Đà Nẵng cuối tuần

Sản phẩm từ trấu

06:56, 26/07/2015 (GMT+7)

Đam mê Hóa học từ những năm ngồi trên ghế nhà trường, cô Đoàn Thị Thu Loan (Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học và Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đã nói về tình yêu với bộ môn Hóa học của mình: “Ăn hóa, ngủ hóa, làm gì cũng nghĩ đến hóa”.

 Sản phẩm gỗ ép từ vỏ trấu. Ảnh: Q.T
Sản phẩm gỗ ép từ vỏ trấu. Ảnh: Q.T

Có lẽ đam mê đó đã đưa cô đến với nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH), mà gần nhất là nghiên cứu về vật liệu nhân tạo và gia dụng được sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp. Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố, được tiến hành từ tháng 10-2012 với thời hạn nghiên cứu là 2 năm. Mục tiêu của nghiên cứu  nhằm tạo ra một vật liệu mới, đó là dùng vỏ trấu để thay thế gỗ, nhựa trong các sản phẩm nội thất và gia dụng.

Nhìn những thành phẩm là cái bàn, cánh cửa được cô Loan ép từ vỏ trấu, khó có thể phân biệt được đâu là ván ép, đâu là gỗ bởi độ tinh xảo và giống nhau đến không ngờ. Tuy sản phẩm này không thể so với gỗ về độ bền nhưng khả năng chịu nước, chịu mối mọt thì cao hơn hẳn. Hơn nữa, nguyên liệu từ trấu rất rẻ sẽ làm hạ giá thành sản phẩm so với gỗ.

Để hiện thực hóa từ lý thuyết ra thành phẩm là sự đóng góp của cả một tập thể, mà theo lời cô Loan, cô phải rất cảm ơn học trò của mình. Những người đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh xin làm công nhân ở các công ty chuyên sản xuất về nhựa, gỗ để học hỏi kinh nghiệm. “Nếu không có học trò hăng hái đi học việc, thu thập kiến thức thực tế thì NCKH này sẽ không bao giờ hoàn thành được nếu chỉ dựa vào những lý thuyết trong sách vở”.

Cô luôn chào đón tất cả các bạn sinh viên đam mê NCKH. Bởi việc áp dụng những kiến thức trừu tượng vào thực tế là con đường ngắn nhất để sinh viên hiểu sâu những kiến thức đã học. Đặc biệt, trong quá trình NCKH nếu thành công (tạo ra được sản phẩm), sinh viên sẽ tự tin hơn với nghề mà mình đã chọn.

Nhiều bạn sinh viên Khoa Hóa, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng thừa nhận rằng, NCKH là truyền thống của khoa. Các bạn tiếp thu được nguồn nhiệt huyết, tiếp thêm sức mạnh khi PGS.TS Đoàn Thị Thu Loan nhận các bạn vào nhóm do cô hướng dẫn NCKH. Từ những sản phẩm cái bàn, cái ghế được ép từ vỏ trấu, các bạn đã có thêm tự tin, rút ra kết luận “NCKH không phải là những tập giấy dày cộm được để trang trọng trên bàn giấy mà NCKH đơn giản là phải ra được thành phẩm”.

Để đến với nghiên cứu này, cô Thu Loan đã có nhiều năm tìm hiểu cả lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp ở nước ta để tìm nguồn nguyên liệu. Cô cho biết, nhóm nghiên cứu chọn trấu vì vỏ trấu là phế phẩm nông nghiệp rất dồi dào. Đến mùa thu hoạch thì lượng trấu thải ra rất nhiều (8 triệu tấn/năm) nhưng chỉ một lượng nhỏ được dùng làm chất đốt cho lò sấy, nung gạch, nhà máy nhiệt điện, chất đốt sinh hoạt và làm phân bón, lượng trấu còn lại trở thành chất thải đổ xuống sông, kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước hoặc đốt ngoài trời gây ô nhiễm không khí.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu tận dụng loại phế thải này thay thế gỗ rất thiết thực, vừa tận dụng được nguồn phế thải tạo nên sản phẩm có giá trị vừa giải quyết được vấn đề môi trường, giảm thiểu nạn phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi…

Hiện tại, công trình nghiên cứu này chưa được triển khai rộng rãi do kinh phí đầu tư trang thiết bị rất lớn (lên đến 10 tỷ đồng). Cô Thu Loan vẫn đang “trên đường” đi tìm kiếm nhà đầu tư để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với chất lượng tốt mà giá thành chỉ bằng 60% so với gỗ.

QUỲNH TRANG

.