.

Chữa bệnh cùng Internet

.

Với khối lượng thông tin vô hạn, giờ đây chỉ vài cái nhấp chuột, người dùng có thể tra cứu đủ loại bệnh với triệu chứng và cách chữa cụ thể.

Thông tin từ mạng Internet chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không được tùy tiện sử dụng thuốc hay tự chữa bệnh nếu không được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê toa. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Da liễu chữa trị cho bệnh nhân.
Thông tin từ mạng Internet chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không được tùy tiện sử dụng thuốc hay tự chữa bệnh nếu không được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê toa. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Da liễu chữa trị cho bệnh nhân.

Vì sự thuận tiện này, không ít người khi gặp các vấn đề về sức khỏe đã tìm đến các công cụ tìm kiếm Internet thay vì bác sĩ chuyên khoa. Tích lũy thông tin và chẩn đoán bệnh được thực hiện trên thế giới ảo nhưng để lại không ít hậu quả trong đời thực.

Lợi bất cập hại

Theo bác sĩ Hồ Đắc Mạnh (Bệnh viện Đà Nẵng) thì kiến thức trên mạng có thể đúng 100% tuy nhiên có hàng trăm bệnh hao hao nhau, hàng trăm nguyên nhân gây ra bệnh mà thông tin mạng không thể chẩn đoán cho người dùng. Việc chẩn đoán sai này là nguyên nhân chính làm trôi đi quãng “thời gian vàng” - giai đoạn có thể chữa trị dứt điểm nhiều bệnh.

Bác sĩ Mạnh nêu lên thực trạng nhiều người bệnh thấy triệu chứng chán ăn, hay ợ hơi thì nghĩ mình bị dạ dày, tự mua thuốc theo đơn “bác sĩ Internet” kê và bền bỉ chữa bệnh mà không biết rằng mình bỏ lỡ giai đoạn vàng của bệnh ung thư gan – căn bệnh có triệu chứng giống như dạ dày. Tương tự như vậy, để đối phó với một đợt viêm họng kéo dài, hầu hết người bệnh đều chọn cách tra cứu trên mạng rồi tự mua kháng sinh uống mà không biết rằng đây là dấu hiệu ban đầu của các bệnh nguy hiểm về tim mạch.

Thông tin đúng trên mạng gây nhiều tác hại cho người bệnh, thông tin sai lệch từ các “bệnh viện ảo” còn mang lại hậu quả lớn hơn. Không cần bác sĩ, dược sĩ hay giấy phép y tế nhưng những thông tin lại được cư dân mạng đặc biệt quan tâm do có giao diện chuyên nghiệp kèm với lời quảng cáo về khả năng kỳ diệu trong việc làm đẹp và chữa bệnh.

Thời gian gần đây, người sử dụng Internet thường xuyên chia sẻ bài viết về khả năng chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối nhờ… cây sả hay quả sầu riêng. Bài báo liệt kê khả năng chữa bệnh của cây sả, sầu riêng và số lượng người đã chữa thành công mà không dẫn chứng bất kỳ nghiên cứu, tài liệu khoa học nào. Tương tự như vậy, nhiều “bệnh viện ảo” còn khẳng định cây nha đam, đậu bắp hay thậm chí… ốc sên đều có khả năng chữa các bệnh liên quan đến xương, khớp, thậm chí gút bởi những thực phẩm này có nhiều chất nhờn, giúp… bôi trơn khớp xương.

Tuy nhiên theo bác sĩ Hồ Đắc Mạnh thì đây là việc “nói đùa như thật” bởi mọi loại thực phẩm đều sẽ được phân giải khi vào dạ dày chứ không bảo tồn nguyên vẹn để chuyển đến các khớp xương như những “bệnh viện ảo” này lập luận. Để rồi không ít người bệnh băn khoăn vì đã ăn đậu bắp đến… xanh cả người nhưng khớp vẫn sưng to, không thể đi lại.

