.

Chăn trâu đồng đêm

.

Thu hoạch lúa vụ đông - xuân xong, người dân quê tôi lại tất tưởi cày ải để tiếp tục gieo cấy vụ hè - thu. Chỉ có tráng niên mới đảm đương nổi công việc cuốc cày đầy nặng nhọc này. Để kịp thời cho vụ mùa thì người ta không chỉ cày hai buổi sớm chiều mà còn tận dụng cả đêm trăng sáng. Những buổi chăn trâu đồng đêm của lũ trẻ chúng tôi bắt đầu từ đây.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mỗi dịp gốc rạ ngoài đồng trắng trơ ra bởi cái nắng đầu hè thiêu đốt cũng là lúc bài vở ở trường của chúng tôi đã đâu vào đấy nên bố mẹ không bắt bẻ được chuyện theo trâu quên cả học hành. Bao giờ cũng vậy, mỗi tối ra đồng, bố sẽ nói rõ đêm nay đi cày chỗ nọ, phải vất vả dắt trâu di chuyển năm lần bảy lượt trong đêm như thế xem phản ứng của tôi thế nào. Ngờ đâu, chính lời bố nói đã vẽ ra cận cảnh vui thú trước mắt mà tôi không nén lòng được. Có đứa chả cần ai rủ rê, cậy cục, đến giờ người lớn đi cày, tự mình háo hức cầm lấy dây thừng dắt trâu ra ngõ, theo sau đuôi trâu tắc rì hò một lèo ra đồng.

Đó là những đêm trời xanh không một gợn mây, lộ rõ vầng trăng sáng vằng vặc, tỏ tựa ban ngày. Gốc rạ đang trụi rụi như thế gặp lúc trăng lên biến đổi sang màu sáng bạch, đồng quê tức thì hóa thành một tấm thảm bạc khổng lồ, khiến những đứa trẻ chăn trâu như tôi ngồi trên bờ đê ngó xuống không khỏi choáng ngợp. Người thợ cày vẫn cần mẫn công việc úp xới của mình. Chẳng mấy chốc trước mắt chúng tôi lại hiện ra những đường cày đều tăm tắp, tựa con sóng triều cuộn mình lên xuống thành hình xoáy trôn ốc vô hồi vô hạn giữa đêm trăng thanh gió mát.  

Ai cày thì cứ cày. Mặc kệ mồ hôi ai ướt áo, phần chúng tôi trên đê dưới ruộng chơi liên tù tì các trò dân gian, từ bịt mắt bắt dê đến đánh trận giả, từ rồng rắn lên mây đến trốn tìm. Chơi chán chê chúng tôi lại lúi húi khoét sâu bờ ruộng tạo thành cái lò rơm để nướng khoai - mà khi ra khỏi nhà ai cũng thủ sẵn vài củ. Từ lò nướng đất, những củ khoai lang vừa chín tới nóng hôi hổi, sực nức mùi lửa rơm, khi ăn vừa thổi, vừa cắn, má đứa nào đứa nấy cứ phính phình lên. Quá nửa đêm, cả tụi lo buộc trâu lại thật chặt, dùng rơm khô tết qua loa thành chiếc nệm rồi lăn ra ngủ ngon ơ giữa triền đê.

Hơn ba giờ sáng, người lớn đến đánh thức, đứa nào cũng mắt nhắm mắt mở lại chỗ ràng trâu dắt tới để cày. Xong xuôi, chúng tôi vẫn được tiếp tục ngủ cho đến lúc mặt trời lên đến một con sào rồi mới thức dậy. Đồng quê ban sáng đổi thay chóng vánh bởi những đường cày sóng soãi, phủ kín tít tắp. Bố nhắc tôi súc miệng bằng nước chè xanh để còn ăn sáng. Từ trong cái mo cau được cắt xén gọn gàng, bố bẻ vuông góc cho tôi một miếng cơm nắm, rồi nhủ tôi chấm thêm một tí muối ớt nữa cho đỡ nhạt miệng. Hai bố con vừa ăn vừa nhìn nhau mãn nguyện như thể chẳng có gì sánh bằng vị ngon đậm đà, dân dã, thân thuộc của cơm mo cau.

Thỉnh thoảng, tôi lại lo âu, liệu một ngày kia, cái cày con trâu có còn là ký ức vời xa, để ai còn nhớ đồng đêm mùa cày?

NGUYỄN TIẾN DŨNG

;
.
.
.
.
.