Chỉ cần đưa chiếc điện thoại thông minh cài đặt sẵn phần mềm lên hình ảnh một sự kiện nào đó, ngay lập tức, màn hình điện thoại sẽ hiển thị các nội dung liên quan như: thông tin, ảnh 3D, thậm chí còn phát video, đọc đoạn thoại tiếng Anh, âm nhạc…
Nguyên tử hóa học hiển thị sinh động dưới hình ảnh 3D cùng trận đánh Trân Châu Cảng được Thiện Nhân (trái) và Duy Kha tái hiện trên điện thoại.Ảnh: B.A |
Đó là những ứng dụng thông minh thuộc đề tài AR Learning, bộ phần mềm học tập cùng công nghệ thực tế ảo của Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Trần Duy Kha, lớp 11A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).
Đề tài AR Learning đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam, do Bộ GD&ĐT phối hợp của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Công ty Intel Việt Nam tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 3 vừa qua.
Chơi mà học, học mà chơi
Xuất phát từ thực tế bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu tham khảo và hằng ngày chứng kiến giáo viên mất khá nhiều thời gian để thực hiện một bài giảng điện tử, Nhân và Kha có ý tưởng tạo một phần mềm bằng công nghệ thực tế ảo. Đặc biệt, phần mềm này hoàn toàn miễn phí.
AR-Learning (viết tắt của từ Augmented Reality, nghĩa là thực tế ảo) do hai cậu học sinh chuyên Tin thiết kế, giúp học sinh có thể học qua một thế giới ảo đầy sinh động, thú vị, hấp dẫn. Phần mềm sử dụng công cụ lập trình Unity, thiết kế đồ họa 3D Blender, chạy được trên điện thoại di động với các hệ điều hành Android, IOS, camera sau từ 5 MPX trở lên, RAM tối thiểu từ 512MB. Phần mềm có dung lượng khoảng 20MB.
Khi Kha vừa đưa hình ảnh về trận đánh Trân Châu Cảng (tháng 12-1941) trong sách Lịch sử lớp 11 lên trên chiếc điện thoại, chưa đầy 5 giây sau, toàn bộ diễn biến của trận đánh được phát sống động trên màn hình điện thoại. Đoạn clip này được lấy từ mạng Internet và lưu sẵn trong phần mềm. Kha cho biết: “Chỉ cần thêm thiết bị chuyển đổi, giáo viên có thể đưa đoạn clip này lên màn hình chiếu để cả lớp cùng theo dõi. Như vậy, giáo viên sẽ đỡ tốn thời gian tìm kiếm, mà chúng em cũng cảm thấy thú vị hơn với môn Lịch sử”.
Tiếp tục hoàn thiện sản phẩm
Không riêng môn Lịch sử, Kha và Nhân còn mở rộng phần mềm ở các bộ môn Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ… Chẳng hạn, chỉ cần in một nguyên tử hóa học lên tờ giấy, khi đưa điện thoại lại gần, học sinh có thể quan sát hình dáng, chuyển động của các nguyên tử ở tất cả các mặt, thấy được các electron chuyển động trong nguyên tử như thế nào, biết thêm những thông tin về nguyên tử như tên gọi, ký hiệu, nguyên tử khối…
Phần mềm càng trở nên hữu ích hơn với bộ môn Sinh học, vốn có quá nhiều hình vẽ phức tạp khiến học sinh lúng túng, khó hiểu. Với AR Learning, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn bởi những hình ảnh - từ cấu tạo cơ thể con người, thực vật, động vật, đến những chi tiết vi mô như bộ não sẽ hiện ra sống động dưới hình ảnh 3D. Thậm chí, chỉ cần đưa camera của AR Learning vào nơi có thí nghiệm Hóa học, Sinh học, Vật lý…, các thí nghiệm sẽ được tiến hành ngay trước mắt.
So với các công nghệ phần mềm khác, thực tế ảo vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí với cả “dân IT” (công nghệ thông tin). Nhân và Kha đã mất khoảng 3 tháng mày mò nghiên cứu để thiết kế nên phần mềm thông minh này. “Sách hay tài liệu về thực tế ảo bằng tiếng Việt rất ít. Vì vậy, bọn em phải tìm đến các website chuyên về thực tế ảo từ tiếng Anh để tự trang bị thêm kỹ năng cho mình. Nhiều khi “bí” vì các từ chuyên ngành khó quá”, cả hai bày tỏ. Dù chưa hoàn thiện nhưng AR Learning đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt của học sinh cũng như giáo viên. Kha và Nhân đang xin phép nhà trường được áp dụng phần mềm này trong giảng dạy.
Nhân bộc bạch: “Trong tương lai, chúng em dự định sẽ phát thêm nhiều cơ sở dữ liệu, áp dụng được trên nhiều loại sách và phát triển thêm trên hệ điều hành Windows Phone. Đặc biệt, phần mềm có thể “đọc” được trên mọi hình ảnh chứ không riêng gì những hình ảnh được lập trình sẵn”.
BÌNH AN