Băn khoăn mãi, lý giải mãi, bác sĩ Hồ Đắc Mạnh vẫn không hiểu được vì sao, những “bệnh viện ảo”, không cần bất kỳ dẫn chứng khoa học nào lại có thể cam đoan chữa trị dứt điểm những bệnh trầm kha, mãn tính như thoát vị đĩa đệm, dạ dày, thần kinh hay thậm chí ung thư mà vẫn nhận được sự tin tưởng, chia sẻ của đông đảo cư dân mạng.

Vì sao mọi thành viên trên diễn đàn chỉ bảo nhau mua thuốc (do chính diễn đàn đó bán) hay tự pha chế để dùng mà không ai hồ nghi vì sao những phương pháp chữa bách bệnh quý giá đó đến nay vẫn chưa được đăng ký bản quyền ở Bộ Y tế để tiếp tục được đầu tư nghiên cứu, truyền thụ và trở thành vốn quý của ngành y nước nhà mà lại chỉ duy nhất chọn cách chia sẻ trên mạng?

Với bác sĩ Hà Nguyên Phương Anh (Bệnh viện Da liễu) thì mạng Internet đang mang lại công việc và thu nhập dài lâu cho bác sĩ da liễu. Những căn bệnh ngoài da đã được thế giới xếp vào hàng nan giải, phức tạp nhất như nấm, vảy nến, chàm… đều được mạng Internet  hướng dẫn cách chữa trị đông tây y kết hợp để lành hoàn toàn.

Bệnh nhân đọc và mua thuốc bôi mà không theo bất kỳ liều lượng cụ thể nào để rồi chuốc lấy hậu quả là phát ban diện rộng, da lõm sâu hoặc rạn thành những mảng lớn tựa dao rạch, chạy ngoằn ngoèo trên da thịt. “Nhiều bệnh da liễu đơn giản nhưng nhờ sự trợ giúp của “bác sĩ Internet ” mà trở nên tệ hại hơn, mãi mãi để lại di chứng trên cơ thể người bệnh”, bác sĩ Phương Anh khẳng định.

Chọn Google vì ngại

Ngại cảnh xếp thành hàng dài ở bệnh viện trong thời tiết nắng nóng, nỗi lo con có khả năng lây nhiễm chéo từ các bệnh nhi khác và suy nghĩ ho, sổ mũi là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nên mẹ cháu Nguyễn Đức H. (3 tuổi) quyết định tìm hiểu thông tin trên mạng Internet và tự mua kháng sinh về cho con uống.

Thuốc kháng sinh chỉ giúp bệnh sổ mũi của H. thuyên giảm trong những ngày đầu, càng về sau bệnh càng nặng, mũi và tai H. chảy mủ, cháu thở khó nhọc, xanh rớt do biếng ăn, người nổi rôm sẩy đỏ ửng, nằm lả trên tay mẹ do quá trình dùng thuốc kháng sinh mạnh, kéo dài. Khi khám, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi mới phát hiện một dị vật nằm sâu trong mũi cháu. “Bệnh tưởng chừng rất đơn giản khi chỉ mất vài phút, bác sĩ có thể gắp đi dị vật, không cần phải uống bất kỳ một viên thuốc nào. Thế nhưng, vì sự chủ quan và tâm lý ngại đến bệnh viện của mẹ mà H. phải uống kháng sinh trong một thời gian dài, viêm mũi biến chứng đã dẫn đến viêm tai giữa”, bác sĩ Võ Hữu Hội, khoa Hồi sức, Cấp cứu Nhi cho biết.

24 năm làm nghề, theo bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, Trưởng khoa Da lây, Bệnh viện Da liễu thì từ 3 đến 4 năm lại đây, người mắc bệnh lây qua đường tình dục ngày càng tăng, bệnh ngày càng nặng nề, âm ỉ, kéo dài. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen giao phó sức khỏe của mình cho “bác sĩ Internet”. Với tính chất là bệnh “tế nhị”, đa phần người mắc bệnh đều ngại gặp bác sĩ chuyên khoa chọn cách tự mày mò trên mạng, đọc các triệu chứng của bệnh rồi đối chiếu với tình trạng sức khỏe của bản thân rồi tự… kê đơn, chữa trị.

