Tôi vẫn nhớ về tuổi thơ như một khu vườn cũ, có cây ăn quả, những luống rau xanh ba gieo trồng, có khóm cúc vàng, gốc đào nghinh xuân, có đàn gà tơ mẹ dẫn đi kiếm mồi dưới nắng mai.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tất thảy đều sẽ khô héo nếu không được chăm bẵm. Tâm hồn thơ trẻ như một mảnh đất màu mỡ, và ba tôi đã gieo lên đó những mầm chữ, để mãi đến giờ, bao nhân vật từ trang sách đã bước ra xanh tươi đầy sức sống.
Cuộc sống gia đình quá ư túng khó, ba vẫn thường mua rất nhiều sách làm quà mỗi lần ông từ thị trấn về. Cuốn sách có hình màu tôi thích nhất là Kiến và chim bồ câu (Lép Tônxtôi). Sách in bìa cứng, dày, anh em tôi đọc đến mòn vẹt góc mỗi trang. Nhớ những con vật dễ thương, cũng ghét những loài nham hiểm; nhớ chùm nho còn xanh quá, lớn lên mới hiểu nó mang nhiều ẩn nghĩa. Kế đến là Truyện cổ Andersen của nhà văn người Đan Mạch với rất nhiều tác phẩm xuất sắc dành cho thiếu nhi. Tôi đã thực sự sống trong những câu chuyện cổ tích được kể từ một nơi xa lạ, vẫn rất gần. Thế giới hư thực quyện lẫn, mọi trẻ em trên thế giới đều có thể bước vào không gian truyện cổ đầy hấp lực và đôi khi nó còn xuất hiện trở lại trong giấc mơ.
Thật khó tin, có lần một số nhân vật trong nhiều cuốn sách khác nhau đã hẹn hò trong giấc mơ tôi. Tỉnh dậy không để ý nhiều, sau chợt ngẫm: sao lại có cuộc hội ngộ đầy ngẫu hứng như vậy? Ai mời gọi chúng đến với nhau, cùng vui chơi, ăn uống, rồi… ngủ quên, rồi biến mất như phép màu. Tôi cứ ngồi trên giường ngơ ngẩn nhìn ra khoảnh sân trời chưa hửng sáng. Có lẽ vì thế những nhân vật càng in đậm hơn trong tâm thức. Một lúc nào đó, những cái tên chợt vang lên vô thức, khiến tôi phải loay hoay một hồi tự hỏi “bạn từ đâu đến”, mãi mới à lên, nó từ trong cuốn truyện ấy...
Những cuốn sách giấy đen và cũ hơn, ba phải dùng bìa vỏ xi-măng khâu lại, đó là Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi)... Tôi thương đến phát khóc những đứa trẻ mãi trèo lên cây dừa ngóng mẹ, đợi cha mang kỷ niệm ám mùi thuốc súng từ chiến trường; thổn thức cùng chú dế mèn oan ức đến nỗi lúc tôi đứng giữa cánh đồng mà còn lạc trong những trang sách mê hoặc. Lũ con còn nhỏ, ba vẫn cho đọc Tắt đèn (Ngô Tất Tố), để hiểu nhiều gia đình còn khổ hơn ta rất nhiều, biết thương yêu những đứa con đến khoai sắn cũng không có ăn. Cuộc sống cứ ảm đạm quanh ngọn đèn dầu không soi nổi vài bước chân phía trước.
Thêm nhiều cuốn sách nước ngoài thú vị, đến giờ đọc lại vẫn như bước vào một khung trời vừa lạ vừa quen, chập chờn ẩn hiện. Tập Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Tchinguiz Aïtmatov (bản năm 1964) gợi nhớ về người học trò vô cùng yêu quý của mình bị bọn xấu hãm hại… bước xuống dòng suối mát lạnh làm dịu cơn đau, và hình ảnh người thầy hiện lên như tấm gương trong vắt, ấm áp tình người. Đó là nỗi nhớ khôn nguôi về một hoang đảo, nơi chàng Robinson đã sống một mình, chống chọi với khắc nghiệt để tồn tại, rồi dũng mãnh vượt lên quy luật sinh tồn tiêu biểu cho ý chí về sự sống của con người giữa thiên nhiên vô tận.
Hay đó là hình ảnh đứa trẻ mù được cô bạn gái dẫn lên những ngọn đồi mênh mông trải rộng tâm hồn giữa tiếng chuông nhà thờ vẳng lại. Bóng tối bủa vây, nhưng mọi vang động của đất trời lại được thanh lọc, và sau này đứa trẻ trở thành Người nhạc sĩ mù (V. Korolenko) với những bản nhạc du dương xuyên thấu tận đáy kiếp người.
Thật nghẹn ngào khi đọc cuốn truyện nổi tiếng của văn hào Pháp Hector Malot Không gia đình. Lần theo từng ngày kham khổ của bé Rêmi cùng đoàn xiếc lưu lạc khắp nước Pháp; từng lát bánh mì dè sẻn chia cho những người bạn quá đỗi thân thiết Rêmi gồm chú bé Matchia, chó Capi, khỉ Giôlicơ. Bơ vơ, lạc loài, đói khổ, cuối cùng Rêmi cũng tìm thấy mẹ và em. Những đoản khúc đẫm ướt tình đời chân thật sống động như cuộc sống ấy đang diễn ngay trước mắt làm lay động độc giả nhiều lứa tuổi.
Thời gian vùn vụt, bao kỷ vật trong đời cũng trôi theo dòng thác cuộc đời. Khu vườn tuổi thơ thì vẫn đó, ký ức còn tươi nguyên cách mươi năm trước tôi về quê. Chừng như nó được ai hằng ngày vẫn âm thầm chăm bón. Muốn thốt lên rằng khu vườn ngày trước ba tạo dựng nắng đã lên, kể cả nơi góc vườn có bụi lá lốt, có con gà mệ vẫn vùi mình dưới đất vào những trưa nóng nực. Mà ba đã đi xa, mãi mãi. Tôi nhìn lên giá, sách ba mua một thời kham khó đều còn; nhiều nhân vật trên bìa lặng lẽ nhìn ra…
Những tác giả danh tiếng ở Việt Nam và trên thế giới đã tạo dựng một thế giới nhiều màu sắc, huyền ảo. Nhớ đến chúng như nhớ về một người bạn từng hiện hữu trong đời.
Tôi nhớ nhân vật trong những cuốn sách ba mua, chúng đã trở thành bạn thân thiết của mình. Đôi lúc tôi còn liên tưởng giữa con vật trong sách và con chó con mèo nhà mình có tương đồng gì. Thế rồi chúng hiển nhiên được ưu ái, được tôi âu yếm gần gũi. Bây giờ dẫu đã lớn, sống nơi phố xá ồn ào nhà tôi vẫn nuôi thú cưng, vẫn có một khoảnh đất dẫu rất nhỏ cho chúng chơi đùa. Rồi ngẫu nhiên chúng đi vào trong tác phẩm…
Tôi bắt đầu tập viết về những điều gần gũi, bình dị. Những nhân vật của tôi bước ra từ khu vườn ngày nào. Có bóng dáng của ba. Có bóng dáng cỏ cây, loài vật dễ thương vẫn đùa nghịch trong vườn. Nhiều cây không còn ra quả. Con gà mái cũng không còn đẻ trứng, vẫn có thói quen cù cục gọi con mỗi lần kiếm được miếng ngon. Ngồi ở cửa, nắng sớm rọi thẳng vào, cái nắng trong và ấm.
NHỤY NGUYÊN