.

Câu chuyện văn khắc trên đá ở Tây Giang

.

Đầu năm 2011, chúng tôi nhận được thông tin từ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) về việc phát hiện những dòng chữ trên vách đá ở dòng sông A Vương đoạn chảy qua xã Lăng.

Thông tin này được trực tiếp Bí thư Huyện ủy Tây Giang lúc đó là anh Nguyễn Hữu Sáng cung cấp. Qua những tấm hình có các anh cán bộ văn hóa của huyện đang mình trần, dầm nước suối, dùng bút xóa màu trắng làm rõ chữ để chụp ảnh trên vách đá, chúng tôi có thể định dạng là chữ Chăm cổ.

Việc làm giàn giáo tre dễ dàng cho việc dùng vôi tô làm rõ nét các bản văn khắc trên đá để chụp ảnh.
Việc làm giàn giáo tre dễ dàng cho việc dùng vôi tô làm rõ nét các bản văn khắc trên đá để chụp ảnh.

Tháng bảy năm đó chúng tôi cùng các anh chị Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang lội qua những bãi đất đá, bùn cát bị đảo lộn xới tung và những dòng nước bẩn bị nghẽn tắc vì đào đãi vàng sa khoáng, tìm đến vách đá núi có văn khắc trong lòng sông A Vương. Sông đang mùa nước cạn. Trên vách đá vôi, có một ít địa y sống bám, trên cao là những tán cây lớn, che chở các dòng chữ còn lộ rõ nét tô màu trắng, dưới chân là dòng nước nhỏ của sông A Vương lượn quanh.

Dầm mình trong dòng nước vàng đục và đứng khập khiễng trên các thanh gỗ, mọi người thay nhau rập đến 3 bản khắc trên bề mặt đá tự nhiên. Thiết bị GPS ghi ở độ cao 690 mét, vĩ độ Bắc 15 độ 52 phút; kinh độ Đông 107 độ 27 phút, gần biên giới Việt –Lào.  

Trong thời gian chuẩn bị làm thủ tục để nhờ các chuyên gia về cổ ngữ nước ngoài diễn dịch, một người bạn nghe tin, đã cung cấp cho tôi một bài viết về các bản văn khắc ở Tây Giang với nhan đề Văn khắc trên đá ở Samo: một đoán định giải mã diễn dịch và định ngày tháng của Tiến sĩ Daoruang Wittayarait, Trường thực hành cao cấp Pháp, đăng trên tờ Lettre de la Société des Amis du Champa Ancien năm 2004.

Đây là bài viết về  nơi phát hiện dấu vết bản văn khắc mà J.Le Pichon - một vị quan ba, thanh tra đội quân bản địa Annam, lập các đồn ở hai huyện Hiên và Giằng, Quảng Nam, thời thuộc Pháp, đã chụp ảnh và ghi chép. Ông cũng là người đã đóng góp những nghiên cứu về người Cơtu xuất bản năm 1938 trong tạp chí Những người bạn Huế xưa. Qua sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình để có bản dịch của ông Nguyễn Tăng Thưởng, chúng tôi tóm tắt như sau:

Bản đồ vị trí phát hiện.
Bản đồ vị trí phát hiện.

Khoảng tháng 3-4 năm 1938, tại một khúc sông của nhánh A Vương gần trạm/đồn Samo, trên vách đá của bờ sông này, ông Le Pichon đã cho người phát quang dọn dẹp, với diện tích 5X12mét và làm giàn giáo tre dễ dàng cho việc dùng vôi tô vết lõm vào (làm rõ nét) các bản văn khắc trên đá để chụp ảnh (mất 2 ngày). Việc phát hiện bản khắc này trước đó do thông tin từ người lính Sêđăng đi săn chim bồ câu. Do gần trạm có tên Samo nên lấy tên văn khắc trên đá ở Samo. Với 3 bản khắc qua các ảnh chụp được, phát hiện tại vùng của người Cơtu sinh sống với thổ ngữ Môn - Khơme. Để đoán định niên đại, tác giả  đã cố gắng so sánh các mẫu chữ trên những bia đá có niên đại sớm là bia Đông Yên Châu (bia cổ sớm nhất ở Quảng Nam, có lẽ ở vùng Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên) và bia Vat Luong Kao (Nam Lào ngày nay) mà theo G.Coedès dựa theo cổ ngữ xếp vào niên đại thế kỷ thứ IV, thứ V.