Không ít bệnh nhân đọc trên mạng thấy bệnh lây qua đường tình dục chỉ có thể chữa trị dứt điểm bằng cách đốt điện cao tầng hay đốt laser nên quyết định tự mình đốt bằng… đầu thuốc lá hay nhang đang cháy dở. Bệnh không những không hết mà còn nặng hơn nhiều lần. Sau đó, bệnh nhân vẫn tiếp tục cầm cự bằng thuốc kháng sinh trong thời gian dài và chỉ chịu nhập viện khi vết thương đã viêm loét nặng khiến việc chữa trị càng thêm khó khăn.

Khoa Da lây vừa tiếp nhận bệnh nhân chỉ mới 17 tuổi (đang học lớp 12, quận Cẩm Lệ) nhưng đã có thâm niên 2 năm tự chữa bệnh. Bệnh nhân thừa nhận mình gần như đã thuộc lòng hầu hết những lời chỉ dẫn về thuốc men, chế độ ăn uống, vệ sinh… mà các trang mạng chỉ dẫn, tuy nhiên, bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn.

Khi phát hiện những biểu hiện lạ trên da, cùng thần sắc luôn mệt mỏi, lừ đừ do dùng kháng sinh kéo dài của con mình, ba mẹ mới mang con đến bệnh viện da liễu. Sau quá trình khám, xét nghiệm, cả đội ngũ y bác sĩ, cha mẹ lẫn người con đều bàng hoàng khi biết, bên cạnh bệnh giang mai nay đã bước sang giai đoạn 2 do chậm trễ trong việc điều trị, em còn bị lây nhiễm HIV.

Hầu hết các bác sĩ trong bài viết đều khẳng định rằng, mạng Internet là kho thông tin khổng lồ, giúp nâng cao kiến thức y học cho người dân, đặc biệt là những lời khuyên hữu ích trong việc rèn luyện, ăn uống để nâng cao sức khỏe. “Bác sĩ Internet” cũng thường được lòng bệnh nhân bởi cách chẩn bệnh, kê đơn thuận lợi của mình.

Tuy nhiên, nhiều bài viết trên mạng chỉ phản ánh kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, cá nhân chứ chưa được kiểm chứng bằng những nghiên cứu bài bản, nghiêm túc. Trong khi đó, dù bài thuốc đông y hay tây y thì đó cũng là kết quả nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học có khi lên đến hàng trăm năm của bác sĩ, dược sĩ để xây dựng nên phác đồ điều trị bệnh hiệu quả cho từng loại bệnh, từng giai đoạn và từng cá nhân.

Sau khi khám, đặt bút kê đơn, mỗi bác sĩ đều hỏi người bệnh về tiền sử bệnh tật, dị ứng, các thuốc bổ hiện đang sử dụng… để cân nhắc các loại thuốc và liều lượng phù hợp nhất, tránh trường hợp nhờn thuốc, ngộ độc thuốc. Bên cạnh đó, mỗi người có sức khỏe, khả năng đề kháng, cơ địa khác nhau nên không thể tự chẩn đoán và uống thuốc dựa vào đôi ba hình ảnh, vài dòng mô tả bệnh trên Internet. Vì lý do này, thông tin từ Internet chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không được tùy tiện sử dụng thuốc hay tự chữa bệnh nếu không được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê toa.

“Cuộc sống trên mạng cũng giống ngoài đời thật, yêu cầu người xem phải thận trọng, cảnh giác để tránh tình trạng quá tin tưởng những thông tin trên thế giới ảo, sử dụng thuốc “theo hướng dẫn từ Internet” để rồi gánh chịu những hậu quả khôn lường, những di chứng kéo dài”, bác sĩ Hồ Đắc Mạnh nói.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.