Từ nhỏ, Tuấn đã có niềm đam mê đặc biệt đối với công nghệ, kỹ thuật. Tuấn luôn mơ ước có thể lắp ráp được một con robot như người máy Asimo. “Hồi nhỏ, thỉnh thoảng em thường bị bố la vì tội tháo tung các thiết bị điện tử trong nhà (vẫn còn sử dụng được), kết quả là toàn bộ đều bị hỏng”.
Lớn lên, Tuấn chuyển dần sự yêu thích của mình sang lĩnh vực kỹ thuật phần mềm. Và từ đó đến bây giờ em theo đuổi đam mê lập trình. Cuộc thi vừa qua đối với Tuấn thực sự là một trải nghiệm về những gì đã học được.
Theo Tuấn, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Đó không chỉ là pháo hoa mà còn là nơi các đội thi đưa đến bản sắc văn hóa của nước mình qua các màn trình diễn âm thanh, ánh sáng đẹp mắt, ấn tượng.
Đáng tiếc là từ khi tổ chức tới nay đội tuyển pháo hoa Đà Nẵng chủ nhà chưa đạt được thứ hạng cao nhất. Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy để Tuấn tham gia cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính này. “Em hy vọng với ý tưởng trong tác phẩm của mình sẽ góp phần nhỏ bé tạo nguồn cảm hứng về ý tưởng cũng như nội dung kịch bản cho đội tuyển pháo hoa của chúng ta”.
Lúc rảnh rỗi, Tuấn thích học nấu ăn qua youtube và nghệ thuật cắt giấy Origamic Architecture như một cách thư giãn, tái tạo năng lượng để tiếp tục khám phá, chinh phục niềm đam mê của mình.
Cuộc có thi “Trình diễn pháo hoa trên máy tính năm 2014” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức đã nhận được 30 sản phẩm dự thi của 29 tác giả/nhóm tác giả đến từ các tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Hải Dương, An Giang, Đà Nẵng… Đây là một hoạt động văn hóa hỗ trợ Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2015. Cuộc thi cũng là sự kiện nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin vào việc học tập, nâng cao tri thức và giải trí một cách lành mạnh, góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số của địa phương. |
THANH TÂN