.

Cần nội lực mạnh mẽ

.

Trong chuyện trải nghiệm cuộc sống, nội lực rất quan trọng. Thiếu nội lực hoặc nội lực không đủ mạnh không chỉ dẫn đến học không ra học mà còn dẫn đến tâm lý dễ bằng lòng thỏa mãn với cái “đáy giếng” chật hẹp của mình.

Bàn về chuyện trải nghiệm cuộc sống, ông cha xưa thường nói một câu ngắn gọn: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Như vậy ông cha xưa quan niệm trải nghiệm cuộc sống là để khôn ngoan hơn, thông minh hơn trong ứng xử với đời với người, và muốn vậy trước tiên cần tìm đến vốn sống phong phú và mới lạ mình chưa có được, chưa tiếp cận được, không phải ở trong nhà mình/trong làng mình, mà là ở trên… đàng, thậm chí trên đàng thiên lý vạn dặm xa xôi.

Muốn có được, tiếp cận được nguồn lực bên ngoài ấy, cần phải đi - đúng hơn là cần phải… lên đàng. Không ngẫu nhiên mà bài hát Lên đàng của Lưu Hữu Phước đã trở thành khúc quân hành thôi thúc nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam dấn thân vì đại cuộc: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha / Lên đàng kiếm nguồn tươi sáng / Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông / Từ nay ra sức anh tài (…) Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang”… Thế nhưng để có thể thực sự trải nghiệm cuộc sống, chỉ sẵn sàng đi/sẵn sàng lên đàng/sẵn sàng dấn thân vẫn chưa đủ…  

Vẫn chưa đủ bởi vấn đề phái sinh ở đây là chọn đi theo con đường nào. Kim Thánh Thán - nhà phê bình văn chương người Trung Quốc - từng nói rất hay rằng: Nghĩ mà đúng thì chỉ cần đi một bước cũng có thể đến gần cái nơi phải tới, nghĩ mà không đúng thì càng đi... càng xa cái nơi phải tới. Điều này có nghĩa việc chọn đường phải là kết quả của một sự suy nghĩ, nghiền ngẫm đầy trí tuệ, hay nói như Lưu Hữu Phước, phải lựa chọn đúng con đường dẫn đến nguồn tươi sáng cho non sông đất nước Việt Nam, đồng thời phải là sự lựa chọn của các anh tài.

Có điều sẵn sàng đi và chọn đúng đường vẫn chưa thể có ngay được… một sàng khôn. Trong quan niệm của ông cha xưa, không phải cứ đi khôn ra - như một hệ quả tất yếu, mà muốn khôn thì nhất thiết phải học. Đi và chọn đường đòi hỏi phải có nội lực sung mãn, học đòi hỏi nội lực ấy càng phải sung mãn hơn nhiều. Thiếu nội lực sẽ học không ra học - học không đến nơi đến chốn, không đến đầu đến đũa, thậm chí học một cách phiến diện, thấy cây mà chẳng thấy rừng…

Trong chuyện trải nghiệm cuộc sống, nội lực rất quan trọng. Thiếu nội lực hoặc nội lực không đủ mạnh không chỉ dẫn đến học không ra học mà còn dẫn đến tâm lý dễ bằng lòng thỏa mãn với cái “đáy giếng” chật hẹp của mình - ông cha xưa cũng từng cảnh báo con cháu không nên như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Thuở đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, những sĩ phu/trí thức có tư tưởng canh tân đều là người từng trải khắp năm châu bốn biển để mở rộng tầm nhìn, thậm chí để đổi mới tư duy như Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc…

Thiếu nội lực hoặc nội lực không đủ mạnh cũng sẽ dẫn đến tình trạng đi nhiều mà chẳng học được bao nhiêu, mà chẳng thấy có gì đáng học, mà chẳng thấy đau đớn tủi nhục trước hiện trạng thua chị kém em - thậm chí nói như Phan Châu Trinh là thua kém cả một thời đại - của đất nước mình so với thiên hạ, để rồi nuốt nước mắt vào trong, để rồi ra sức học hỏi thu hoạch mang về mọi điều hay lẽ phải…   

Chính vì nhận thức rõ tầm quan trọng của nội lực trong việc trải nghiệm cuộc sống nên nhiều bậc cha mẹ ở nước ta ngày nay đã đổi mới cách nuôi dạy con cái so với cách nuôi dạy truyền thống, theo hướng dạy cho trẻ biết sống tự lập từ khi còn rất nhỏ. Hình ảnh thường gặp khi sang thăm xứ sở hoa anh đào là các cháu bé Nhật tự xách đồ của mình cùng cha mẹ vào siêu thị hay đi ngoài đường, còn sang thăm Hoa Kỳ thì hình ảnh đầy ấn tượng là lúc một cháu bé Mỹ vấp ngã, cha mẹ cháu sẽ để cháu tự tìm cách đứng lên chứ không đỡ cháu dậy rồi xuýt xoa dỗ dành như trong nhiều trường hợp tương tự ở Việt Nam.

