.

Lòng mẹ rộng vô cùng

.

Đất nước mênh mông quân thù không xăm hết được. Lòng mẹ rộng vô cùng… câu hát được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Dương Hương Ly chừng như vận vào cuộc đời của những người mẹ từng đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội ở Đà Nẵng.

Các ông Đặng Nghi (trái), Nguyễn Đình Anh bên bộ khuôn nắp hầm bí mật.
Các ông Đặng Nghi (trái), Nguyễn Đình Anh bên bộ khuôn nắp hầm bí mật.

Trụ bám vì cán bộ

Theo anh Võ Ngọc Vương, cán bộ văn hóa - xã hội phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, chạy xe trên con đường Mai Đăng Chơn đã được trải nhựa rộng rãi, phẳng lì với nhà cao cửa rộng, tôi cố hình dung ra cảnh vật của xóm Nam xưa thuộc thôn Mân Quang, xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang. Càng khó hình dung hơn, khi rẽ phải trên đường vành đai phía Nam - tuyến đường vừa mới khánh thành hồi năm ngoái, là con đường bê-tông hẹp dẫn vào một ngôi nhà nhỏ có hàng cau xinh xắn dọc hai bên.

Nghe tiếng xe, một bà lão trạc bảy mươi tuổi từ phía vườn sau nhà đi ra, chiếc nón trên đầu, chiếc khăn đỏ pha trắng trên vai làm tôi liên tưởng đến những bà mẹ Nam bộ một thời. Bà tên là Trần Thị Bích, một trong những người đào hầm và nuôi cán bộ của xóm Nam ngày trước. Bà kể, lúc đó cả xóm chỉ có khoảng 40 - 50 nóc nhà; những năm 1968 – 1969, chiến tranh ác liệt, người dân không chịu được bom đạn Mỹ, bỏ đi gần hết, số ở lại đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Nhà bà cách miễu Xóm Nam chưa tới 100m, lính Mỹ thường đến đây trú quân, chỉ trỏ khắp nơi rồi xí la xí lô trao đổi chuyện gì đó. Sợ lộ, bà không dám đào hầm trong vườn nhà mà qua nhà bà Lê Thị Nhung bên cạnh.

Vườn nhà bà Nhung khá rộng. Ngoài vườn có 4 hầm bí mật, trong nhà thêm một hầm nổi. Anh Vương dù là người địa phương nhưng sinh ra khi cuộc chiến đã đi qua nên chỉ hình dung một thời rực lửa của quê mình qua lời kể của hai bà. Cán bộ về ở hầm, hai bà không rõ đơn vị nào, chỉ nghe giọng Bắc xen lẫn giọng Quảng. Cả một vùng hoang vắng. Mỗi khi thấy lính Mỹ thấp thoáng từ xa, hai bà chạy ra ngoài vườn la lớn làm mật hiệu giữa thinh không: Trâu nhảy, bò nhảy! Cán bộ hiểu ý, ai nấy lo xuống hầm hết. Hai bà đi đậy nắp hầm, ngụy trang, xóa dấu vết. Khi Mỹ đi rồi, hai bà huơ tay làm bộ như ném thóc cho gà: Chúc chúc, ra mà ăn nè... Ngày hè khô khốc, cán bộ nằm hầm bị khát cháy cổ, nghe thế là hé nắp hầm ngước mặt nhìn lên hai bà ra hiệu xin nước uống.

Những năm đánh phá ác liệt, lính Mỹ và lính chế độ Sài Gòn lùa hết người dân xuống bến đò Mân Quang đưa qua ở tạm làng Trung Lương bên kia sông. Khoảng 8 giờ tối dân lại chèo ghe quay về làng; một người chèo, một người giữ cái giỏ đựng cơm, nước. Nếu không động tĩnh gì thì cứ thế mà nói đùa hoặc hát hò, thản nhiên qua sông, mang cơm nước lên giấu ở một nơi đã ngầm giao ước trước để cán bộ ra lấy. Trường hợp bị lính phát hiện đuổi theo thì quăng giỏ cơm nước xuống sông để phi tang. Mỗi lần quay về là phải nhận chìm ghe xuống sông để không bị lộ.

