.

Văn hóa và giáo dục Đà Nẵng - bốn mươi năm nhìn lại

.

1. Ngày hăm chín tháng ba bốn mươi năm trước là một mốc lịch sử cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của thành phố bên sông Hàn. Từ cái mốc lịch sử đáng nhớ này, Đà Nẵng một lần nữa lại thay đổi chế độ chính trị: lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của miền Nam giải phóng và tiếp đến là lá cờ đỏ sao vàng của giang sơn thống nhất đã có thể sớm sớm chiều chiều phấp phới trên nền trời xanh thẳm của quê hương.

Nói một lần nữa là bởi lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từng tung bay ở Đà Nẵng trong hào khí của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Nhìn lại Đà Nẵng trên chặng đường cách mạng bốn mươi năm qua, có thể nhận ra sự chuyển mình của thành phố này từ một đô thị chủ yếu phục vụ chiến tranh - một căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ nhì ở miền Nam trước ngày giải phóng - thành một đô thị đang phấn đấu vươn lên hiện đại và phát triển bền vững, mà rõ nét nhất là trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

2. Trước ngày giải phóng, xét riêng về giáo dục phổ thông thì Đà Nẵng không hề thua kém Sài Gòn và Huế: Sài Gòn có Trung học Pétrus Ký và Nữ Trung học Gia Long, Huế có Quốc học và Nữ Trung học Đồng Khánh, thì Đà Nẵng có Trung học Phan Châu Trinh và Nữ Trung học Hồng Đức với chất lượng đào tạo cũng rất đáng tự hào.

Nhưng rõ ràng xét về giáo dục đại học, Đà Nẵng có khoảng cách quá xa không chỉ với Sài Gòn mà cả với Huế chỉ cách một con đèo: mãi đến năm 1974, Trường Đại học cộng đồng Quảng Đà mới được thành lập - một mô hình đào tạo đại học còn quá mới mẻ so với đương thời. Vì vậy có thể nói giáo dục đại học Đà Nẵng chỉ thật sự được hình thành sau năm 1975 và không ngừng phát triển suốt bốn mươi năm qua, trong đó có một số ngành đào tạo như bách khoa, kinh tế… có thể được xem là vượt trội về dạy - học và nghiên cứu khoa học trong khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cũng như đang nỗ lực vươn lên hội nhập cùng giáo dục đại học quốc tế.  

3. Cũng vậy, có thể nói lĩnh vực xuất bản và báo chí ở Đà Nẵng chỉ thật sự được gầy dựng sau ngày giải phóng. Trước đây thành phố bên sông Hàn hầu như không có nhà xuất bản, nhật báo và đài truyền hình riêng của địa phương, chỉ có Đài Phát thanh Đà Nẵng - nghĩa là không bằng Sài Gòn và Huế. Trải qua bốn mươi năm, lĩnh vực này ở Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách rất xa so với thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã được thu hẹp đáng kể khoảng cách so với Huế - thậm chí nếu xét riêng hoạt động của chi nhánh các cơ quan xuất bản và báo chí Trung ương thì Đà Nẵng còn có phần sôi động hơn Huế.

Đáng tiếc là Đà Nẵng trước ngày giải phóng tuy chưa có nhà xuất bản nào song lại có rất nhiều nhà sách luôn tấp nập người mua - chỉ kể khu vực gần chợ Hàn thì trên đường Độc Lập có nhà sách Sông Đà và nhà sách Lam Sơn, còn trên đường Trần Hưng Đạo có nhà sách Ngày Mai, và nhà sách Lê Thanh Tuân chứ không như… ngày nay có không ít nhà xuất bản mà vẫn thưa vắng nhà sách và người mua sách!

4. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu ở Đà Nẵng phát triển mạnh sau ngày giải phóng, nhất là sân khấu thoại kịch/kịch nói. Trước ngày giải phóng, người Đà Nẵng xem/nghe thoại kịch chủ yếu qua máy thu hình và máy thu thanh, chỉ sau khi đất nước thống nhất, người Đà Nẵng mới thật sự bị chinh phục bởi tài năng diễn xuất của các diễn viên kịch nói miền Bắc trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương, nhất là với những kịch bản trứ danh do Lưu Quang Vũ - nhà viết kịch quê Đà Nẵng - sáng tác.

Còn trên sân khấu cổ truyền trước ngày giải phóng, người Đà Nẵng chỉ được xem hát bội - và có khi là xem cải lương - ở hai rạp hát tư nhân là Xuân Quang và Hòa Bình, thì nhiều năm nay đã được xem hát bội hoặc dân ca kịch - như vở ca kịch Chuyện tình bên dòng sông Thu do Hoàng Lê chuyển thể từ vở thoại kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ, ngay trên sân khấu của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - một nhà hát được chính quyền thành phố đầu tư xây dựng trên mặt bằng của Rạp hát Hòa Bình...

5. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng vừa tổ chức cuộc tọa đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng - 40 năm một chặng đường tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khẳng định sau ngày đất nước thống nhất, Đà Nẵng mới bắt đầu hình thành một chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Có thể nói sự ra đời chi hội này - tiền thân của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố ngày nay - đã sớm tạo điều kiện để nghệ thuật nhiếp ảnh ở Đà Nẵng không ngừng phát triển suốt bốn chục năm qua, từ kỹ thuật cơ đến kỹ thuật số, trong đó nhiều tay máy từng đạt thành tựu đáng kể và đáng nể trên các sân chơi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc gia và quốc tế.

Tất nhiên nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng có thể ra đời sớm hơn, không chừng là ngay thập niên đầu thế kỷ XX - khi chiếc máy ảnh đầu tiên xuất hiện ở thành phố nhượng địa Tourane. Đây không chỉ là câu chuyện về lịch sử của riêng nhiếp ảnh nghệ thuật mà còn là câu chuyện về lịch sử của hội họa, của điêu khắc và của tất cả các loại hình nghệ thuật ngôn từ/nghệ thuật trình diễn trên vùng đất Đà Nẵng.   

6. Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế được tổ chức bên sông Hàn lần đầu tiên vào năm 2008 với chủ đề Vũ điệu Tiên Sa, lần thứ hai vào năm 2009 với chủ đề Âm vang sông Hàn và lần thứ ba vào năm 2010 với chủ đề Huyền thoại sông Hàn - cả ba đại tiệc ánh sáng và âm nhạc này đều diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3 hằng năm.

Từ cuộc thi lần thứ tư vào năm 2011 với chủ đề Lung linh sông Hàn đến nay, do đặc thù thời tiết ở địa phương, Đà Nẵng quyết định tổ chức thi trình diễn pháo hoa quốc tế nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30-4. Đặc biệt hấp dẫn và quyến rũ nhất là trận so tài nghệ thuật trong cuộc thi lần thứ năm vào năm 2012 với chủ đề Sắc màu Đà Nẵng giữa bốn đội từng đoạt giải vô địch trong các lần thi trước.

Sau cuộc thi lần thứ sáu vào năm 2013 với chủ đề Tình yêu sông Hàn, Đà Nẵng lại quyết định tổ chức thi trình diễn pháo hoa quốc tế hai năm một lần, do vậy đến năm nay mới diễn ra cuộc thi lần thứ bảy với chủ đề Đà Nẵng - bản giao hưởng sắc màu. Có thể nói đây là thương hiệu văn hóa riêng có của Đà Nẵng, khởi nguồn từ ý tưởng độc đáo của Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh - người có mặt suốt cả năm lần thi trình diễn pháo hoa quốc tế vừa qua như một tổng đạo diễn thực thụ. Nên chăng lần này khi thưởng thức Đà Nẵng - bản giao hưởng sắc màu, người Đà Nẵng trân trọng để trống một vị trí danh dự - ở hàng ghế đầu tiên của khán đài trung tâm…    

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.