Thuở nhỏ, sống ở quê, vào những đêm trăng thanh, gió mát, lũ trẻ lên bảy, lên mười con cô, con cậu, con dì chúng tôi thường tụ tập về sân nhà ông bà ngoại để cùng vui chơi với nhau.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có hôm trẻ con hàng xóm cũng chạy qua chơi rất đông. Trong những buổi vui chơi ấy, chúng tôi thường quây quần bên nhau hát các bài đồng dao hoặc chơi các trò chơi chạy nhảy, trốn tìm…Từ ngày ấy, tôi đã thuộc lòng bài “Dung dăng, dung dẻ” có hình ảnh chú dê con đi học:
Dung dăng, dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu, lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Xì xà, xì xụp
Ngồi thụp xuống đây.
Cùng với bài đồng dao trên là trò chơi “Hú dê dê về nhà mẹ”. Trò chơi này do dì ruột dạy cho chúng tôi và cùng chơi với chúng tôi. Dì tôi bị khiếm thị từ nhỏ nên dì không lập gia đình mà sống cùng với ông bà ngoại. Dì rất yêu thương các cháu, lại thuộc nhiều truyện đời xưa, tục ngữ, ca dao… Từ nhỏ chúng tôi đã được làm quen với nhiều thể loại văn học dân gian, chủ yếu là từ lời kể, lời ru, lời hát của dì và mẹ tôi.
Vào cuộc chơi, dì nói với chúng tôi: Đứa nào lớn nhất thì làm con sói chạy quanh, chạy quất trong sân, số còn lại đóng vai dê con. Dê con phải tìm nơi kín đáo trong nhà, ngoài sân mà nấp, làm sao cho sói không nhìn thấy được…
Nghe lời dì, chúng tôi chạy mỗi đứa mỗi ngả tìm nơi ẩn nấp. Đứa đứng ở xó nhà, đứa ngồi sau bụi chuối, có đứa còn thu mình nơi góc bếp rồi lấy cái thúng to úp kín đầu… Biết chúng tôi đã tìm được nơi ẩn nấp, dì tôi ngồi ở giữa sân nói to: “Các cháu nghe dì hát xong bài hát này thì chạy nhanh về với dì. Đứa nào về trước nhất là thắng cuộc” - Nói xong, dì cất lời hát rất dịu dàng:
Hú dê dê
Về nhà mẹ
Mẹ cho bú
Chú cho ăn
Đừng có đi đâu mà lạc đường, lạc sá…
Câu cuối, dì hát kéo dài như muốn làm cho lời hát đi xa và xa nữa… Dì vừa dứt lời hát, lũ dê con chúng tôi từ các nơi ẩn nấp, ùa chạy ra sà vào lòng dì. Dì ôm chúng tôi vào lòng, xoa đầu, vuốt lưng và khen chúng tôi: dê giỏi, dê ngoan… Một vài đứa chậm chân, về chậm, đứng ngoài khóc mếu máo. Dì lại phải kéo chúng tới gần, vỗ về, an ủi… Sau này, nhiều buổi không có dì, chúng tôi vẫn chơi trò “Hú dê dê…” cùng với nhiều trò chơi khác như: “Bịt mắt bắt dê”, “Rồng rắn đi đâu?”, “Ô nô ốc nốc”, v.v…
Mấy chục năm đã trôi qua kể từ ngày bọn trẻ chúng tôi được làm quen với trò chơi: “Hú dê dê về nhà mẹ”. Giờ có dịp nhớ lại khúc hát và cách chơi trò chơi này tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Khúc hát dạy cho chúng tôi phải biết yêu mẹ cha, chú dì.
Vì hơn đâu hết, gia đình, gia tộc là tổ ấm của mỗi người. Ở đó, con cháu nhận được bao tình cảm tốt đẹp, được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ đầy đủ nhất, chân tình nhất. Xa gia đình, gia tộc đi lang thang đây đó có thể ta sẽ bị lạc đường, lạc lối, sẽ gặp biết bao tai họa, chẳng khác gì dê con bị hổ vồ, sói cắn… Bài đồng dao còn giúp cho lũ trẻ nhỏ làm quen với âm nhạc dân tộc và có thêm các từ ngữ thuần Việt… Thật đáng quý, đáng yêu biết bao các bài đồng dao và các trò chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ.
TRẦN HOÀNG