.
Tản văn

Bà già vé số

Trưa nắng, đường vắng. Để xe lên lề trước quán, Nhân ngồi xuống trước cái bàn nhựa thấp, chờ một ly cà-phê cho tỉnh táo trước khi đến cuộc họp đầu giờ chiều.

Quán cũng im ắng, chỉ có một mình Nhân. Mỗi sáng, Nhân cùng với vài người bạn thường ngồi ở cái quán góc đường này uống cà-phê chuyện trò vu vơ thời sự trước khi đến cơ quan. Và cũng mỗi sáng, bà già bán vé số quen thuộc đưa cho Nhân kết quả xổ số chiều hôm trước để dò vé đã mua, xong lại mua một vé cho sáng mai. Một ông bạn cà-phê cao hứng từng nói mua vé số là mua hy vọng, người bán vé số là bán niềm hy vọng. Nhâm nhi ly cà- phê sáng dò vé số là cái thú của Nhân.

Mỗi khi dò số, bà già hay hỏi vài câu ngắn để trò chuyện, như quê ở đâu, con mấy đứa, vợ làm nghề gì, có làm thêm không, nhà ở khu nào… Nhân nghĩ bà ấy hỏi lấy lòng để gây cảm tình người mua, chắc với ai bà cũng vậy thôi nên ậm ừ cho qua chuyện. Đã lâu rồi không còn thấy bà ấy nữa, vài người bán vé số khác thay thế nên Nhân cũng quên béng bà già ấy.

Như mọi khi, ông Tề chủ quán đem ra một ly cà-phê phin và ly đá để trên bàn. Quán vắng, rảnh rỗi nên ông cũng ngồi xuống. Nhớ cái thú dò số mỗi sáng,  Nhân  hỏi ông về bà già vé số thường hay mặc chiếc áo màu đen, có bông nho nhỏ màu trắng đã cũ, đầu đội cái mũ mềm màu xám lâu rồi không thấy nữa. Ông Tề mới kể rằng bà ấy bà con bên họ vợ, vừa rồi về quê chạp mả có nghe kể lại tội nghiệp lắm. Con cái bà ấy học hành đến nơi đến chốn và có việc làm cả, có đứa nghe đâu làm ở cơ quan gì đó cũng khá, đứa nào cũng có nhà ở riêng.

Đất vườn rộng, nên khi giải tỏa được đền bù mấy lô, hai đứa con trai con gái mỗi đứa một miếng tự xây lên ở, còn lại ổng bả bán bớt một lô trên giấy lấy tiền làm cái nhà cấp bốn cho hai vợ chồng già. Không phải người già nào cũng muốn ở chung với con cái đâu. Không làm gì, ngồi mãi trong nhà cũng cùn chân, xóm cũ xáo trộn cả rồi, đường nhựa mới ngang dọc, người ở đâu đâu đến ở ngày càng nhiều, cả ngày đi làm nên cửa cổng đóng kín, cũng chẳng có người chuyện trò như ngày trước còn xóm còn thôn. Mấy miếng đất trống gần bên ai đó mua rồi bỏ hoang nhưng xây bít hết nên cũng chẳng vào trồng rau cải được.

Thật ra thì bả cũng không đến nỗi nghèo túng, nhưng cả đời lao động quen rồi, ngồi không không được nên mới nghĩ ra đi bán vé số, có thêm đồng vào đồng ra lại còn được tiếp xúc với mọi người. Lúc đầu mấy đứa con can ngăn không cho đi, hằng tháng chúng sẽ góp tiền, nhưng không được. Sâu xa thì chúng cũng sợ mất mặt, xấu hổ với thiên hạ vì có bà mẹ xách túi vé số lếch thếch khắp đường sá. Mãi sau này chúng nói quá nên bả mới ở nhà không đi nữa. Ông dừng lại, lấy một điếu thuốc trong túi áo thun. Nhân dò xét:

- Trẻ cậy cha, già cậy con. Ở nhà trông nom cháu cũng là công việc, có chi là tội nghiệp.

Ông Tề vuốt điếu thuốc cho thẳng, bật lửa, rít một hơi thật sâu, kể tiếp:

- Mấy đứa cháu thì đi học ở lại trường cả ngày, chiều tối ba má chúng nó đón về, nên cái chức bà nội bà ngoại cũng chẳng có gì. Ở nhà suốt ngày, ra cửa gặp ổng, vào nhà cũng gặp ổng, mà cũng chẳng có chi để nói chuyện với nhau. Không đi lại, không làm việc, lẩn quẩn miết trong nhà nên ăn uống cũng ít, buồn rồi sinh bệnh. Nghe nói đang nằm bệnh viện và yếu lắm, chẳng biết khi nào. Con cái phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm cơm cháo cho bà ấy, khổ hơn lúc bả còn đi bán vé số. Nằm trên giường bệnh, mỗi khi tỉnh khỏe bà ấy nói như trối, là khi nào hết bệnh các con để cho mẹ đi bán vé số. Bà bảo đi như vậy mà vui, đi đây đi đó, gặp người này người nọ chuyện trò, hỏi han, về nhà ăn cơm nghe ngon miệng. Sáng ra lại đến những quán xá quen biết, họ dò vé số mà mình cũng vui vui, mong cho họ trúng. Mấy đứa con nghe vậy bật khóc.  

Kể xong, ông đưa mắt nhìn Nhân như chờ đợi. Nhân nhìn ông mà không biết phải nói gì. Quán vắng càng im ắng hơn.

Ánh mắt hiền khô của bà mỗi lần hỏi han như muốn bắt chuyện khi đưa xấp giấy ép ni-lông dò số lại hiện về trong tâm trí Nhân lãng đãng như một dấu chấm than.

Ly cà-phê vẫn còn nguyên trên bàn, những giọt đen âm thầm đã ngừng nhỏ xuống từ lâu. Ly đá bên cạnh cũng tan chảy hết tự bao giờ.

VŨ HÙNG

;
.
.
.
.
.