.

Hệ lụy từ trò chơi trực tuyến

.

Nghiện trò chơi trực tuyến (game online), không đơn giản là chuyện ham chơi, xao nhãng việc học hành, cáu bẳn khi bị người lớn nhắc nhở, cấm đoán mà trò chơi  trực tuyến còn có thể khiến một người bình thường trở nên bất trị, hung dữ, thậm chí rối loạn tư duy, suy giảm trí nhớ và không thể kiểm soát những hành vi gây hại đến người khác.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chìm vào thế giới ảo

Cô bé N.H.T. trú tổ 33, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê từng là học sinh giỏi ở bậc tiểu học, nhưng khi bước vào môi trường THCS khá nhiều điều mới mẻ, cộng tâm lý tuổi mới lớn bốc đồng, thiếu suy nghĩ, T. sớm kết thân với nhóm bạn ham chơi hơn ham học, thường xuyên bỏ tiết trốn vào các tiệm Internet  (thường gọi là quán net – PV) gần trường chơi, chờ đến giờ tan học.

Thời gian đầu, T. ghé quán net chỉ để vào Yahoo!Messenger tán gẫu với bạn bè nhưng mãi rồi chán, T. chuyển sang “giết” thời gian bằng những trò chơi trực tuyến khác. Lúc này, T. có thể ngồi quán net từ chiều đến tối, nói dối gia đình là đi học thêm để có thêm thời gian, tiền bạc chơi game. Chuyện học hành sa sút, thầy cô, ba mẹ la rầy, T. bỏ hẳn trường, lớp khi đang là học sinh lớp 7, hồn nhiên vùi mình vào thế giới ảo và chưa bao giờ nghĩ nghiện game là xấu.

Cũng nghiện game  rồi bỏ học giữa chừng khi đang học lớp 8 là câu chuyện của N.V.H trú huyện Hòa Vang. Ba mẹ H. vốn chân chất thật thà, lam lũ làm ăn, ít có thời gian để tâm đến con cái, nên đã không tinh ý nhận ra sự thay đổi trong tính cách lẫn thói quen sinh hoạt của H, ngoài tội “học lực yếu nên phải nghỉ học”.

Ở tuổi vị thành niên không được uốn nắn kịp thời, H. nhanh chóng đi vào con đường trộm cắp nhằm kiếm tiền tiêu xài, “nướng” vào những trò chơi gây ảo giác mạnh, thường xuyên dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn với bạn bè. Có lẽ cuộc đời H. và T. sẽ tiếp tục lún sâu vào vũng lầy trò chơi trực tuyến nếu không có một ngày, cả hai đi cùng chuyến xe với gần 300 thanh, thiếu niên chậm tiến khác do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức đến “thăm” Trường giáo dưỡng số 3, nơi có những học trò “cá biệt” tập trung với nhiều lý do khác nhau như trộm cắp, cướp tài sản, gây rối đánh nhau. H. nói đó là chuyến đi “vừa tham quan, vừa giáo dục nhớ đời” của em.

Ở đó, H. trò chuyện với một số người từng nghiện trò chơi trực tuyến, từng có những biểu hiện rối loạn hành vi, nóng nảy và luôn muốn có thật nhiều tiền - bằng con đường trộm cắp - để trò chơi không bị gián đoạn; trò chơi từng biến họ thành con người khác, trầm cảm, không muốn giao lưu với ai, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ, thường xuyên nói dối gia đình để được đi chơi, thậm chí có người xuất hiện những biểu hiện loạn thần. Những câu chuyện của họ khiến em sợ hãi và bắt đầu biết lo lắng về tương lai của mình.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp thanh-thiếu niên nghiện trò chơi trực tuyến được Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh và Công an thành phố phối hợp giúp đỡ, cảm hóa từ năm 2009 đến nay. Bác sĩ Lê Đình Đại, công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, hiện nay nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi trò chơi trực tuyến trong giới trẻ có xu hướng gia tăng.

Dù vậy, chỉ những trường hợp nặng gia đình mới phát hiện, đưa đi chữa trị còn ở mức nhẹ như bỏ ăn, học hành sa sút, tính khí thất thường, thường xuyên trốn học chơi trò chơi vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phụ huynh lẫn phía nhà trường.

