.

Canh giữ kẻ trộm di sản

.

Nicolas Asfouri, phóng viên hãng thông tấn AFP, vào ngày 2-5-2015 đã chụp một bức ảnh về một nhân viên UNESCO đang phân loại hiện vật tôn giáo và lịch sử tại ngôi đền Swayambhunath bị sụp đổ ở Kathmandu, sau trận động đất 7,8 độ richter vừa qua.

Nhân viên UNESCO đang phân loại hiện vật tôn giáo và lịch sử tại ngôi đền  Swayambhunath.
Nhân viên UNESCO đang phân loại hiện vật tôn giáo và lịch sử tại ngôi đền Swayambhunath.

Ngôi đền “Swayambhunath” hay còn gọi là “Đền Khỉ” (Swayambhunath Temple or The Monkey Temple) là một trong những địa điểm tôn giáo lâu đời nhất ở Nepal. Mang nét đặc trưng Phật giáo, nhưng đền thờ được tôn kính bởi những người thuộc mọi tôn giáo. Một ngọn tháp vàng óng trên một ngọn đồi có nhiều cây hình nón, Swayambhunath cổ xưa và bí ẩn nhất trong tất cả các đền thờ ở thung lũng Kathmandu. Từ các phía của thung lũng, có thể nhìn thấy ngôi đền dù ở cách xa nhiều dặm.

Dấu tích lịch sử được tìm thấy trên một bản khắc đá, đưa ra bằng chứng rằng các bảo tháp là một địa điểm hành hương Phật giáo quan trọng từ thế kỷ thứ V, được xây dựng bởi vua Manadeva. Vào thế kỷ thứ XIII, ngôi đền đã phát triển thành một trung tâm quan trọng của Phật giáo. Các bảo tháp tuyệt đẹp bao gồm một mái vòm trọng tâm cùng với một hình lập phương phía  trên, với con mắt của Đức Phật đang nhìn vào bốn hướng.

Sau thảm họa động đất, một chuyên gia người Pháp đã bật khóc khi phát hiện ra mức độ thiệt hại trên ngôi đền trong thảm họa này: 70% di sản thế giới đã bị phá hủy. Thật kỳ diệu, một số ngôi tháp từ thế kỷ VII dành để hài cốt các vị sư và một số bức tượng vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chúng cũng đang chịu nguy cơ bị đánh cắp.

Theo AFP, UNESCO đã gửi một nhóm các chuyên gia để đánh giá thiệt hại các đền thờ và cố gắng bảo vệ địa điểm tôn giáo độc nhất vô nhị thoát khỏi những tên trộm. Nhà khảo cổ học và sử học nghệ thuật David Andolfatto nói: “Nhiều bức tượng nhỏ được làm từ đất sét vẫn còn nguyên vẹn trong đống đổ nát, và nó sẽ rất dễ dàng bị đánh cắp. Còn những vật đã bị hư hỏng, tôi lo lắng rằng khi tín đồ đi lễ vào những ngày sắp tới, họ có thể sẽ thu nhặt các mảnh vỡ để cất giữ vì ngôi đền rất quan trọng đối với phật tử ở Nepal”. Bức tượng vị thần Ajima-thần bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa-hầu như vẫn đứng nguyên vẹn trong một phòng cầu nguyện của đền thờ. Andolfatto lo lắng rằng, một ai đó có thể “tranh thủ” để có một mảnh nhỏ của bức tượng ấy với hy vọng nó có thể mang lại cho họ sự an toàn, vĩnh cửu.

Phần trung tâm ngôi đền Swayambhunath trước khi bị hư hại.Ảnh: Nicolas Asfouri
Phần trung tâm ngôi đền Swayambhunath trước khi bị hư hại.Ảnh: Nicolas Asfouri

Hành vi trộm cắp di sản nghệ thuật vốn phổ biến ở Nepal, và Andolfatto nói rằng những tàn tích của Đền Khỉ sẽ là một “mồi ngon” cho những tên trộm nghệ thuật chuyên nghiệp - lấy cắp và bán hiện vật trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Cùng với một nhóm các tình nguyện viên và các chuyên gia, ông chụp ảnh và biên mục tất cả các hiện vật càng nhanh càng tốt để ngăn chặn chúng. Ông cũng hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà chức trách Nepal ngăn chặn việc buôn bán các hiện vật này trên toàn cầu, đặc  biệt là thông qua các nhà buôn bán tác phẩm nghệ thuật quốc tế có uy tín như Christie và Sotheby.

Giữa hoang tàn đổ nát, một bảo tháp màu trắng có mái vòm, trên đó có hình vẽ đôi mắt của Đức Phật vẫn tồn tại. Và bên trong, một loạt các bức tượng có kích thước nhỏ hơn - giống như những con búp bê Babushka Nga… cũng vẫn đang “ở ẩn” an toàn. Một số đồng tiền khác thường với dòng chữ Ba Tư cũng đã được tìm thấy.

Những người bảo vệ đền thờ không chỉ lo lắng khi phải qua đêm trong các căn lều che chắn tạm bợ cùng các mối đe dọa của cơn dư chấn tiếp theo kéo sập các cấu trúc còn lại, mà còn lo sợ rằng, những kẻ cướp có thể đến vào ban đêm để trộm đi những gì chúng  muốn từ ngôi đền 1.600 tuổi này.

Giữa ngổn ngang đống đổ nát xà bần lẫn với đất bụi tại “Đền Khỉ”, Pannakaji, người đàn ông 61 tuổi nói trong khi lần chuỗi hạt cầu nguyện bằng gỗ trong tay mình: “Tôi không ngủ được. Tôi phải canh chừng. Tôi muốn ngăn chặn những kẻ đang muốn đánh cắp các bức tượng”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.