.

Nhớ mùa bắp trên đồng

.

Bây giờ, ở phố, nếu thèm một trái bắp chỉ việc tạt ngang góc đường Trần Phú bên hông chợ Hàn, hay đường Hoàng Diệu, Duy Tân... thậm chí chỉ cần ra đầu ngõ đã nghe tiếng loa rao bán bắp từ những chiếc xe bán hàng di động.

Mùa bắp luôn gợi nhớ hình ảnh quê nhà với dáng bà, dáng mẹ tất bật trên đồng quê.
Mùa bắp luôn gợi nhớ hình ảnh quê nhà với dáng bà, dáng mẹ tất bật trên đồng quê.

Chỉ cần chưa tới 10.000 đồng đã có trong tay nguyên trái bắp thơm lựng, gợi về một vùng ký ức miên man mùi đồng đất quê nhà, của tuổi thơ…

Cái se lạnh buổi sớm mai trên con đường đến công sở hay cái nắng nhạt cuối chiều trên đường trở về nhà sau một ngày tất bật lo toan của cuộc sống xô bồ giữa chốn thị thành tấp nập dễ khiến con người ta hay thả hồn ngược về lắng dịu trong những năm tháng ấu thơ - nơi có miền quê thanh bình, ruộng đồng bát ngát, có dòng sông quê yên ả, những buổi hoàng hôn yên lặng vỗ về. Mùi bắp nướng, bắp luộc bên góc phố hòa lẫn mùi bắp ngoài đồng thuở xưa trên cù lao ven sông hay bên góc ruộng quyện mùi bùn.

Tôi làm việc ở phố nhưng không phải là công dân của phố. Cái chất quê, hồn quê vẫn cứ níu náu đâu đó trong lớp ký ức ngỡ đã phủ mờ bởi thời gian, cuộc sống. Bởi vậy, mùi bắp ở phố cứ chực đưa tôi trở lại với những cánh đồng bắp trải dài dẫu bây giờ có quay trở lại cũng khó để còn bắt gặp những đứa trẻ mục đồng đầu trần, chân đất…

Tuổi thơ trong trí nhớ của tôi là những cánh đồng bắp trải dài ngút tầm mắt, là những tiếng lá cọ vào nhau lao xao khi có cơn gió trời dịu nhẹ vỗ về. Trên chính bãi sông quê nhà, nơi ngày ngày những con nước lớn nước ròng miệt mài bồi đắp thêm phù sa cho ruộng đồng thêm tươi tốt, những ruộng bắp vào mùa cứ mải miết, xanh rì.

Và cứ thế, trải qua bao nhiêu năm dài tháng rộng, kể từ khi người dân ở đồng đất quê xứ miền Trung nghèo khó biết xen canh trồng thêm cây bắp để tăng thêm thu nhập, dù thời tiết có biến động thế nào, thì cứ vào độ tháng 2, 3 âm lịch, trên những cánh đồng nơi những triền quê “sương đã ngọt” cũng rộn rã vào mùa. Là tiếng cười nói râm ran, là kẻ mua người bán tấp nập.

Là niềm vui xen lẫn những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt những mẹ, những chị đang lúi húi bên những luống bắp ngậm sữa căng tròn, e ấp sau những lần áo xanh rì như thiếu nữ thôn quê, lắm thẹn thùng mà cũng căng tràn nhựa sống. Những trái ngô kết tinh của mưa thuận gió hòa xen lẫn những giọt mồ hôi tần tảo của những người dân nơi đồng quê quanh năm hai sương một nắng.

Sau khi những hạt ngô căng mọng vào độ thu hoạch được các bà, các mẹ bẻ về nhà, rửa sạch, luộc chín cho kịp những buổi chợ sáng, chợ chiều, bên góc phố nơi tấp nập khách hàng qua lại, í ới nhau cùng thưởng thức cho trọn cái hương vị dẻo thơm khi mà mỗi năm, bắp chỉ chín ngọt thực sự đúng một mùa.