Giống như ma túy, trò chơi được giới chuyên môn gọi là “chất gây nghiện” khó dứt bỏ với những biểu hiện như sắc diện kém, mắt lờ đờ mất ngủ, chán ăn, rối loạn tâm lý, giảm sút năng lượng, khó tập trung suy nghĩ, thậm chí bị ảo giác chi phối, luôn mang ý nghĩ có ai đó đang muốn hại mình, thấy máy tính là lao vào chơi cho bằng được…

Cần can thiệp sớm    

Thành lập từ tháng 2-2014, đến nay, Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và Tham vấn Tâm lý Family tại Đà Nẵng tiếp nhận gần 20 trường hợp nghiện trò chơi có độ tuổi từ 11 đến 28 được gia đình đưa đến nhờ tư vấn, qua trắc nghiệm đánh giá phát hiện nhiều em có mức độ nghiện nặng, cần phải can thiệp bằng thuốc cũng như sử dụng phương pháp vật lý trị liệu.

Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên Nguyễn Thị Hồng Nhung nói rằng, bất cứ ai cũng có thể nghiện trò chơi  trực tuyến do ảnh hưởng bởi hành vi “tập nhiễm”, nhưng chủ yếu rơi vào 2 trường hợp: hoặc gia đình buông lỏng, không quản lý; hoặc ba mẹ quá kèm cặp, kỳ vọng nhiều vào con khiến trẻ thấy bức bí, chán nản, muốn bung ra và dễ bị cuốn hút vào thế giới ảo -  nơi trẻ có thể tự do làm điều mình thích.

Dù trò chơi trực tuyến mang lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý con người nhưng ở một số quốc gia trên thế giới, trò chơi vẫn được xem là ngành công nghiệp hiệu quả trong thời đại máy vi tính, điện thoại thông minh.

Tại Việt Nam, những trò chơi như League of Legends (Liên minh huyền thoại), Teen Teen, Fifa online 2, Thiện nữ u hồn 2, Đột kích, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ… được hàng triệu người chơi sử dụng mỗi năm.

Tuy nhiên vẫn chưa có tổ chức nào vào cuộc khảo sát hiện có bao nhiêu người nghiện trò chơi trực tuyến và tác hại của nó đến đời sống xã hội như thế nào. Cũng theo chị Hồng Nhung, để giúp một đứa trẻ thoát khỏi trò chơi trực tuyến, gia đình cần tạo môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ, biết lắng nghe, chia sẻ, động viên kết hợp khen – chê, xây dựng hệ thống thưởng và áp dụng hình phạt đúng thời điểm. Trong đó, “khen ngợi” là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả, nó không chỉ hữu ích với trẻ con mà có thể áp dụng với người lớn.

Đối với một đứa trẻ có những biểu hiện nghiện trò chơi trực tuyến, cha mẹ cần can thiệp sớm, làm theo hướng dẫn bác sĩ, chuyên gia tư vấn với thái độ tin tưởng và kiên nhẫn mới mong giúp con mình nhanh chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi nhận thấy phần lớn chủ quán net tỏ ra khá e ngại khi nói về trò chơi trực tuyến và những câu chuyện xung quanh nó. Chủ một quán net (xin được giấu tên) nằm trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) cho biết, nếu kinh doanh Internet mà không kèm theo trò chơi trực tuyến thì coi như phá sản vì khách đến quán hiện nay chủ yếu chơi game.

Bên cạnh đó, nhằm tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, hiện nay nhiều game thủ chuyển sang chơi trò chơi trực tiếp trên website kết nối Internet mà không cần cài đặt. Có vẻ sẽ thật khó khi muốn cấm (hoặc hạn chế) một đứa trẻ chơi trò chơi trực tuyến hoặc những trò chơi trực tuyến không phù hợp với lứa tuổi khi công tác quản lý hiện nay vẫn còn ít và cho thấy nhiều kẻ hở.

Thống kê từ Bộ Thông tin-Truyền thông cho thấy, hiện nay trên cả nước có trên 30.000 đại lý Internet,  trong đó hầu hết các địa điểm kinh doanh Internet đều kinh doanh cả trò chơi trực tuyến. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nêu quy định các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách cổng trường học từ 200m trở lên nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh trốn học chơi game, dẫn đến nghiện game trong giới trẻ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.