“Chiến trường ai khóc chia phôi,
Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua” (Hồ Thấu)
Đất nước khải hoàn, mọi người dân được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc. Để có được ngày hôm nay, dân tộc ta phải trải qua những chuỗi ngày đấu tranh gian khổ, mất mát, hy sinh. Qua truyện ký Đất Mẹ của Trần Đình Mai đã “nhắc đến người hôm qua”, trong đó từng số phận của mỗi con người đều gắn liền với những biến cố lịch sử trong khoảng thời gian 20 năm của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại từ 1954 - 1974.
Đây là tác phẩm ghi lại những câu chuyện có thật diễn ra đâu đó trên đất nước ta mà tác giả dày công sưu tầm liên kết lại, hư cấu lên để tăng phần hấp dẫn nhằm thu hút đông đảo bạn đọc qua đó mà giới thiệu từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đọc tác phẩm Đất Mẹ tôi cảm nhận những nhân vật tiêu biểu đại diện cho hai phía của cuộc chiến với nhiều số phận éo le, nghiệt ngã với nhiều tâm trạng khác nhau trước sự tàn khốc của chiến tranh.
Tâm trạng của những mối tình mà người đi tập kết người ở lại trong miền Nam “sống chung với địch”, rồi những “đêm Nam ngày Bắc”. Mấy năm trời chờ đợi nhớ mong để được trở về làng xưa xóm cũ. Nhân vật Thương đại diện cho lớp người tiên phong trong việc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi vừa đặt chân lên đất mẹ lại vướng phải tiếng mõ của người yêu và dân làng làm cho phía Giải phóng và cả lực lượng Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phải rời làng mà chạy.
Trần Đình Mai trong tác phẩm của mình, đã lần lượt nêu lên từng chính sách của cả hai phía (có khi bên này xây bên kia chống) như: “Tố Cộng, diệt Cộng”; “Ấp chiến lược”; “Khu dinh điền”; “Khu trù mật”; “Cải cách điền địa”; “Di dân”; “Liên minh, đồng minh”; “Độc Tôn” rồi “Liên Tôn”; “Bao vây cấm vận”; “Tát nước bắt cá”; “Giành dân”; “Bình định nông thôn”; “Mỹ hóa cuộc chiến” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Các chính sách đã làm đảo lộn cuộc sống hàng chục triệu người và xé nát mọi quan hệ truyền thống của xã hội Nam Việt Nam, biến mọi mối quan hệ thành quan hệ “địch-ta” kể cả trong một gia đình hay cùng một dòng tộc gây nên cảnh nồi da xáo thịt. Không chỉ ở Việt Nam mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Mỹ.
Truyện còn kể về cuộc đời hoạt động của quân dân vùng giải phóng, của những chiến sĩ cách mạng sống trong lòng địch. Những con người kiên trung bất khuất, vào sinh ra tử, chấp nhận cảnh tù đày, cảnh đói cơm nhạt muối, thiếu thốn trăm bề để “đọ sức” với Mỹ và VNCH. Đó cũng là những con người nặng nợ với quê hương, quyết trụ bám giữ lấy làng, sâu nặng nghĩa tình với dân với nước, thủy chung với người mình yêu.
Trong quá trình đấu tranh sinh tử, do bị tai nạn nghề nghiệp hay do hoàn cảnh đưa đẩy mà những người phụ nữ phải sinh ra những đứa con ngoài ý muốn, thậm chí có đến 4 đứa con lai Mỹ. Có chị quá khó khăn không còn cách nào khác phải dứt ruột bán đi những đứa con yêu quý của mình.
Tác phẩm Đất Mẹ còn mang đậm tính sử thi, với những con người dấn thân cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Đó là một chặng đường lịch sử 20 năm đấu tranh của dân tộc đã được tác giả chuyển hóa thành văn học, nghệ thuật hóa, hư cấu hóa thành những nhân vật điển hình nhưng lại rất đời thường, rất thực tế trong thời buổi chiến tranh; khiến chúng ta vừa cảm động vừa kiêu hãnh về những con người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và rồi nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất mẹ thân yêu.
Đặc biệt, trong tác phẩm Đất Mẹ, còn thấy nhân vật Nghĩa là cơ sở cách mạng, người lính Giải phóng trong quân lực VNCH đang đóng quân bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, nhưng năm 1974 bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Nghĩa bị lính Trung Quốc bắt làm tù binh, sau phía Trung Quốc trao trả. Nghĩa tiếp tục trở về cuộc đời binh nghiệp của mình.
Bằng tâm huyết và lao động cần mẫn của mình tác giả đã viết nên cuốn truyện ký này, xin được giới thiệu tác phẩm Đất Mẹ của Trần Đình Mai cùng bạn đọc gần xa.
P.V
(Nhân đọc truyện ký Đất Mẹ - NXB Văn học tháng 3-2015 của Trần Đình Mai)