Đà Nẵng cuối tuần
Vùng Càng mùa nước nổi
Nằm về phía hạ nguồn dòng Ô Lâu, 7 cụm dân cư (gọi là 7 Càng) thuộc 5 xã vùng trũng huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được ví như Đồng Tháp Mười của mảnh đất này. Sau những ngày nắng, người dân gieo sạ trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Trẻ em vùng Càng tới trường mùa nước nổi. |
Qua ngày mưa, cả cánh đồng trở nên mênh mông nước lũ, cũng chính trên vùng đất ấy, những người nông dân trở thành những ngư phủ “sát cá” giăng câu, bủa lưới mưu sinh. Hơn 500 năm qua, người dân vùng Càng gắn bó với quê xứ của mình bằng cuộc sống an nhiên, tự tại.
Tương truyền, cách nay hơn 500 năm về trước, trong hành trình mở cõi, lập làng, các bậc tiền nhân đã chọn mảnh đất phía đông huyện Hải Lăng- nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh, có dòng Ô Lâu khởi nguồn từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ bốn mùa tưới tắm phù sa cho biền bãi trước khi mang dòng nước mát lành hòa vào phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế), xuôi ra biển đông.
Để mở mang không gian sản xuất, sinh hoạt, bà con thuộc các xã Hải Thọ, Hải Hòa, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Thành (Hải Lăng) đã đến phần đất ruộng thấp trũng phía sau làng, cạnh bờ sông Ô Lâu để sinh cơ lập nghiệp. Các cụm dân cư này được gọi là Càng. Cả thảy có 7 càng, gồm: Cây Da, Hưng Nhơn, An Thơ, Mỹ Chánh, Hội Điền, Câu Nhi và Trung Đơn.
1. Tác giả Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết về vùng trũng Hải Lăng bằng những ngôn từ chất chứa hình ảnh mỹ miều khiến người đọc thầm ước một lần thả đôi chân trần tản bộ trên những cánh đồng, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành để tận hưởng xứ sở “Nước trời lấp lánh, hoa nở ngạt ngào, hương bay mười dặm…”. Vùng Càng - mảnh đất đặc trưng nhất của huyện trũng Hải Lăng không chỉ bởi vựa lúa năng suất nhất tỉnh mà còn là một vùng sông nước có nhiều đặc sản cá tôm. Mùa nắng, người dân vùng Càng là những nông dân chân lấm tay bùn, nghiêng đồng hắt nước ra dòng sông Ô Lâu để gieo sạ cây lúa. Mùa mưa, chính họ lại trở thành những tay ngư phủ sát cá ngay trên chính cánh đồng của mình.
Tôi về Càng một ngày đông buốt giá. Đứng trên triền đê chạy dọc bờ sông Ô Lâu phóng tầm mắt thấy những xóm Càng mờ ảo như những ốc đảo trong mênh mông sông nước. Xa xa, những chiếc thuyền chài nhỏ bé, thoắt ẩn, thoắt hiện chơi vơi giữa làn nước bạc. Vợ chồng ngư phủ Lê Văn Cường (40 tuổi) ở càng Hội Điền đẩy nhanh mái chèo sau tay lưới cuối cùng được buông xuống nước.
Giọng anh lạc giữa làn mưa ràn rạt: “Vợ chồng tui đi buông lưới từ tầm 4 giờ chiều, vừa xong 30 tay lưới. Sáng mai khoảng 5 giờ sẽ quay trở lại để thu lưới, đưa cá ra chợ sớm”. “Buông lưới đêm anh không sợ mất?” - Tôi băn khoăn. Anh Cường cười hiền hậu: “Bà con ở Càng ai cũng làm nghề lưới cá. Mấy chục năm sống ở đây tui chưa thấy ai bị mất lưới bao giờ. Nước mênh mông như ri, ai giăng lưới chỗ mô chỉ cần nhớ để sớm mai quay lại thu về thôi”.
Đưa tay áo gạt nhanh những giọt mưa đọng trên mặt, anh tiếp: “Mỗi năm, cứ vào độ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, khi mưa làm nước dâng ngập cánh đồng thì người ở Càng lại đi làm nghề lưới. Hết mùa mưa, nước rút thì xoay sang nghề nông. Cuộc sống không dư giả nhưng cũng đủ cho gia đình con cái sinh hoạt, tới trường”.
Theo hướng tay chỉ của anh Cường, những chiếc thuyền chài của cư dân thong thả buông lưới. Nhiều chiếc thuyền có hai người. Đôi chiếc thuyền chỉ một người, họ nương theo chiều gió cho rảnh tay chèo để buông lưới. Đâu đó những ngư phủ cất giọng hò chơi vơi theo nhịp chèo khua nước. Một không gian yên bình trong tiếng chuông chiều từ nhà thờ Cây Da (Càng Cây Da) đồng vọng lan xa.
