.

Chia sẻ tình yêu với động vật hoang dã

.

Mong muốn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang được nuôi nhốt tại Công viên 29-3 có một “ngôi nhà” đúng nghĩa, đồng thời giáo dục tình yêu động vật cho trẻ em, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức các hoạt động như vẽ tranh, tô màu, tìm hiểu về động vật hoang dã cho các em thiếu nhi.

Các em nhỏ thích thú với việc cho nai ăn tại Công viên 29-3. Ảnh: T.T
Các em nhỏ thích thú với việc cho nai ăn tại Công viên 29-3. Ảnh: T.T

Gọi động vật hoang dã là “bạn”

Khi được cha mẹ dẫn đến khu nuôi nhốt thú ở Công viên 29-3, không ai bảo nhưng hầu như em nhỏ nào cũng gọi các con vật nai, hươu, khỉ, trăn, cá sấu… là “bạn”.

Có lẽ trong mắt các em, những ĐVHD là những người bạn hiền lành, thân thiện. Đến đây, các em rất thích cho thú ăn. Những đứa trẻ cầm những cọng rau đưa vào miệng những con nai đang lè lưỡi, hành động cuộn lấy rau và nhai ngấu nghiến của con nai làm bọn trẻ cười giòn tan, thích thú.

Chị Minh, phụ huynh một em bé 2 tuổi đang cho nai ăn, cho biết: “Cả tuần bận rộn nên cuối tuần nào hai vợ chồng tôi cũng tranh thủ đưa con đến đây chơi. Nhà chật không nuôi được động vật nên cuối tuần ngoài đi biển, chúng tôi dắt con vào công viên để cho bọn trẻ được nhìn ngắm, nghịch và nói chuyện với các con thú. Thấy bọn trẻ thích, chúng tôi cũng thấy vui lây”.

Việc cho trẻ đến tham quan khu nuôi thú không những giúp các gia đình gắn kết hơn trong những ngày cuối tuần mà còn cho con họ học hỏi thêm những điều hay từ cuộc sống bên ngoài. Ngày càng có nhiều phụ huynh nghĩ rằng không nên để con ở nhà, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có xem phim hoạt hình mà nên cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài, khám phá thiên nhiên. Và cũng chính suy nghĩ tích cực ấy mà cuối tuần nào, tại khu nuôi thú Công viên 29-3 cũng luôn nhộn nhịp các ông bố, bà mẹ và những đứa trẻ đến đây dạo chơi và cho những “bạn” thú ăn rau.

Muốn chúng vui vẻ mỗi ngày

Đó là mong muốn “nhỏ nhoi” có thể làm được cho những ĐVHD đang được nuôi tại Công viên 29-3 này của chị Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet. Theo chị Trang, thì đáng ra những con thú này phải được trả lại rừng, sau khi được tìm thấy từ các vụ buôn bán động vật hay nuôi nhốt lâu năm. Bởi vậy, hầu hết các con thú rất “buồn”. Song chúng tồn tại ở đây phục vụ mục đích giáo dục, tạo sân chơi ngoài trời an toàn, bổ ích cho các em nhỏ.

Các tình nguyện viên của GreenViet muốn những con thú này “vui” hơn, có cơ hội được chăm sóc, vuốt ve, nên quyết tâm thực hiện và duy trì chuỗi hoạt động truyền thông về các loài ĐVHD bao gồm các trò chơi tô màu động vật, hóa trang thành động vật, nhận dạng các loài ĐVHD được bảo vệ trong Sách đỏ, hướng dẫn tham quan các loài động vật có ở Công viên 29-3… Tất cả đều được sắp xếp theo từng độ tuổi khác nhau để trẻ em dễ tiếp thu, học hỏi.

Trước đây, khu nuôi thú của Công viên 29-3 chưa được cải tạo, con đường dẫn tới đây là đường đất, xung quanh hàng rào xập xệ, không có bảng tên loài. Một vài trẻ em khi đến đây do chưa có nhiều hiểu biết về các loài thú nên có những hành động chọc phá, trêu ghẹo thú. Từ năm 2013, Trung tâm GreenViet phối hợp với Công ty Công viên - cây xanh Đà Nẵng tổ chức các chuỗi hoạt động truyền thông về các loài ĐVHD để nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ, học sinh, sinh viên về các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm đang cần được bảo vệ.

Hiện có khoảng 300 tình nguyện viên là sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đăng ký tham gia các chuỗi hoạt động truyền thông về các loài ĐVHD tại Công viên 29-3. “Tuy nhiên, kinh phí của trung tâm hạn chế, chủ yếu do các cán bộ, cá nhân trong trung tâm đóng góp để duy trì các hoạt động truyền thông về các loài ĐVHD. Trung tâm rất mong người dân, chính quyền, các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ chung tay góp sức cải thiện nâng cấp khu nuôi thú để các “bạn” thú có được một “ngôi nhà” đúng nghĩa với đủ các trò chơi rèn luyện sức khỏe và trí tuệ, cũng như cho chúng một khu sinh hoạt tốt hơn”, chị Trang nói thêm.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.