.
Phương hay Thuốc quý

Chè vằng chống nhiễm khuẩn sau sinh

.

Uống nước chè vằng sẽ kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, mà lại không ảnh hưởng đến tiết sữa, đây là vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm sau sinh.

Chè vằng, còn gọi Vằng, Râm trắng, Lài ba gân, tên khoa học là Jasminum subtriplinerve Blume, thuộc họ Nhài - Oleaceae.

Đây là loài cây bụi nhỡ, có nhánh nhẵn, kéo dài. Lá bầu dục - ngọn giáo, gần như tù hay tròn ở gốc, nhọn mũi, hơi cùng màu cả hai mặt, dài 4 - 7,5cm, rộng 2 - 4,5cm, các lá phía trên thu nhỏ hơn; cuống nhẵn, có khớp phía dưới đoạn giữa, dài 3 - 12mm. Hoa 7-9, thành chùy dày đặc, có lá ở gốc, nằm ở bên trên các nhánh ngắn hoặc ở ngọn các nhánh dài. Hoa tháng 3-4, quả tháng 5-6.

Cây mọc hoang ở rừng núi và trung du, có nơi trồng, gặp nhiều từ Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, qua Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Ðà Nẵng tới Khánh Hòa. Thu hái cành lá quanh năm, phơi hay sấy khô. Trong thành phần hóa học của cây chè vằng có các terpenoid, glycosit đắng, flavonoid và ancaloid.

Theo Đông y, chè vằng có vị đắng, tính mát, có tác dụng kháng sinh, chống viêm. Kinh nghiệm nhân dân ta dùng lá sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh; nhất là sau khi sinh bị nhiễm trùng, sốt cao, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung và viêm tuyến sữa. Cũng dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thấy kinh đau bụng; chữa phong thấp, đau nhức các đầu chi và khớp xương, chữa ghẻ lở, chốc đầu, các bệnh ngoài da.

Chè vằng có tác dụng bổ, sử dụng tốt trong các trường hợp thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, chữa cảm, đau bụng vàng da (khi chữa vàng da thường kết hợp với hoắc hương). Một số vùng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, phụ nữ sau sinh đẻ dùng chè vằng khô sắc uống cả ngày thay cho nước chè, kích thích ăn ngon miệng, tăng tiết sữa... Liều dùng 20-30g cành lá khô sắc uống.

Lá tươi nấu nước dùng tắm, rửa hoặc giã đắp. Dân gian còn dùng làm mịn tóc, chữa được nấm tóc, chữa viêm rò xương (trong uống, ngoài rửa). Ngoài ra còn dùng chè vằng khô sắc uống, và giã lá tươi để đắp trong trường hợp áp xe vú, mụn nhọt rất tốt.

Bài thuốc:

- Điều trị kinh nguyệt không đều, bị bế kinh hoặc hành kinh đau bụng: Chè vằng 20g, Ích mẫu 16g, Hy thiêm 16g, Ngải cứu 8g, Bạch đồng nữ 8g. Nước 500ml sắc lấy 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày.

- Chữa thông huyết điều kinh, đau bụng hay đau khớp xương: Dùng 20-30g chè vằng khô sắc uống hằng ngày.

- Chữa bệnh răng miệng: Lá chè vằng tươi rửa sạch nhai ngậm để chữa bệnh viêm nha chu viêm. Ngoài ra có thể dùng nước trà đã đun để rửa vết thương.

- Chữa thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, cảm hay vàng da: Mỗi ngày sắc uống 8-16g chè vằng.

Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy:

- Chè vằng với nồng độ nhất định có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn một số kháng sinh đối với tụ cầu khuẩn và liên cầu tan máu (Bệnh viện Thái Bình).

- Cao chiết chè vằng có tác dụng làm chuyển dạng tế bào lympho (Nguyễn Thị Hiền).

- Chè vằng ức chế khá mạnh tụ cầu vàng và liên cầu tan huyết nhóm A (Viện Dược liệu).

- Cao nước chè vằng có tác dụng ức chế yếu đối với ký sinh trùng  Entamoeba histolytica (Nguyễn Đức Minh).

- Chè vằng có tác dụng chống viêm cấp tính, viêm mãn tính, làm teo tuyến ức trên các mô hình thực nghiệm trên chuột và một số tác dụng sinh học khác như: làm lành vết thương, hạ sốt, bảo vệ niêm mạc, tăng tiết dịch mật, giảm nhu động ruột của chế phẩm cao cồn và cao nước bằng đường uống và đường tiêm. (Nguyễn Thị Ninh Hải).

Đặc biệt trong đề tài Góp phần nghiên cứu tác dụng chống nhiễm khuẩn của cây Chè vằng ở Quảng Nam- Đà Nẵng, DS.Trương Thị Ngọc Liên (Trạm Kiểm nghiệm Dược phẩm QN-ĐN, 1994) đã nghiên cứu trên lâm sàng điều trị 254 ca sản phụ ở Bệnh viện Hòa Vang, cho thấy cao chè vằng có tác dụng phòng và điều trị nhiễm khuẩn sau đẻ có hiệu quả: không dùng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng Chè vằng trong trường hợp đẻ thường, giảm 50% thuốc kháng sinh trong trường hợp đẻ khó.

Theo DS. Trương Thị Ngọc Liên, tử cung người phụ nữ sau khi đẻ như vết thương để ngỏ, sức khỏe lại bị giảm sút nên vi khuẩn dễ xâm nhập, nhất là ở nước ta điều kiện vệ sinh môi trường còn kém, đặc biệt là ở các tuyến cơ sở. Tuy nhiên để đề phòng nhiễm khuẩn dùng kháng sinh nguồn gốc vi sinh vật cho chị em phụ nữ sau khi đẻ thường là không cần thiết. Với kết quả đề tài này, hy vọng chè vằng sẽ được áp dụng rộng rãi ở khoa sản để góp phần chống nhiễm khuẩn, chóng phục hồi sức khỏe. Dùng chè vằng sẽ kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, không ảnh hưởng đến tiết sữa, đây là vấn đề bà mẹ nào cũng quan tâm đến sau khi sinh.

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.