Cảm sốt là chứng bệnh dễ phát sinh trong mùa nắng nóng. Dùng một số cây nhà lá vườn để xông hoặc làm trà hãm nước uống có thể điều trị chứng cảm sốt vừa công hiệu vừa rất ít tác dụng phụ không mong muốn. Xin giới thiệu một số bài thuốc nam chữa cảm sốt đã được nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh hiệu quả lâm sàng.
Lá tre – vị thuốc hay chữa cảm sốt mùa hè. (Ảnh Internet) |
1. Thuốc xông giải cảm (dùng để chữa cảm sốt)
Công thức: lá chanh, lá bưởi, lá duối, lá tre, lá cúc tần, lá hương nhu, lá sả.
Liều lượng: mỗi thứ một nắm lá tươi.
Cách dùng: rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, lấy lá chuối bịt kín rồi đậy vung, đun sôi. Sau khi sôi 2-3 phút bắc ra. Người bệnh ngồi trùm chăn, để nồi lá xông trước mặt, tự mở vung, lấy đũa cả chọc thủng lá chuối, quấy đều nước trong nồi để hơi nước nóng, tinh dầu bay hơi tỏa lên đầy mặt, thân thể; hít thở đều trong khi xông đến khi nước hết nóng già thì thôi (khoảng 10-20 phút). Lau khô người, thay quần áo, đắp chăn, tránh gió lạnh.
Phòng đông y thực nghiệm Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội nhận thấy có ba tác dụng: làm ra mồ hôi, giải độc, trị sốt (không thua tác dụng của aspirine, cháo giải cảm); kháng khuẩn, do tinh dầu bay hơi tác dụng qua đường hô hấp, da; hợp vệ sinh qua tắm bằng hơi nước thơm.
2. Trà thuốc chữa cảm sốt
Bài 1: kinh giới 20g, cối xay 20g, bạc hà 40g, tía tô 20g, lá tre 20g.
Cách làm: làm sạch kinh giới, tía tô, bạc hà, cắt thành từng đoạn, sấy khô (không quá 60oC), vò nát thành mảnh nhỏ, kích thước 2-3mm. Làm sạch cối xay, lá tre, cắt thành từng đoạn, sấy khô, sao vàng sém cạnh có mùi thơm, vò nát từng thứ thành mảnh nhỏ 2-3mm.
Đóng gói: chia làm 10 gói, để nơi khô ráo, thoáng.
Cách dùng: Giải cảm phong hàn (cảm sốt không có mồ hôi) mỗi ngày một gói hãm với nước sôi, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Bài 2: lá tre 20g, cúc tần 20g, kinh giới 20g, bạc hà 20g, tía tô 20g, cát căn, cúc hoa 5g, địa liền 5g.
Cách làm: làm sạch kinh giới, bạc hà, tía tô, cúc hoa, cắt thái nhỏ, sấy khô giòn (không quá 60oC), vò nát dược liệu thành mảnh nhỏ 2-3mm; làm sạch lá tre, cúc tần, cắt thành đoạn ngắn, sấy khô, sao vàng sém cạnh, vò nát từng dược liệu thành mảnh nhỏ 2-3mm. Làm sạch cát căn, địa liền, thái mỏng, sấy khô, tán riêng thành mảnh nhỏ 2-3mm.
Đóng gói: Tất cả trộn đều, chia làm 10 gói, để nơi khô ráo, thoáng.
Cách dùng: Giải cảm phong nhiệt (cảm sốt có mồ hôi), mỗi ngày dùng 1 gói, hãm với nước đun sôi, chia làm nhiều lần để uống.
Về nghiên cứu thực nghiệm của hai tác giả Phạm Minh Thu, Lê Thu Hà và cộng sự cho kết quả như sau: cho chuột nhắt uống đến 200g/kg cân nặng, sau 72 giờ chuột vẫn bình thường. Cả hai bài thuốc đều có tác dụng hạ sốt rõ trên thỏ và ổn định hơn trên chuột được gây sốt bằng Pyrogen chuẩn DAB7.
Sau khi thỏ uống thuốc 1 giờ đã có tác dụng, sau 3 giờ tác dụng mạnh nhất so với nhóm chứng (p< 0,05). Với liều 1,5g/kg, chưa có tác dụng hạ sốt rõ, với liều 3-6g/kg tác dụng hạ sốt rõ, với liều 9g/kg tác dụng hạ sốt mạnh, nhiệt độ xuống dưới mức bình thường 0,2oC.
Chuột uống liều 5-10g/kg, nhiệt độ hạ nhanh so với nhóm chứng. Một số nhóm uống liều 6g/kg, sau 2 giờ nhiệt độ đã xuống dưới mức ban đầu 0,1 - 0,5oC. Cả hai bài thuốc đều có tác dụng giảm đau ở liều 25g/kg (phương pháp Colier).
Với liều 20-30g/kg, cả hai bài thuốc đều không có tác dụng chống viêm cấp do tiêm Kaolin ở chuột, đều không có tác dụng giản mạch trực tiếp trên hệ mạch tai thỏ và hệ mạch ếch. Với nồng độ 2%, chúng có ảnh hưởng nhẹ đến tim ếch cô lập, với nồng độ 8%, bài thứ nhất gây rối loạn hoạt động tim, bài thứ hai gây ngừng tim ở thì tâm trương.
Với liều 0,5-1g/kg, bài thứ nhất không gây ảnh hưởng đến huyết áp, với liều 2g/kg gây giảm huyết áp 30%. Với liều 0,5g/kg, bài thứ hai đã gây giảm huyết áp rõ ở thỏ và chó. Với liều 2g/kg, gây giảm huyết áp kéo dài, khó hồi phục. Ở liều 25g/kg, cả hai bài thuốc đều có tác dụng an thần rõ sau khi uống 15 phút và hết tác dụng sau 60 phút.
Về hiệu quả lâm sàng của tác giả Phạm Khuê và cộng sự cho thấy trên 125 bệnh nhân cảm sốt chữa bằng hai bài thuốc trên, kết quả tốt có 81 (64,8%); kết quả vừa 33 (26,4%); không kết quả 11 (8,8%). Thuốc không có tác dụng phụ (kết quả tốt: hạ sốt ngay đến nhiệt độ bình thường, nhiệt độ xuống sau 1 ngày; kết quả vừa: hạ sốt dần dần, nhiệt độ xuống đến bình thường sau 2-3 ngày; không kết quả: các triệu chứng như cũ, phải dùng tân dược).
PHAN LANG (Theo Bách khoa thư bệnh học)