.

Ân tình Ví, Giặm 

.

Đó là tên chương trình ca nhạc - nghệ thuật đặc biệt, diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương tối 27-6 vừa qua, do Hội đồng hương hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh tại thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tôn vinh tại sân khấu Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Ảnh: N.D
Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tôn vinh tại sân khấu Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. Ảnh: N.D

Đây là hoạt động tôn vinh nghệ thuật Ví, Giặm đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng, sau khi dòng nhạc dân gian này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

16 tiết mục tại chương trình, là những ca khúc, tổ khúc dân ca đặc sắc, tiêu biểu cho dòng nhạc Ví, Giặm độc đáo, như: “Bần hát ghẹo”, “Phụ tử tình thâm, “Thử lòng chung thủy”, “Neo đậu bến quê”, “Điệu ví giặm là em”, “Một lòng đợi bạn”... Mỗi câu ca, điệu hát sâu nặng ân tình từ bao thế hệ của người Nghệ - Tĩnh đã đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt đối với người thưởng thức.

Yêu quê hương qua câu dân ca…

"Trong gió Lào cát bỏng, trong chớp bể mưa nguồn câu hát đã sinh ra. Cha ông từ ngàn xưa đã nuôi dưỡng cháu con bằng đạo lý nghĩa nhân qua câu ca, điệu hát. Ví, Giặm quê mình trao truyền qua bao đời, qua từng thế hệ. Suốt hành trình lịch sử, câu dân ca trở thành nguồn sữa thơm nuôi dưỡng tâm hồn những người con xứ Nghệ dù có đi xa tận nơi góc bể, chân trời. Những người con của miền Ví, Giặm ngấm câu hát trong lòng, trong dạ như giữ ấm hồn quê"…

Lời mở đầu chương trình không chỉ chạm đến tình yêu quê hương, xứ sở của những người con xa xứ mà còn khiến những người sinh ra và lớn lên tại dải đất bên dòng sông Hàn thơ mộng, cảm thấy rưng rưng. Bởi, ai cũng có một quê hương trong lòng, tìm về với những lời hát chân tình, mộc mạc, đằm thắm, thiết tha như lời kể của bà, giọng ru của mẹ cũng chính là tìm về với nguồn cội, với quê hương.

Có mặt tại Nhà hát Trưng Vương tối 27-6 từ sớm, ông Đoàn Văn Lợi, 70 tuổi, người gốc Đô Lương, Nghệ An, hiện sinh sống ở phường Thọ Quang, Đà Nẵng cho biết, ông nghe và thích dân ca Ví, Giặm từ ngày bé. Những câu Ví, Giặm nặng tình quê đã theo ông Lợi và các đồng đội trên những chặng đường dài hành quân tại chiến trường Nam miền Trung - Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước giải phóng, cũng giống như rất nhiều người, ông Lợi chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai và luôn là một trong những thành viên năng nổ trong nhiều hoạt động của Hội đồng hương Nghệ - Tĩnh, tại thành phố này. Ông Lợi cho hay, Hội đồng hương Nghệ - Tĩnh tại Đà Nẵng có rất nhiều hoạt động thiết thực khơi dậy tình đoàn kết, ý thức dựng xây quê hương, riêng hoạt động quảng bá dân ca Nghệ - Tĩnh lần này khiến ông rất hạnh phúc. "Còn gì ấm áp hơn khi lâu lắm lại được nghe câu hát quê hương cất lên ngay nơi mình sinh sống", ông Lợi xúc động nói.

Khơi dậy ý thức giữ gìn di sản văn hóa truyền thống

Theo Ban tổ chức, chương trình “Ân tình Ví, Giặm” do các thế hệ cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khởi xướng đã tổ chức thành công tại Thủ đô Hà Nội vào đêm 7-3-2015. Từ chương trình, Ban tổ chức đã tiết kiệm tối đa các khoản chi phí để tài trợ cho 10 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Riêng chương trình tại Đà Nẵng lần này đã vận động được gần 330 triệu đồng, tiếp tục ủng hộ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Trở lại với “Ân tình Ví, Giặm” tối 27-6 tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng, nhiều người cho rằng, ý nghĩa của chương trình không bó hẹp ở hoạt động của hội đồng hương hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, không chỉ để tôn vinh dân ca Ví – Giặm mà là một hoạt động khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức giữ gìn những di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc, nhân loại nói chung. Không nhiều chương trình ca nhạc, nghệ thuật diễn ra ở Nhà hát Trưng Vương kín chỗ, nhưng để xem, nghe Ví, Giặm lần đầu tiên tại Đà Nẵng này, không ít người đã phải đứng. Họ xem say sưa, đầy cảm xúc!

Đâu đó trong những hàng ghế khán giả, những người Đà Nẵng nặng lòng với dân ca băn khoăn: Những người xa xứ họ nghĩ về quê hương, nhớ về quê hương và đã tổ chức một chương trình dân ca quê hương ấn tượng như vậy, trên đất khách. Còn những người Đà Nẵng đã và đang làm gì với bài chòi, những điệu lý, hò Quảng… ngay trên quê hương mình; liệu chúng ta có thể nghĩ về một sân khấu lớn, một chương trình nghệ thuật giành cho những loại hình ca nhạc dân tộc trên mảnh đất giàu truyền thống này?

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dân ca Ví, Giặm tại Nghệ Tĩnh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại ngày 27-11-2014. Ví và Giặm là hai lối hát giao duyên của người  Nghệ - Tĩnh, được sinh ra, hình thành và phát triển trong đời sống lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa - tinh thần, trong hành vi ứng xử, trong tập quán phong tục của cộng đồng những người dân lao động chất phác đất Hồng - Lam. Loại hình nghệ thuật dân gian này phổ biến  trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca Ví, Giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.