Roland Garros, giải Grand Slam thứ hai trong năm sắp sửa khởi tranh ở thủ đô nước Pháp với một trong những chi tiết lạ liên quan đến người từ lâu thống lĩnh các cuộc tranh tài trên mặt sân đất nện: Lần đầu tiên sau 10 năm, Nadal (ảnh) rớt khỏi nhóm 5 tay vợt hàng đầu trên bảng xếp hạng của ATP và không là một trong 4 hạt giống của giải đấu.
Tình thế này dẫn đến việc muốn vào sâu trong giải, tay vợt Tây Ban Nha sẽ đụng độ sinh tử với các tay vợt hạt giống ngay từ những vòng ngoài. Đường vào trận đấu cuối cùng đối với Nadal bây giờ chông gai hơn xưa rất nhiều.
Có phải vì thế mà các hãng cá cược quốc tế không còn đặt anh vào vị trí ứng viên số một cho ngôi vô địch? Người được đánh giá cao nhất lên ngôi lần này là Djokovic, đang ngự trị chót vót trên bảng xếp hạng của ATP, bỏ xa Nadal trùng trùng điểm số.
Chiến tích 9 lần quán quân ở giải đấu danh giá này khiến Nadal được xưng tụng “vua sân đất nện”. Trong 10 lần dự giải, chỉ một lần duy nhất Nadal để vuột cúp vào năm 2009 sau thất bại trước Soderling. Còn lại, chiến thắng cuối cùng đều rơi vào tay anh với nhiều cảm hứng thú vị về phẩm chất kiên cường, sức mạnh dẻo dai của một chiến binh.
Bây giờ, “nhà vua” chừng đã khác xưa và ngai vàng thì lầm bụi vì vua bỏ đi lâu quá. Lần đầu Nadal bước vào Roland Garros mà trong tay không cầm theo một danh hiệu nào trong các giải mang tính tiền trạm trước đó. “Vua” bị các đối thủ “xa lạ”- ám chỉ những tay vợt thường thua mình trước đó trên mặt sân đất nện sở trường như Fognini, Murray, Wawrinka - qua mặt khá dễ dàng trong màu bụi đỏ ở Barcelona, Madrid, Roma.
Một con dốc vừa cao vừa dài đang chờ đợi Nadal trước mặt. Thật có lý khi người ta nhận định rằng Roland Garros lần này là cột mốc trọng đại đối với sự nghiệp của anh. Nếu thắng, anh tiếp tục là biểu tượng hào hùng với nhiều phẩm chất và nhiều khía cạnh được mở rộng để phân tích và chiêm ngưỡng. Còn nếu thua thì đó là dấu chấm hết to tướng khởi đầu con dốc thăm thẳm đưa vì vua trả lại long bào để trở về với đời thật phong trần.
Có gì để trông đợi khi mà Nadal ngày càng đánh mất uy thế trên mặt sân sở trường? Phải chăng đó là năng lực vượt nghịch cảnh với nghị lực bền bỉ và sức mạnh thể chất như không hề cạn kiệt của một chiến binh?
Những người yêu mến tài năng của anh muốn lật lại chiến công hào hùng năm 2013. Ngày ấy, trở lại sân bóng sau 2/3 thời gian trong năm phải nghỉ thi đấu vì chấn thương, Nadal đã đi một mạch từ chiến thắng này đến chiến công khác để cuối cùng lên ngôi ở Roland Garros.
Tinh thần và phẩm chất của cuộc trở lại ngoạn mục hai năm trước có thể là liều thuốc động viên Nadal lúc này. Một chiếc neo khác có thể níu kéo hy vọng về với anh: Thể thức thi đấu 5 set ở Grand Slam duy nhất trên mặt sân đất nện. Nếu khai thác suôn sẻ, đây là chi tiết giúp anh bào mòn thể lực và ý chí của đối thủ đồng thời tăng thêm nhuệ khí của bản thân vào thời điểm các cuộc tranh tài diễn ra giằng co, khốc liệt.
“Thất bại là một phần của cuộc sống. Tôi sẽ chiến đấu hết mình nhưng đừng ngạc nhiên nếu tôi ra về tay trắng”, Nadal tự trấn an mình. Anh đã nói điều này hàng chục lần mỗi khi sắp sửa bước vào một giải đấu nhưng có vẻ trận chiến ở Paris sắp tới không đơn thuần chỉ thắng với thua. Công chúng chờ đợi Roland Garros mùa này chứng nghiệm một trong hai điều: Sự trỗi dậy mãnh liệt của khát vọng hồi sinh hay là vẻ điêu tàn hoang lạnh của một ngai vàng đã vào thời xa vắng.
ĐÌNH XÊ