Đà Nẵng cuối tuần

Giảm nghèo 80% sau 20 năm

07:20, 19/07/2015 (GMT+7)

Sau 20 năm kể từ 1994 tới năm 2014, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy số lượng quốc gia có thu nhập thấp đã giảm đi một nửa.

Phụ nữ Kenya tham gia vào lao động sản xuất, giúp Kenya thoát khỏi tình trạng “thu nhập thấp”.
Phụ nữ Kenya tham gia vào lao động sản xuất, giúp Kenya thoát khỏi tình trạng “thu nhập thấp”.

Số liệu điều chỉnh lạm phát của WB cho thấy 33/64 trong danh sách các quốc gia thu nhập thấp hồi năm 1994 đã biến mất trong lần thống kê số liệu vào năm 2014. Tỷ lệ phần trăm người dân sống ở những nước bị xếp hạng “thu nhập thấp” đã giảm tới 80% trong vòng hai thập niên qua (số liệu được WB cập nhật ngưỡng thu nhập hàng năm và điều chỉnh lạm phát).

Nếu như năm 1994 có tới 3,1 tỷ người sống tại 64 nước có thu nhập thấp thì tới năm 2014 số lượng người dân ở những quốc gia có thu nhập thấp chỉ còn là 613 triệu người ở 31 quốc gia nghèo nhất thế giới. Riêng trong năm 2014 vừa qua, kinh tế tăng trưởng bền vững cũng đã “bóc” Bangladesh, Myanmar, Kenya và Tajikistan ra khỏi tình trạng “thu nhập thấp”.

Phó Chủ tịch WB, Kaushik Basu cho biết GNI của từng nước được tính như sau: Lấy tổng thu nhập quốc gia chia cho dân số được xác định ở giữa năm. Nước có thu nhập thấp là nước có thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) từ 1.045 USD/năm trở xuống.

Nước có thu nhập trung bình là nước có GNI từ 1.046 USD tới 12.736 USD/năm. Nước có thu nhập cao có GNI hằng năm hơn 12.735 USD/năm. Gần như những nước có thu nhập thấp nằm ở tiểu vùng Sahara (châu Phi). Ngoài ra, có thêm một số nước không thuộc châu Phi như Afghanistan, Campuchia, Haiti và Nepal.

Một số nước có sự tăng trưởng GNI đột biến trong 20 năm qua. Malawi tăng GNI từ 70 USD lên 250 USD sau 20 năm. Na Uy là nước có mức tăng “kinh khủng” từ 26.010 USD lên tới 103.050 USD trong cùng quãng thời gian với Malawi. WB nói  rằng Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có bước tiến tốt nhất trong hai thập niên qua khi GNI của năm 1990 là 130 USD đã vọt lên 1.890 USD trong năm 2014.

WB cho biết Monaco có GNI cao số một thế giới nhờ dân số quá ít, chỉ có 37.831 người. Liechtenstein với dân số 36.925 xếp thứ hai. WB cũng nói thêm là một người dân Monaco có số tiền chi tiêu nhiều gấp 400 lần so với người dân Malawi. Argentina, Hungary, Seychelles và Venezuela đã nâng từ mức GNI trên trung bình lên mức GNI cao. Trong khi đó, hai nước Cộng hòa dân chủ Congo và Somali lại không có tên trong danh sách GNI của WB.

Trong hội nghị tài chính do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Ethiopia nhằm kêu gọi tài trợ cho các mục tiêu phát triển toàn cầu, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng ông hy vọng “Chúng ta là thế hệ đầu tiên chấm dứt được đói nghèo vào năm 2030”. Nếu giữ được tốc độ phát triển như 20 năm qua khi đã giảm được 80% lượng người nghèo trên thế giới thì 20% còn lại có thể thoát nghèo trong 15 năm tiếp theo.

ANH THƯ (Theo Guardian, Yahoo)

.