Xin nói thêm rằng trong việc trải nghiệm cuộc sống, tự lập không có nghĩa là tự cô lập, bởi tự cô lập một mình một cõi sẽ triệt tiêu khả năng làm việc nhóm, giống như một quốc gia độc lập không có nghĩa là bế quan tỏa cảng, bởi bế quan tỏa cảng tuyệt giao với thế giới sẽ dẫn đến tình trạng trăm năm cô đơn theo cách hình dung của nhà văn Gabriel Garcia Márquez về số phận đất nước Colombia cùng lục địa Mỹ Latinh...

Người làm lao động nghệ thuật rất quan tâm đến việc trải nghiệm cuộc sống. Nhiệm vụ của nghệ thuật là khám phá chất người trong bản thân con người, do vậy đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống sâu - chứ không chỉ thậm chí không phải sống lâu - với cuộc đời, để qua đó mà thấu hiểu người đời. Chính vì lẽ ấy nên các văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ… ở nước ta thường được đầu tư để đi thực tế và nhờ thế đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị.

Tuy nhiên đi thực tế ở đây không đồng nghĩa với trải nghiệm cuộc sống, chưa kể cách hiểu thực dụng về đi thực tế nhiều khi không phù hợp với lao động nghệ thuật, kể cả lao động của họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đi thực tế vùng mỏ không chỉ thậm chí không phải để viết những bài thơ về vàng đen của Tổ quốc hay để viết những bút ký về lao động nhọc nhằn của thợ mỏ… Ngay cả những bức ảnh nghệ thuật chụp cảnh vùng mỏ/thợ mỏ cũng là sản phẩm đầy sáng tạo của người nghệ sĩ khi quyết định lựa chọn đúng cái khoảnh khắc ấy để bấm máy. Nghệ thuật không phản ánh mà là nghiền ngẫm về hiện thực.  

Chỉ có nghiền ngẫm về hiện thực thì người nghệ sĩ mới có thể trải nghiệm cuộc sống. Cần thấy những chuyến đi thực tế/những cuộc dã ngoại của người làm lao động nghệ thuật là một chứ không phải tất cả cơ hội để họ sống sâu với hiện thực. Thời điểm cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử Chiến tranh và hòa bình, Lev Nikolayevich Tolstoy hoàn toàn không phải là người trong cuộc, không hề được đi thực tế chiến trường, bởi cuộc chiến tranh Pháp - Nga năm 1812 đã lùi xa cả nửa thế kỷ, nhưng không thể nói Lev Nikolayevich Tolstoy không thực sự trải nghiệm cuộc sống/thâm nhập cuộc sống khi nhà văn sáng tạo được một thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong văn chương Nga và văn chương thế giới.

Một kiệt tác nghệ thuật bao giờ cũng là sản phẩm của năng lực tưởng tượng nhằm hư cấu nên một thế giới vừa giống vừa khác với hiện thực cuộc sống mà người nghệ sĩ từng trải nghiệm bằng quan sát trực tiếp - như là đi thực tế, hoặc bằng cảm nhận gián tiếp khi đọc, khi xem hay nghe kể lại những gì người khác quan sát trực tiếp...

Chủ trương luân chuyển để đào tạo cán bộ hiện nay cũng là cơ hội để các công chức trẻ trải nghiệm cuộc sống công vụ, góp phần hạn chế tình trạng “cán bộ ba cổng” như Trung Quốc từng tổng kết: từ cổng nhà vào cổng trường rồi vào tiếp cổng cơ quan - vốn dễ dẫn đến căn bệnh quan liêu.

Chủ trương này rất đúng nhưng để tạo cơ hội cho cán bộ trẻ thực sự thâm nhập vào thực tiễn của địa phương/lĩnh vực công tác mới, cần hạn chế đến mức thấp nhất hai hệ quả có thể có khi tổ chức thực hiện luân chuyển: một là cấp có thẩm quyền trong công tác cán bộ xem luân chuyển giống như thuyên chuyển khiến cho người được luân chuyển đi dễ khó về / khi đi tỉnh ủy khi về… tỉnh bơ, hoặc đi dễ khó về / khi đi thường vụ khi về… thường dân; hai là cán bộ luân chuyển đi thì có mà học thì không và khôn càng không, bởi muốn làm-lớn mà không muốn làm-việc-lớn, chủ yếu là “nín thở qua cầu”, không chịu thực sự trải nghiệm cuộc sống, không chịu dấn thân vào điểm nóng/việc khó nhằm bổ khuyết những chỗ thiếu hụt của bản thân…

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
.
.
.
.
.