.

Tồn tại hay không tồn tại?

.

Khi máy móc thiết bị ngày một phát triển để phục vụ đời sống con người, nhiều ngành nghề thủ công bị đẩy đến bên bờ vực phá sản.

Chị Trần Thị Hoa (phải), một trong những nghệ nhân góp phần làm cho nghề thêu tranh ở XQ tồn tại và phát triển. Ảnh: V.T.L
Chị Trần Thị Hoa (phải), một trong những nghệ nhân góp phần làm cho nghề thêu tranh ở XQ tồn tại và phát triển. Ảnh: V.T.L

1. Mười năm trước, lần đầu tiên tại Liên hoan Văn hóa-Du lịch, thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm làng nghề bên đường Bạch Đằng (phía Tây cầu Rồng hiện nay) trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng đến từ 12 làng nghề khắp mọi miền đất nước. Bắc Ninh có đồ đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng. Quảng Nam có lụa Mã Châu, đồng Phước Kiều. Thừa Thiên - Huế có nón lá bài thơ, tranh thêu Đức Thành. Hà Đông có lụa Vạn Phúc. Hà Nam có đồ tre. Hải Dương có gốm sứ Chu Đậu. Chủ nhà Đà Nẵng với mỹ nghệ đá Non Nước.

Tại khu triển lãm, một số làng nghề không chỉ bày bán mà còn giới thiệu quy trình sản xuất, chế tác sản phẩm của mình. Lần đó, du khách và người dân Đà Nẵng tham quan “bộ sưu tập 12 trong 1” này là đã được chạm đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ nhiều nơi xa xôi của đất nước, biết đến đặc trưng của từng vùng miền qua khối óc và bàn tay của con người ở đó.

Ông Dương Ngọc Sang, một trong những lão nghệ nhân hiện nắm giữ “phần hồn” của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, hôm khai mạc triển lãm, được vinh dự thay mặt cho các làng nghề gióng một hồi chiêng báo cáo với tiền nhân 12 làng nghề rằng, các sản phẩm của cháu con đã góp mặt với đời tại liên hoan để vinh danh tổ nghiệp. Ông và họ, ngoài điểm tương đồng là khách mời, còn chung nhau một lo toan đau đáu về những thời cơ và thách thức của làng nghề truyền thống quê hương trước cơn
lốc thị trường thời hiện đại.

2. Nhiều làng nghề truyền thống vì nhiều lý do đã mai một dần và biến mất cùng với thời gian, nhưng theo Wikipedia tiếng Việt, các con số thống kê cho thấy, Việt Nam hiện còn có gần 2.000 làng nghề thủ công thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... Từ điển Bách khoa toàn thư mở này cũng đưa ra danh sách 62 làng nghề truyền thống Việt Nam vẫn còn duy trì hoạt động, trong đó ở Đà Nẵng chỉ duy nhất có mỗi làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Nghề thủ công ở Đà Nẵng đếm không hết mười ngón tay. Ngoài một số nghề/ làng nghề đã tuyệt tích như guốc mộc Xuân Dương (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), nón La Bông (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang)... chỉ còn một vài nghề “sống cầm hơi” như tre Tân Hạnh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), đan lát Yến Nê, chiếu Cẩm Nê (Hòa Tiến)...

Theo từ điển, thủ công là lao động sản xuất bằng tay với công cụ giản đơn, thô sơ; thợ thủ công là người dùng đôi tay khéo léo của mình để làm ra vật gì đó. Khi một nghề thủ công nào đó lặng lẽ rơi vào quên lãng là mất đi một “nhân chứng sống” đánh dấu một giai đoạn phát triển văn hóa - xã hội.

Ngày trước trên đường Núi Thành, Đà Nẵng, có họa sĩ Bá Thiệu chuyên vẽ chân dung truyền thần. Mỗi khi người họa sĩ có mái tóc bồng bềnh ấy ngồi trước giá vẽ, đắm mình với từng nét cọ là có không ít khách vãng lai dừng lại ngắm nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Thế rồi người đến nhờ vẽ ít dần, sau đó thấy dưới bảng hiệu của ông có chua thêm một câu, đại khái là “Tại đây có bán thuốc đặc hiệu chữa đau răng”! Ngẫm cũng buồn, vẽ chân dung và chữa đau răng thì có quan hệ gì nhau?! Máy ảnh cùng với kỹ thuật Photoshop đã đưa cái nghề độc đáo của người họa sĩ già vào ngõ cụt, những nét cọ truyền thần “phượng múa rồng bay” của ông cùng chung số phận những ông đồ xưa.