Đâu đó trong sự ồn ã của phố phường, tôi nhìn thấy bóng dáng mẹ tôi nơi phiên chợ chiều quê thưa thớt, đậm màu uể oải bỗng rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng mời chào đong đưa giữa người mua kẻ bán vào mỗi mùa bắp rộ ngoài đồng. Cũng có khi, nơi góc chợ ấy, vì ghiền mùi bắp dẻo thơm, bùi ngọt mà người ta bỗng chốc trở nên kiệm lời, chỉ biết chọn nhanh những bắp ngô căng tròn làm quà cho những đứa con đang thòm thèm, mong ngóng mỗi lần mẹ đi chợ về. Một lần khác, tôi lại bắt gặp mùi ngô nướng giữa cái nắng trưa như đổ lửa bên cạnh những hố đất đá sâu hun hút của người dân miền núi dọc đại ngàn Trường Sơn miệt mài theo giấc mơ vàng. Hẳn nhiên tôi không thấy vàng, chỉ thấy những đôi bàn tay bợt bạt của bà con cả ngày dầm mình trong bùn và mùi khói nướng bắp cháy khét ám ảnh suốt chặng đường về phố.

Tháng ba, mỗi khi trong nhà ngoài ngõ, hương bắp thơm ngọt không ngừng đánh thức khứu giác mỗi người dân quê thì bước chân khao khát trở về của những người xa quê càng thêm chếnh choáng. Mớ ký ức ngủ quên bỗng chốc trở dậy. Ngày đó, cứ mỗi độ mùa bắp về, những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò nơi miền quê nghèo cũng trở nên thảnh thơi, tha hồ hái hoa, đuổi bướm, đánh trận giả. Còn những chú trâu, chú bò ngày thường thiếu cỏ thì bây giờ đã no căng tròn nhờ sữa ngọt từ những thân cây bắp tốt tươi.

Với người nông dân lam lũ quê tôi, một thời bắp là nguồn lương thực cứu đói ngày giáp hạt. Giờ đây, phần lớn bắp khi thu hoạch được đưa vào nhà máy, chế biến thành phẩm ngũ cốc, hay phục vụ chăn nuôi, phần còn lại làm thứ quà ăn chơi bên góc phố giúp những người quê bám phố mưu sinh vơi đi nỗi nhớ một góc quê nhà. Một lần có dịp đi Sơn La thăm thú, anh bạn đồng nghiệp bảo: Sao mày không viết phóng sự về hạt bắp Sơn La? Tôi cười: miền Trung quê mình cũng nhiều bắp lắm đấy!

Nói vậy, tôi không nghĩ, những hạt bắp được làm ra nơi cheo leo dốc núi lại khác với những hạt bắp ở quê xứ miền Trung lắm nắng, nhiều mưa là mấy. Ở nơi đâu, cây bắp cũng được người nông dân gieo trồng lên bởi ý nghĩ trước tiên là cứu đói. Lớn lên, ra phố học đại học, nhiều lúc ngày hai bữa mì tôm (tình cảnh chung của nhiều sinh viên), tôi mới biết thêm rằng, hạt bắp còn chiếm đến 12% thành phần trong một gói mì. Một phát hiện mà nhóm sinh viên quê mùa chúng tôi cảm thấy thú vị và an ủi bởi trong bữa ăn mỗi ngày đều thấm giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, của cha. Điều ấy, giảm bớt ước mơ điên rồ của chúng tôi ngày đó về một quán cơm bụi của mẹ mình bán ở thành phố nơi mình theo học đại học!

Bây giờ, trên những nẻo đường quanh co, dọc ngang của phố, đâu đó vẫn bắt gặp những nồi bắp nướng, bắp luộc phục vụ khách hàng trong cả bốn mùa. Đó có thể là bắp Thái, bắp Mỹ, bắp Miên... nếu muốn ăn thì bao giờ cũng sẵn. Tuy nhiên ngon nhất, thấm thía nhất vẫn là vị ngọt thanh của những trái bắp nếp quê nhà. Ăn xong rồi, vị dẻo dính, chất ngọt bùi cứ rân rân nơi đầu lưỡi. Thế mới biết hình ảnh quê xứ trong lòng mỗi người con tha hương luôn đong đầy nhung nhớ, yêu thương đến độ nào. Cũng giống như, hạt bắp gắn với mỗi người dân quê tôi, và gắn với cả hành trang khôn lớn của mỗi ấu thơ sinh ra nơi chốn đồng đất, bãi bồi phù sa sau mỗi mùa nước lũ.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.