So sánh các mẫu tự của hai bia này, tác giả cho rằng văn khắc Samo không thể sớm hơn hai bia đá trên. Đồng thời có sự xuất hiện những bản khắc bằng chữ Môn cổ và chữ Khơ-me cổ sớm, đầu tiên vào thế kỷ thứ VI –VII. Vì vậy, văn khắc Samo có thể xếp vào thế kỷ thứ VII. Tuy nhiên, ngay từ năm 1938, linh mục Cadière qua trao đổi với J. Le Pichon  xác nhận rằng đây là ngôn ngữ của người Chăm cổ và xếp muộn hơn, vào khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX.

Về việc giải mã nội dung các minh văn trên 3 bản khắc Samo được ký hiệu A, B và C thì bản A dành cho nghi lễ hiến tế, còn có các từ “châu báu, ngọc trai và trâu”;  bản C là danh mục, số lượng các đồ hiến tế, và lặp lại từ có thể là Trâu (kabav); bản B có từ  ya -đại từ “ai” tiếng Chăm cổ có nghĩa là thần, thánh. Nhưng, cả ba bản khắc không nêu danh tính vị thần được tôn vinh như các bia của người Chăm cổ ta thường thấy xuất hiện về thần chủ Siva, hoặc tên các vị vua. Từ đó, tác giả nhận  định, không phải hình thức lễ của người Ấn, nhưng có liên quan đến nghi lễ tế trâu đã có từ lâu của người dân vùng này với hình thức tín ngưỡng bái vật giáo.

Kết luận bài viết, tác giả mở rộng nhận định rằng 3 bản văn khắc trên đá được phát hiện ở một vùng đất rất quan trọng. Sông A Vương, một chi lưu của sông Thu Bồn trong dãy Trường Sơn, cách nhiều ngày đi bộ theo hướng tây bắc từ Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam kết nối với khu vực vùng thung lũng sông Mê Kông-vùng Vat Phu thuộc tỉnh Chămpasak của Nam Lào.  Đô thị cổ Vat Phu (được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 2001) đã trải qua thời đô hộ của Khơ me-các vua Kambuja, nhưng có vẻ cũng bị chiếm đóng thời các vua Chăm  vào thế kỷ thứ VI. Và có thể, chữ viết trong văn khắc Samo có nguồn gốc từ phía tây mà các vua Kambuja là khâu trung gian.

Khi trao đổi các đoán định trên với chuyên gia về người Cơtu, ông Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) góp thêm suy nghĩ rằng người Cơtu xưa là một láng giềng thân thiện với người Chăm. Câu chuyện “Con đường muối” mà những năm gần đây các nhà nghiên cứu trong nước đang tìm hiểu về việc giao thương, trao đổi của vùng đồng bằng với miền núi ở miền Trung Việt Nam cùng sự xuất hiện và tồn tại đến hôm nay về các minh văn trên vách đá vôi tự nhiên bên dòng sông nối vùng  thấp với vùng cao đã minh chứng cho việc giao thương trên sông mà chủ yếu là “Con đường muối”.

Việc tri ân, ghi nhớ công ơn các vị thần theo hình thức thần sông, thần núi, thần cây, thần đá... là đặc trưng của tín ngưỡng bái vật giáo mà các tộc người vùng Trường Sơn và Tây Nguyên đã hướng theo. Nhưng cuối cùng các văn khắc này bước đầu chỉ là đoán định, còn những ẩn ngữ, mà ta còn phải tiếp tục giải mã.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

;
.
.
.
.
.