Đó là quãng thời gian khó khăn của các cơ sở cách mạng, như chia sẻ của Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Huỳnh Kim: “Xã Hòa Quý xưa có 10 thôn, nhưng chỉ Mân Quang là nhiều hầm bí mật nhất vì đây là vùng tạm chiếm, ngày địch đêm ta. Địch từ Hòa Hải đi càn lên là dân ở đây rút qua Trung Lương, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, ở tạm nhà bà con. Chỉ một số người còn trụ bám lo cho cán bộ, như trường hợp bà Nhung, bà Bích”.

Bà Lê Thị Nhung (trái) kể về hầm bí mật trong vườn nhà bà ở thôn Mân Quang xưa.Ảnh: V.T.L
Bà Lê Thị Nhung (trái) kể về hầm bí mật trong vườn nhà bà ở thôn Mân Quang xưa.Ảnh: V.T.L

Sống chết như trở bàn tay

Ông Đặng Nghi, trưởng thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, ngày trước tham gia du kích mật, trong nhà cha ông có hầm bí mật dành cho cán bộ lãnh đạo ở. Ông bảo, hầm kiên cố, khó tìm nhất là làm dưới bụi tre, đục lỗ thông hơi lên gốc tre, ngụy trang bằng quân phục của lính chế độ Sài Gòn hoặc bỏ tỏi, nén vào đó để đánh lạc hướng chó nghiệp vụ của địch. Nếu địch để ý một chút thì dễ dàng phát hiện ra hầm bí mật ngay, bởi nơi nào có hầm là tre phát triển nhanh, tươi xanh đến lạ. Không hiểu vì sao. Có người bảo do mình đào hầm xén rễ nên tre “tức” mà nhảy măng nhiều hơn; cũng có người bảo do có hơi người bên dưới.

Theo ông Trần Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, ngày đó Hòa Tiến gồm hai xã Hòa Lợi và Hòa Thái với gần 2 nghìn nóc nhà thì non một nửa có hầm bí mật trong khuôn viên nhà. Hầm bí mật có hai mục đích chính: giấu quân ngay tức thì khi quân (có khi cả đại đội) không thể rút về căn cứ an toàn và nuôi giấu cán bộ nằm vùng.

Khi đó địch thường thay đổi nơi đóng đồn bót, bỏ lại những tấm ri cong, dân mang về ghép 2 tấm lại làm bồ đựng lúa. Cơ sở đến vận động xin dân hiến cho cách mạng, chỉ nói là “làm việc công” chứ không hé răng là làm hầm bí mật. Vì thế, hầm bí mật là... bí mật tuyệt đối, nhưng khi bị chỉ điểm thì sống chết như trở bàn tay.

Bà Nguyễn Thị Khiết, mẹ Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn hiện nay, lần đó mới đào hầm bí mật cách nhà mình ở Lệ Sơn khoảng 500m, ngoài bờ tre, sát đường tàu xe lửa. Tối đó chồng bà, ông Lê Công Thành (lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang, Bí thư xã) và một đồng đội mang bộ khuôn nắp hầm về để đặt cho hầm mới làm. Bị địch phát hiện, truy kích, ông thoát được, bỏ lại bộ khuôn nắp hầm. Địch bắt bà mang bộ khuôn xuống nhốt chỗ trại lính Tiểu đoàn 51 suốt một tuần. Lúc đó bà đang mang thai đứa con thứ tư, bị tra khảo gì bà cũng một mực nói “tui có biết chi mô”, địch bí quá, cuối cùng đành cho bà về.

Nhà cha ông Nguyễn Đình Anh có 3 hầm bí mật, bị điệp chỉ điểm, địch cho lính đào xuống. Ở dưới biết có biến, bèn tung nắp hầm lên chiến đấu. Cha ông Anh hy sinh ngay tại nhà mình.

Hầm bí mật thường được làm ở nơi địch không ngờ tới. Như hầm ở trong một bụi găng sát bên bến Mân Quang, xã Hòa Quý xưa, địch lên xuống gần như thường ngày mà không ngờ tới. Đến khi bị chỉ điểm mới lộ. Hai người nằm dưới hầm biết trước sau gì cũng chết, bèn bật nắp hầm tung lựu đạn, tự tử.

