.

Văn minh từ hành động

.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng-DIFC 2015 đã qua đi, nhưng những dư âm của nó vẫn còn mãi trong lòng những người xem.

Các bạn trẻ thu gom rác của người đi xem pháo hoa  ở đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: N.H
Các bạn trẻ thu gom rác của người đi xem pháo hoa ở đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: N.H

Đó không chỉ là những màn trình diễn hay, là sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức, mà còn có cả những câu chuyện khiến người chứng kiến thấy ấm áp, thậm chí cay cay nơi sống mũi.

Ngay sau khi đêm thi thứ nhất kết thúc, khán giả lục tục ra về. Cầm trên tay chiếc túi ni-lông nhỏ có đựng hai vỏ chai nước cùng cặp vé vào cổng, vợ chồng ông Trần Thanh Vương (75 tuổi, trú quận Sơn Trà) dìu nhau từng bước đi ra phía cổng khán đài B2, vừa đi hai người vừa vui vẻ bình luận về những màn thi đấu ngoạn mục của các đội, đặc biệt là sự tiến bộ vượt bậc của đội chủ nhà Đà Nẵng, Việt Nam.

Với hơn 32.000 người đến xem pháo hoa tại các khán đài thì những người tự dọn rác của mình như vợ chồng ông Vương vẫn chỉ là con số ít. Sau mỗi đêm, các khán đài tràn rác, từ vé vào cổng, vỏ chai, lon nước, túi ni-lông, giấy báo đến áo mưa tiện lợi. Bài học giữ gìn vệ sinh nơi công cộng dường như ai cũng đã được học hồi nhỏ, nhưng để vận dụng đúng nơi đúng chỗ thì không phải ai cũng biết.

Khi những chiếc xe đã ngược xuôi về nhà, trên những tuyến đường chính, dọc hai bên bờ sông Hàn, nhiều bạn trẻ vẫn đang cặm cụi thu dọn rác giúp những người công nhân vệ sinh môi trường. Được biết, trước khi Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015 diễn ra, nhiều bạn trẻ thuộc các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đã phát động chiến dịch thu gom rác với tên gọi “Lễ hội xanh-thành phố sạch”. Sau khi lễ hội kết thúc, các bạn cần mẫn làm công việc của mình, nhiều người đi qua cũng đã dừng lại và phụ giúp; trong đó có cả một số du khách nước ngoài.

Ngô Trường Định, Trưởng nhóm 350.org, đơn vị phát động chiến dịch thu gom rác nói trên chia sẻ, mục đích chung của chiến dịch là muốn lan tỏa, nâng cao ý thức của người dân khi đi xem pháo hoa, đồng thời hãy tự thu gom rác của mình, dù đó là người dân Đà Nẵng hay du khách. Chỉ cần mỗi người hãy dọn những gì mình mang theo tự bỏ vào thùng rác thì những người công nhân môi trường đô thị sẽ không phải vất vả giữa đêm khuya mỗi khi có sự kiện lớn mà thành phố cũng xanh-sạch-đẹp hơn.

Trong khi nhiều người đã tranh thủ kiếm tiền từ sự kiện hai năm mới có một lần này như tự ý tăng giá giữ xe, tranh thủ bán ghế, bán chỗ ngồi xem pháo hoa thì vẫn có những người dân Đà Nẵng thực sự “ghi điểm” trong lòng người dân và du khách. Chị Phương Uyên (34 tuổi), du khách Hà Nội tấm tắc mãi khi chiếc xe hơn 20 chỗ ngồi của đoàn chị đang loay hoay không biết gửi ở đâu thì được một người dân nhà ở ngay đường Vân Đồn cho đậu nhờ trên vỉa hè để vào xem pháo hoa mà không cần phải trả tiền cho chủ nhà.

Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện về lòng tốt khác nữa như các anh công an đã tìm được người thân cho một cháu nhỏ đi lạc khi xem pháo hoa, là những chiến sĩ cảnh sát tham gia dọn rác sau khi hoàn thành nhiệm vụ… Những câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ nhưng đã góp phần làm đẹp hình ảnh về một thành phố  văn minh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách.

NHẬT HẠ

;
.
.
.
.
.