.

Ngày con biết thương cha

.

“Cha đánh một roi, mẹ xoa mười lần”, có lẽ vì thế mà tình mẹ dễ thấy, dễ cảm nhận hơn sự hy sinh của cha - người thường nghiêm nghị, không gần gũi nhưng luôn sát bước và quan tâm con theo cách riêng của mình.  

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhiều nước trên thế giới đã quy định ngày dành riêng cho cha. Từ năm 1972, Mỹ đã chọn ngày chủ nhật, tuần thứ ba của tháng 6 làm ngày của cha, Úc thì chọn ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng 9.

Ở Việt Nam, chưa có ngày chính thức nhưng nhiều người trẻ mặc định với nhau rằng, ngày 9-9 hằng năm là ngày mà mỗi người con gửi đi thông điệp yêu thương đến với cha, ngày tất cả những ai đã mất cha và còn có cha trên đời được lắng lòng để nhớ về những kỷ niệm – có thể giản đơn, có thể mộc mạc – nhưng rất tự hào dành cho đấng sinh thành của mình. Ngày 9-9 không chỉ gợi lên công ơn 9 chữ cù lao mà còn là kết quả có được khi lấy ngày của mẹ 8-3 cộng với ngày của con 1-6.

Một trong những điều mà cô Mai Diệu Thúy (Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương - Đảng ủy ngoài nước, Hà Nội) vẫn còn nhớ về tuổi thơ của mình là lần chia sẻ ước mơ với ba. Cô bé đang học lớp một ngày ấy quả quyết khi lớn lên nhất định sẽ làm cảnh sát, mặc bộ quân phục màu xanh đi bắt cướp. Sau khi chia sẻ về ước mơ của mình, cô hỏi ba về việc sau này lớn lên ba làm gì? Ba cô nghiêm túc suy nghĩ rồi nói rằng: “Bây giờ và cả khi lớn lên, ba sẽ vẫn làm ba của con”.

Cô Thúy hoàn toàn bằng lòng và xem ước mơ đó của người cha luôn kiệm lời như một điều hiển nhiên. Ba cô mất sau đó ít lâu vì bệnh lao, 23 năm trôi qua, khi đã làm mẹ, giờ đây, cô Thúy mới hiểu hết ý nghĩa và tình thương trong câu nói đó của ba. Bởi, ba cô đã rất thương con, yêu con nhưng lại không thể ôm con vào lòng, hôn lên tóc như cách mẹ vẫn làm. Bởi ba cho rằng, đó là cách thể hiện tình cảm ủy mị, không giữ được cái uy “nóc nhà”, là trụ cột gia đình, và cũng có lẽ, bởi ba tin rằng sự nghiêm khắc của  ba có thể giúp các con trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn để đối diện với những thử thách cuộc đời về sau.

“Từ đầu tiên mà hầu hết mọi đứa trẻ đều nói có lẽ là “Ba”. Khi đã vào đời, đương đầu với tứ bề đa đoan vì miếng cơm manh áo, khi đã sức tàn lực kiệt, nếu như chỉ còn một từ để gọi, có lẽ đứa trẻ ngày nào cũng sẽ vẫn gọi “Ba”. “Ba” không chỉ là từ dễ phát âm, ít tốn sức mà từ trong sâu thẳm, đó còn là điểm tựa vững chắc để mỗi người con luôn tin rằng, mình được yêu thương – theo cách rất đặc biệt. Tình thương kiên định, vĩnh cửu, không điều kiện của ba sẽ lèo lái cuộc đời con, dẫu cho, ba có bên cạnh hay mãi mãi đi xa, bởi: “Bây giờ và cả khi lớn lên, ba sẽ vẫn làm ba của con”, cô Thúy nói.

Nghiêm khắc, lạnh lùng là từ mà cô Huỳnh Thị Ba (giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ)  dùng để miêu tả tính tình của cha mình. Trong suốt tuổi thơ, cô và các anh chưa từng được cha âu yếm, vuốt ve, chưa từng được cha dẫn đi chơi. Anh em cô chỉ dám reo hò, vui đùa thoải mái khi cha đi làm đồng. Đến khi cha về, nhà cửa lại im phăng phắc, “lũ chim non” ban ngày giờ đây chỉ dám rón rén quanh quẩn bên chân mẹ hoặc ngồi học hành nghiêm túc để không bị cha quát mắng.

Ngôi nhà của cô Ba dựa vào vách núi trong một huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam. Ngày ấy, vì con đường đến trường quá gian nan nên hầu hết trẻ em trong xóm đều có giấy khai sinh nhỏ hơn tuổi thật để được nhập học muộn. Các gia đình cũng chỉ cho con học hết cấp 1, ngoại trừ trường hợp của anh em cô Ba. Trường cấp 2 cách nhà 8km, phải băng rừng, lội suối nên các anh và cả cô đều chùn bước, không muốn đến lớp nữa.

Khi biết được suy nghĩ này của con, cha cô tức giận đến mức tưởng chừng như có thể “hét ra lửa”, ông rút cây sau nhà cho trận đòn trừng phạt và kết thúc bằng câu nói: “Con có biết ba đánh con nhưng ba đau, đau hơn rất nhiều so với nỗi đau của con? Nỗi đau này con chưa thể hiểu được”. Nỗi căm giận, bất mãn trôi dần theo từng tiếng nói của cha, cô Ba và các anh đã khóc rất nhiều, khóc không phải vì đau bởi trận đòn mà bởi sự ăn năn và tình thương dành cho cha.

Hành trình đi học của cô và các anh là phải dậy từ tờ mờ sáng, một tay xách cặp, tay mang đèn pin dắt díu nhau băng qua con đường mòn nhỏ xíu, có đôi ba con suối nhỏ vắt ngang qua, xung quanh rừng tối đen. Trong mùa nước lũ, khi con suối hiền hòa mọi ngày trở nên hung dữ thì cha lại đến trường cùng các con. Ông lần lượt cõng từng đứa một trên lưng, băng qua suối và chỉ quay về khi biết con mình đã đến trường an toàn. Khi tan học, cô và các anh quay về đã thấy dáng cha đứng bên con suối sủi bọt trắng xóa. Từ anh cả, cho đến em út, chưa ai từng phải đứng đợi cha đến đón trong suốt mùa mưa lũ bởi cha luôn đến trước.

Bằng sự nghiêm khắc của cha, 5 anh em cô Ba đã theo con chữ đến cùng, để giờ đây tất cả đều có việc làm với thu nhập ổn định tại Đà Nẵng. “Chính sự nghiêm khắc, lạnh lùng, đòn roi của cha đã tôi rèn khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh chứ không ngả lòng buông xuôi. Anh em tôi luôn ao ước một lần được quay lại tuổi thơ, để được vòng tay ôm cổ cha lội suối vì yêu thương chứ không phải vì sợ rơi xuống dòng nước. Tình cảm mộc mạc và đơn sơ mà sao đi hết nửa đời người chúng tôi mới hiểu?”, cô Ba chia sẻ.

Gia tài của gia đình cô Ba hiện nay là một thùng lớn pin tiểu đã qua sử dụng. Những viên pin này được cha cô đổi bằng thóc lúa để con soi đường đến trường, khi pin đã cạn năng lượng, ông nhặt lại và lưu giữ. Giờ đây, khi ngược xuôi vất vả, ngóng nhìn về quá vãng, tình thương của cha - một người nông dân nhưng hiểu về cách dạy con nên người và hình ảnh thùng pin, con suối mùa nước lũ lại khích lệ, an ủi dẫn dắt cô bước qua những khúc quanh của cuộc đời.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.