Chỉ còn trong tâm tưởng

Một người trong họ ông Đặng Nghi là Đặng Điền, thời chống Pháp từng dẫn đội du kích Lệ Sơn đại diện huyện Hòa Vang vô Tam Kỳ thi đào hầm bí mật, đứng thứ ba. Ông Điền được cho là người sáng tạo ra loại hầm có bộ kèo hình chữ A với nắp hầm chìm.

Thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), ngày trước có 65 nóc nhà nhưng có đến 46 hầm bí mật. Từ khi Huyện ủy Hòa Vang phổ biến kinh nghiệm đào hầm bí mật theo kiểu nắp hầm chìm của Hòa Tiến, càng làm tăng thêm độ an toàn của tất cả các hầm bí mật ở Hồng Phước cũng như ở cánh Bắc Hòa Vang.

Bà Phạm Thị Miên có đến 7 hầm bí mật trong khuôn viên vườn nhà mình, nhiều nhất ở Hồng Phước ngày đó. Trong đó có một hầm nằm ngay hàng rào Đồn 44 pháo binh Mỹ trên nổng cát. “Tác giả” của cái hầm ngay trong lòng đồn địch này là ông Phan Văn Tải (Sáu Tải, lúc đó là Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì), khi biết chuyện ai cũng phục tài nghệ của ông, không hiểu ông đào bằng cách nào mà lính Mỹ trong đồn không hề nghi ngờ, phát hiện.

Nhà bà Phạm Thị Dĩ, em bà Miên, có 4 hầm bí mật, được vinh dự đón nhiều đời Tỉnh ủy viên, Bí thư Khu 1 và Quận Nhì về trú ẩn. Trong đó có bà Lê Thị Tính người xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thường vụ Tỉnh ủy điều động bà lúc đó mới 25 tuổi đang là Tỉnh ủy viên, Huyện đội phó Huyện đội Điện Bàn về làm Bí thư Quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).

Ông Sáu Tải kể, mỗi lần trong xóm có người chết là giao liên lân la tìm hiểu xem bao giờ họ chôn và chôn ở đâu. Từ đó, các ông tổ chức đào hầm bí mật ngay trong đêm đầu tiên người nhà đem người chết đi chôn. Mộ mới chôn nhỏ và thấp, sáng hôm sau người nhà ra thắp hương thấy chỉ qua một đêm mà cái mộ nó phình to như cái gò nhỏ. Chuyện quá lạ lùng nhưng không ai thắc mắc, bởi họ biết đêm qua đâu đó trong xóm đã có người đào hầm bí mật và đem đất đổ chồng lên mộ mới để tránh bị lộ. Dân bảo vệ cơ sở cách mạng đến từng chuyện nhỏ nhặt nên hầm bí mật ở Hồng Phước không bao giờ bị lộ.

Nhà bà Hoài có căn hầm nửa công khai nửa bí mật, phía ngoài để tránh bom, phía trong là hầm bí mật. Bà khoét tường, dỡ mấy viên táp-lô ra làm hầm bí mật bên trong, bí mật đến độ khi địch phá nhà bà mà vẫn không phát hiện ra hầm. Sau năm 1975, bà về quê làm lại nhà, cho dỡ cái hầm bí mật. Ông Sáu Tải nghe tin thì chuyện đã rồi, tiếc quá chừng, ý tưởng giữ lại hầm làm di tích chiến tranh của ông đã không thành hiện thực.

40 năm trôi qua, dấu tích những hầm bí mật ngày nào không còn nữa. Chỉ còn lại mô hình bộ khuôn nắp hầm hiện trưng bày ở Nhà truyền thống xã Hòa Tiến, có kích thước 25x45cm, dày 10cm, gồm một khuôn bên ngoài và một nắp vừa khít bên trong. Ông Đặng Nghi cầm bộ khuôn trên tay, hồi tưởng lúc xuống hầm: chống hai tay ngoài miệng hầm, co hai chân thả xuống trước; xong rồi, một tay xóa dấu vết, một tay kéo nắp hầm cho vừa kín với khuôn.

Hầm bí mật - dấu tích của lòng mẹ bao la trong cuộc chiến đã trở thành hoài niệm của biết bao người trong thời bình…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.