.

Bài toán du lịch Đà Nẵng

.

Thời gian qua, từ sự đầu tư có trọng tâm trọng điểm và đúng hướng của thành phố, Đà Nẵng nổi lên là một điểm đến không chỉ trong nước và quốc tế.

Dịch vụ dù bay trên biển được nhiều khách du lịch ưa thích. Ảnh: MINH TRÍ
Dịch vụ dù bay trên biển được nhiều khách du lịch ưa thích. Ảnh: MINH TRÍ

TripAdvisor - trang mạng uy tín hàng đầu của Mỹ bình chọn Đà Nẵng dẫn đầu Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất 2015 và trang mạng The Richesst của Canada đưa Đà Nẵng vào danh sách 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên đến tham quan trong năm 2015.

Đánh giá một cách tổng thể, du lịch Đà Nẵng đang có những bước tiến đáng kể. Bên cạnh ưu đãi từ thiên nhiên, hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện…, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư một cách mạnh mẽ với những thương hiệu lớn nổi tiếng thế giới.

Từ việc chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama đầu tư vào ngành du lịch năm 1997, đến nay, nhờ các chính sách tương đối đồng bộ trong thu hút đầu tư cùng các chủ trương linh hoạt khác cũng như thúc đẩy quảng bá, xúc tiến du lịch, Đà Nẵng thu hút nhiều thương hiệu lớn trong ngành “công nghiệp không khói” trên thế giới như: InterContinental, Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt, Crowne...

Hàng loạt các công trình như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Trung tâm vui chơi giải trí Helio, hệ thống các khách sạn, khu nghỉ mát, sân golf, cầu tàu du lịch… được đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ du lịch, tạo nơi vui chơi giải trí cho du khách. Các sản phẩm thể thao biển, tàu du lịch sông Hàn, du lịch sinh thái, tour du lịch trực thăng... được đưa vào phục vụ du khách.

Các sản phẩm phục vụ du lịch khác như trình diễn pháo hoa quốc tế, thi chạy Marathon, Ironman… cùng với các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa… mang tầm quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn và chất lượng cao hơn. Chính từ đó đã góp phần tích cực vào việc nâng tầm thương hiệu Đà Nẵng trên lĩnh vực du lịch, đưa thành phố trở thành điểm đến ngày càng có sự lựa chọn của đông đảo không những du khách mà của các chính khách, thương gia, vận động viên… nổi tiếng.

Tuy nhiên, ở những thời điểm nhất định với các sự kiện, lễ hội lớn…, vẫn xảy ra tình trạng “hụt hơi”. Đó là sự “hụt hơi” từ chất lượng dịch vụ, đội ngũ nguồn nhân lực lữ hành, khách sạn… đến cung cách phục vụ vẫn còn mang nặng tâm lý “ăn xổi ở thì”. Đó là sự “hụt hơi” từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp, hãng lữ hành…, nhất là trong quá trình chuyên nghiệp hóa lĩnh vực dịch vụ này. Từ thực tế đó cho thấy, Đà Nẵng cần phải tính toán, giải quyết hài hòa để bảo đảm sự phát triển bền vững nhất.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, du lịch Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện để định vị hình ảnh, điểm đến Đà Nẵng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đà Nẵng mới chỉ xuất hiện, còn để khẳng định hơn thương hiệu điểm đến, có sức cạnh tranh cũng như phát triển bền vững cần phải làm nhiều hơn nữa, đầu tư và hoàn thiện tốt hơn nữa để tiến tới cạnh tranh với những điểm đến lân cận trong khu vực.

Cùng với những nội dung ưu đãi cho các sản phẩm du lịch truyền thống, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho rằng, đã đến lúc cần phải có các chính sách “đón đầu” để  tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể mang tới Đà Nẵng những sản phẩm mới, đẳng cấp, khác biệt, mang tính chất trải nghiệm nhiều hơn là dựa vào tài nguyên tự nhiên. 

Bên cạnh những nhà đầu tư tâm huyết với phát triển du lịch thành phố, có tầm nhìn dài hạn, đầu tư bài bản, kinh doanh chuyên nghiệp thì cũng có nhiều doanh nghiệp “lướt sóng”, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản du lịch gây ra những xáo trộn nhất định cho thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Trong hợp tác công-tư, cần có cơ chế phối hợp rõ ràng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia bình đẳng vào các sự kiện lớn của thành phố.

Phải có quy hoạch và chính sách nhất quán về phát triển du lịch, cần xây dựng tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, hạn chế tối đa tính mùa vụ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh; phải thông tin và nâng cao nhận thức phát triển du lịch theo hướng cạnh tranh về chất lượng thay vì cạnh tranh về giá cả. Kế đến là tăng cường hợp tác công-tư, tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển các hiệp hội, các hội nghề nghiệp du lịch, dịch vụ để từ đó tạo sân chơi bình đẳng cho các hội viên là các doanh nghiệp trong ngành, hỗ trợ liên kết lẫn nhau để hội nhập và cạnh tranh với bên ngoài thay vì cạnh tranh nội bộ.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng, cùng với việc khai thác thị trường du lịch cao cấp, Đà Nẵng cũng nên đầu tư, hướng đến thị trường khách quốc tế trung lưu với những khu nghỉ dưỡng tầm trung 3-4 sao với chất lượng mang tầm quốc tế mà dịch vụ không quá đắt đỏ; đồng thời làm phong phú thêm các sản phẩm, kích thích chi tiêu của du khách và thu hút bền vững thị trường khách châu Âu, Úc, Mỹ - những thị trường có khả năng làm giảm tính thời vụ của điểm đến.

Đó chính là vấn đề cần quan tâm giải quyết để du lịch thành phố bứt phá một cách bền vững trong tương lai.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.