Mùa lũ, những nông dân vùng Càng trở thành những ngư phủ sát cá. |
2. Đêm ở Càng tĩnh lặng. Ánh đèn điện hắt ra từ những mái nhà làm xóm Càng như những chòm sao giữa mênh mông sông nước. Bữa cơm đãi khách của gia đình ông Nguyễn Văn Việt (54 tuổi) ở càng Hội Điền (xã Hải Hòa) có dĩa cá tươi kho mặn do chính ông bủa lưới và món rau lang luộc hái bên hè nhà. Dân dã mà ấm cúng. Ký ức về vùng rốn lũ như thước phim quay ngược về quá khứ qua lời kể trầm ấm của người nông dân lam lũ.
“Cuộc sống của người dân vùng Càng mùa nắng dựa vào ruộng đồng để gieo trồng cây lúa, mùa mưa lại giăng câu, bắt cá. Sống ở mép nước nên nhà nào cũng có con thuyền làm phương tiện chính, gắn bó với đời sống người dân tự nhiên như hơi thở: ra đồng gặt lúa, ra sông bắt cá, lên thành phố, hay lớp trẻ đến trường… đều đi bằng thuyền”.
Để chống chọi lại con nước lớn, người dân dồn góp, vay mượn để dựng lên những ngôi nhà kiên cố. Nhà có điều kiện kinh tế khá giả thì xây hai tầng, nhà nghèo thì cố đổ trụ cột vững chãi, dành không gian trên dầm thượng để làm chỗ đựng lúa, trú ngụ khi con nước lớn đổ về bất ngờ.
Hội Điền có cả thảy 37 nóc nhà. Cũng như 6 Càng còn lại, sau ngày lao động vất vả, đêm về người lớn quây quần bên ấm chè xanh, kể cho nhau nghe về kinh nghiệm xem luồng nước nào có cá, ở đâu có cá ngon. Những đứa trẻ miệt mài bên bàn học, nắn nót từng con chữ, phép tính. Ông Việt phấn khởi khoe: “Cuộc sống người dân nương theo con nước nhưng mấy trăm năm trôi qua, chưa ai ôm áo bỏ Càng ra đi, cũng chưa ai nghĩ tới chuyện rời xa.
Năm năm trở lại đây, những đứa trẻ mầm non và tiểu học ở Càng đã có trường, không còn phải khổ sở học nhờ nhà kho hợp tác xã. Những đứa trẻ cấp 2 dù mỗi ngày phải đi trên những chiếc thuyền chòng chành xa gần chục cây số nhưng không đứa nào nản lòng, nghỉ học”. Đôi mắt người nông dân ấy ánh lên niềm tin khi ông nhắc về lũ trẻ - những mầm non hy vọng, nguồn động viên của những người dân quê lam lũ.
3. Năm giờ sáng, những đứa trẻ trở dậy chuẩn bị tới trường. Tiếng mái chèo khua nước của những ngư dân tất bật đi thu lưới để kịp đưa mẻ cá tươi ra chợ. Câu chuyện trên triền đê buổi sớm mai rôm rả xoay quanh con tôm, mớ cá. Người sành ăn nói rằng, không đâu có cá tôm ngon như ở vùng Càng. Bởi vậy, những ngư dân không bao giờ sợ cá ế. Sau mẻ lưới đêm, họ chọn những mớ cá to ra chợ, cá nhỏ đưa về nhà để dành làm thức ăn chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Lành, một người dân ở Càng tâm sự: “Ngày trước chưa có đường, mỗi buổi chợ đi về mất nửa ngày. Nay có đường, lái buôn đến thu mua ngay đầu ngõ. Một đêm kiếm được vài trăm nghìn đồng, kể ra cuộc sống không giàu có nhưng cũng thảnh thơi so với nhiều nghề lao động chân tay khác”.
Chia tay bà con vùng Càng trên con đường bê-tông kiêm đê chắn lũ dọc sông Ô Lâu trở về phố, sau lưng chúng tôi, vang vang tiếng trẻ đọc bài vọng ra từ ngôi trường khang trang ở Càng Hội Điền, lẫn tiếng mái chèo khua nước quyện vào nhau, bình yên đến lạ. Tôi nhận ra rằng, có lẽ người dân vùng Càng không chỉ bám đất giữ làng bởi lời dặn của tiền nhân thuở khai phá: “Tiền nhân khai phá ma lâm xứ/ Hậu xứ bảo tồn vĩnh hưng thôn”, mà họ còn gắn bó với mảnh đất này phải chăng bởi cuộc sống an nhiên tự tại với tháng rộng ngày dài giữa mênh mông sông nước!
THIÊN LAM