Lần đầu tiên, với mục đích giới thiệu về sự liên kết nghệ thuật giữa Nga và Đức, Bảo tàng Neue Galerie, New York, Mỹ đã triển lãm các tác phẩm của các nghệ sĩ Natalia Goncharova, Erich Heckel, Alexei von Jawlensky, Vasily Kandinsky, Ernst Ludwig Kirchner, Mikhail Larionov, và Gabriele Münter…
Triển lãm mang tên “Chủ nghĩa hiện đại của Nghệ thuật Nga và Đức 1907-1917” do học giả nghệ thuật Nga Konstantin Akinsha, thành viên nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Nuremberg, Đức tổ chức, mở cửa đến ngày 31-8-2015.
Thắng trận - tranh của Aristarkh Lentulov. |
Khoảng 90 tác phẩm được trưng bày, ngoài tranh sơn dầu trên bố còn có một số tác phẩm trên giấy. Triển lãm được tổ chức thành các nhóm chuyên đề và làm nổi bật các mối tương quan gián tiếp, trực tiếp giữa bản sắc nghệ thuật Nga và Đức từ thời kỳ này: Phong cảnh thôn quê, đô thị; tĩnh vật; khỏa thân và chân dung; cùng bộ sưu tập giới thiệu quá trình phát triển của chủ nghĩa trừu tượng gồm các tác phẩm của Vasily Kandinsky và Kazimir Malevich và phong trào hiện đại cấp tiến ở Đức và Nga vào đầu thế kỷ XX, tập trung vào các hoạt động của nhóm Expressionist Die Brücke (Chiếc cầu) và Blaue Reiter (Kỵ mã xanh).
Cuộc triển lãm khám phá những kết nối trực tiếp của các nghệ sĩ Đức và Nga cùng mối đồng cảm qua sự phát triển nghệ thuật của cả hai nước.
Triển lãm thu hút người xem bởi một số tác phẩm tiêu biểu.
Thắng trận (1914) của Aristarkh Lentulov (1882-1943): Ông sinh ra tại thị trấn Nizhny Lomov ở Penza Oblast, Nga. Lentulov nghiên cứu nghệ thuật tại các trường nghệ thuật Penza và Kiev 1897-1905, và sau đó làm việc ở họa thất của Dmitry Kardovsky ở Saint Petersburg vào năm 1906. Lentulov sống tại Moscow từ năm 1909, và là một trong những người sáng lập avant-garde (Nghệ thuật Tiền phong), tổ chức các triển lãm hiệp hội của các nghệ sĩ.
Hoa hướng dương - tranh của Natalia Goncharova. |
Từ 1910-1911, Lentulov học tại xưởng họa của Henri Le Fauconnier và Académie de La Palette ở Paris. Ông đã làm quen với những họa sĩ đương đại Pháp như Albert Gleizes, Jean Metzinger, Fernand Léger và Robert Delaunay. Ông tự phát triển phong cách độc đáo bằng màu sắc phong phú của riêng mình sau khi trở về Nga vào năm 1912. Nghệ thuật của Lentulov đã được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống và dân gian Nga.
Căn nhà của người mê đấu bò - tranh của Petr Konchalovsky. |
Hoa hướng dương (1908) của Natalia Goncharova (1881 - 1962): Cũng là một nghệ sĩ Nga trong phong trào tiền phong avant-garde-họa sĩ, nhà thiết kế trang phục, nhà văn, họa sĩ minh họa và thiết kế Goncharova là vợ của nhà thơ Alexander Pushkin.
Theo Art Newspaper, có lẽ đáng kinh ngạc nhất trong số này là bức Hoa hướng dương. Những bông hoa hướng dương màu vàng óng được phóng tràn lên mặt tranh, gần đến độ trừu tượng và có thể “làm mờ” những bông hoa hướng dương nổi tiếng của Van Gogh. Tài năng Goncharova có vẻ không dừng lại ở đây. Đồng thời như Hoa hướng dương, bà cũng vẽ “Hồ cá”, một cảnh phức tạp hơn, thực tế hơn, pha chút ảnh hưởng của Matisse.
Thuyết phục nhất là các tác phẩm của Petr Konchalovsky (1876-1956), người “hiện diện” bằng tám bức tranh - số lượng nhiều nhất so với tác giả khác - cho thấy ông đã làm việc đầy miệt mài và thể hiện rõ sự mạnh mẽ trong lối biến cách. Đặc biệt là Căn nhà của người mê đấu bò.
Cuộc triển lãm tại New York lần này như là cột mốc khởi đầu, đưa nghệ thuật Nga cùng những họa sĩ tên tuổi lừng lẫy Nga hòa nhập với dòng chảy nghệ thuật đương đại quốc tế mà từ trước đến nay bị lãng quên, hoặc thường hoạt động trong vòng khép kín, vốn mang tư tưởng nghịch chiều với Đức.
HOÀNG ĐẶNG