3. Công nghiệp phát triển với kỹ thuật hiện đại là quy luật tất yếu của xã hội. Có điều, một khi máy móc “lên ngôi” thì nhiều nghệ nhân bỗng dưng hết đất dụng võ và con người cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Nếu trước đây thực khách còn thấy tận mắt những “nghệ nhân” xắt mì Quảng, thịt heo,... đều tăm tắp như máy thì bây giờ máy móc đã “xí phần” những công đoạn thủ công này. Làm hương, thậm chí làm tăm tre, đũa tre cũng bằng máy. Và cả đánh cà-phê cho ra bọt cũng bằng máy!

Nói vậy chứ vẫn có không ít người còn chuộng những sản phẩm thủ công. Ngay cả đến việc ăn món bánh tráng cuốn thịt heo đặc sản Đà Nẵng người ta vẫn cứ thích thịt được xắt bằng tay, nó đậm đà, ngọt lịm hơn là xắt bằng máy lạnh lùng, khô khan và thiếu cái tình của con người gửi gắm vào đó. Khách Tây đến Việt Nam, mỗi khi nghe giới thiệu sản phẩm handcraft (nghề thủ công/ làm bằng thủ công) là mê ngay. Chính cái tình yêu thủ công mỹ nghệ này đã thổi sức sống cho những nghề/ làng nghề trong thời máy móc hiện đại như thêu tranh, chạm trổ, điêu khắc...

XQ Đà Nẵng trên đường Nguyễn Thái Học hiện có 20 nghệ nhân thêu tranh. Người có tay nghề lâu năm nhất là chị Trần Thị Hoa, quê Quảng Bình, 30 năm làm nghề thì hết 11 năm về “đầu quân” cho Công ty TNHH XQ Việt Nam. Năm ngoái, tại một lễ hội văn hóa tổ chức ở Hội An, chị được vinh danh là nghệ nhân thêu lâu năm nhất của XQ, cùng với các nghệ nhân gốm Thanh Hà, đèn lồng Hội An. Chị thể hiện thành công nhất là những bức tranh về đề tài quê hương, thêu theo phác thảo của họa sĩ, đôi khi chỉ chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ cho mềm mại hơn.

Mẹ chị xưa làm nội trợ, rảnh rỗi lấy việc thêu thùa làm vui, như câu ca dao Trai thì đọc sách ngâm thơ/ Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may. Chị từ tấm bé đã dõi theo đường kim mũi chỉ của mẹ và yêu cái việc vẽ-tranh-bằng-chỉ ấy lúc nào chẳng hay. Cũng như mẹ, chị đặt tình yêu vào từng bức tranh thêu, nhưng con chị, như chị chia sẻ, “chẳng đứa nào muốn ngồi một chỗ như mẹ và bà ngoại chúng”.

4. Làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong những nét cọ tinh tế phác họa nên bức tranh đời sống văn hóa - xã hội của làng quê Việt. Giữa thời buổi khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão này, nghề thủ công muốn tồn tại phải biết kết hợp truyền thống với hiện đại.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Quân, sáng lập viên, Tổng Giám đốc XQ từng chia sẻ với báo giới: “Tại XQ, các nghệ nhân pha trộn giữa các phương pháp thêu truyền thống và hiện đại để tạo ra những tác phẩm có giá trị toàn cầu. Ví dụ như nghệ thuật thêu chân dung, nghệ thuật thêu hai mặt, nghệ thuật điêu khắc bằng chỉ, v.v… Kỹ thuật thêu tay vốn dĩ không có quá nhiều sự cải tiến, mà nét hiện đại nhất ở đây chính là việc làm mới những giá trị của các tác phẩm thêu”.

William Shakespeare, nhà văn, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh đã có một câu nói để đời trong vở hài kịch nổi tiếng Hamlet của mình: Tồn tại hay không tồn tại (To be or not to be). Còn đó nỗi lo toan đau đáu của những nghệ nhân về những thời cơ và thách thức của làng nghề truyền thống trước cơn lốc thị trường thời hiện đại. Nghề thủ công có tồn tại hay không và tồn tại như thế nào? Câu trả lời còn tùy thuộc vào cách “làm mới những giá trị cũ” của chính các nghệ nhân, quan điểm mua sắm của người tiêu dùng và cách hành xử của ngành chức năng đối với ngành nghề được cho là một trong những nét cọ tinh tế phác họa nên bức tranh đời sống văn hóa - xã hội của làng quê Việt này.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.