Những năm tháng kháng chiến, lớp lớp thanh niên nối tiếp nhau lên đường ra trận. Chốn quê nhà, những người phụ nữ gói ghém nỗi ngóng niềm mong, gánh vác trụ cột gia đình, trở thành hậu phương vững chắc.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Khánh lật giở những kỷ vật chiến tranh. |
Chiến tranh càng kéo dài, hậu phương càng bền chí sắt son, mỗi mùa trôi qua là mỗi mùa ngày ngóng đợi. Có những mùa ngóng đợi trở về trong sum họp, cũng có những buổi chia tay, mãi mãi, không có ngày gặp lại.
1. Năm 1945, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Đình Phương (sinh năm 1928, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hăng hái tham gia đội tự vệ bí mật ở địa phương. Quãng thời gian này, qua mai mối, ông kết tóc se duyên cùng cô gái đẹp người đẹp nết Đặng Thị Tình (SN 1929). Làm mâm cơm nhỏ ra mắt họ hàng, ở với vợ được dăm ba ngày, ông biền biệt tham gia kháng chiến.
70 năm sau, trong căn nhà nhỏ, ông cầm tay vợ, dịu dàng: “Trong 30 năm đầu nên duyên vợ chồng, thời gian tôi ở nhà có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ có lần lâu nhất được gần một tháng, là khi tôi bị sốt rét nặng. Ba đứa con lần lượt chào đời (người con trai đầu mất sau khi sinh không lâu – PV) đều do một tay vợ ẵm bồng chăm sóc. Lúc tôi hay tin vợ sinh, mấy hôm sau mới tranh thủ tạt ngang nhà nhìn mặt con một lát rồi lại đi ngay. Riêng đứa con gái út, lần đầu tiên tôi nhìn thấy con là khi con đã tròm trèm hai mươi tuổi…”. Nhìn ông bà ngồi cạnh nhau rớm nước mắt ôn lại chuyện xưa, tưởng chừng như chiến tranh khốc liệt chưa bao giờ ghé ngang cuộc đời họ.
Hơn hai mươi năm đằng đẵng vắng nhà, ông ngược xuôi hành quân từ Nam ra Bắc, cống hiến sức mình ở nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong khi đó, người bạn đời của ông không chỉ giỏi giang chèo lái gia đình mà còn hăng hái tham gia đội nữ dân quân xã. “Bao nhiêu thương nhớ chồng dồn hết vào chăm sóc cha mẹ, lo lắng con cái. Rồi kháng chiến cuốn tôi theo những trận đánh, tôi không còn ngóng chồng mà thường tự an ủi mình, nếu lỡ ông có nằm lại chiến trường thì mình cũng phải mạnh mẽ vì ông đã hy sinh cuộc đời mình cho đất nước…”, bà Tình nói.
Xa cách giữa đất lửa chiến tranh, sợi dây liên lạc kết nối nhớ thương giữa ông và gia đình là những lá thư tay đến muộn. Lá vui mừng khoe con gái út vừa chào đời. Lá thông báo tình hình gia đình bình yên. Lá hồ hởi cho hay người con trai thứ hai Lê Đình Chiến (SN 1952) đã theo bước cha, lên đường ra trận. Nhớ lại một thời gian lao mà hào hùng, ông Phương bùi ngùi: “Là người lính, tôi đã sớm làm quen với nỗi nhớ nhung, nhưng mỗi khi nhận được thư từ gia đình, bao giờ cũng xúc động. Những lá thư tiếp thêm cho tôi động lực, khiến tôi vững tâm hơn ở chiến trận…”.
Nhưng có một lá thư khiến ông đau đến tận tim can. Đó là thư báo tin con trai hy sinh khi đang dẫn đường cho đại đội đánh địch. Khi ấy, con trai ông chỉ mới 16 tuổi. Nhận thư, ông chết lặng. Những ngày xa nhà, ký ức về con trai trong ông chỉ còn đọng lại kỷ niệm hôm ông lên đường, vợ bồng con đội mưa, vượt lũ đến thăm. Cảm giác bế bồng con thơ chặng đường tiễn đưa ấy tạc vào tâm trí ông đến tận bây giờ.
Đau nhưng không khóc, ông tâm tình: “Con hy sinh, tôi thao thức nhiều đêm liền. Tôi buồn một phần, phần còn lại tôi tự hào về con nhiều hơn khi con còn nhỏ đã dũng cảm ra sức bảo vệ quê hương. Tôi càng thương vợ đã khuyến khích, cổ vũ khi con bày tỏ nguyện vọng muốn được tham gia kháng chiến…”.
Hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà. Lúc ấy, bà đang bán ngoài chợ thì hay tin, đứng khóc lặng, được bà con dìu về. Đến cửa nhà, nhìn thấy ông, bà ôm chầm lấy chồng, gọi con gái, cả nhà mừng mừng tủi tủi trong vòng tay siết chặt. Giây phút đoàn viên chưa trọn, ba hôm sau, ông trở về đơn vị rồi đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Chuỗi ngày ngóng nhớ của bà lại tiếp tục kéo dài thêm gần 12 năm, cho đến khi ông về hưu với quân hàm Đại tá. Vậy là, sau hơn 40 năm nên nghĩa vợ chồng, ông bà mới sống cho cuộc đời của riêng mình, nương tựa đời nhau khi đã ở độ tuổi xế chiều.
Ông Lê Đình Phương và bà Đặng Thị Tình cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa. |
2. Có những mùa ngóng đợi trở về trong sum họp, cũng có những buổi chia ly không hẹn ngày gặp lại. Dẫu biết trước điều xấu nhất có thể sẽ xảy ra, nhưng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Khánh (SN 1920, ngụ thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang; quê Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn giấu niềm riêng vào tận sâu trong lòng, hai lần tiễn con ra chiến trường.
Hai mươi tuổi, cô gái Phạm Thị Khánh được gia đình mai mối cho chàng trai Trương Khanh, hơn mình 6 tuổi. Ông Khanh là con trai của ông Trương Hoành (quê ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, về sống tại Hòa Vang, theo quê vợ), người từng kết giao với ông Ông Ích Đường, ông Ông Ích Mắng, cùng khởi xướng, lãnh đạo nhân dân trong phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Tên ông được đặt tên cho ngôi trường tiểu học ở quê nhà Đại Lộc…
Lúc đó, người vợ trước của ông Trương Khanh đã qua đời, để lại hai đứa con thơ dại, đứa mới 3 tuổi, đứa lên 5. Ông mải mê với công việc, không có thời gian chăm sóc con. Thương hai đứa trẻ đã sớm không còn hơi ấm của mẹ, lại thiếu vắng tình thương của cha, cô gật đầu về làm vợ ông. Ổng tham gia lực lượng dân quân, kẹp áo quần đi miết. Ổng làm nghề y nên không chỉ cầm súng chiến đấu mà còn tất bật cứu chữa cho lực lượng kháng chiến bị thương. Mẹ một nách chăm lo cho hai con thơ, rồi thêm bầy con mười đứa lần lượt chào đời. Bận bịu con cái đến đâu chăng nữa, mỗi khi có bộ đội bị thương về nhà trú ngụ, Mẹ đều tận tình chăm sóc, từ thuốc men đến giấc ngủ, từ miếng ăn mỗi bữa đến cơm đùm, cơm gói mang theo khi lành bệnh. Lo lắng cho bao nhiêu chiến sĩ, Mẹ không nhớ rõ, nhưng những người từng mang ơn Mẹ đều khắc nhớ trong lòng, lặn lội tìm về thăm sau ngày đất nước hòa bình.
Mùa theo mùa nối nhau qua đi, những người con của Mẹ, đứa mất vì bệnh tật, đứa lần lượt khôn lớn. Một ngày, cậu con trai thứ sáu là Trương Công Kỷ (SN 1949) xin phép Mẹ được ra chiến trường khi mới 15 tuổi. Mẹ cười, gật đầu đồng ý. Không lâu sau, cậu con trai thứ bảy là Trương Công Nhâm (SN 1952) mới 14 tuổi đã nằng nặc đòi đi đánh giặc. Mẹ lại gật đầu đồng ý. Mẹ rưng rưng: “Hai lần tiễn đưa con là hai lần Mẹ đau xót nhưng vẫn phải mỉm cười để con an tâm làm nhiệm vụ. Cứ thế, con rể, cháu họ trong nhà lần lượt lên đường đi tập kết đều do một tay Mẹ chuẩn bị đồ đạc. Tổ quốc cần, các con phải đi…”.
Chia tay các con không lâu, mảnh đất quê hương bị giặc đêm ngày giày xéo đạn bom, Mẹ cùng dân làng chạy tản cư, tiếp tục cùng chồng góp sức nhỏ bảo vệ tấc đất Tổ quốc. “Rời làng xóm, nỗi nhớ con cứ đeo bám lòng Mẹ mãi nhưng Mẹ cố gắng nuốt nước mắt vào lòng, không dám hỏi thăm tin con, sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của kháng chiến…”, Mẹ khóc.
Đáp lại nỗi ngóng đợi của Mẹ là hung tin theo nhau tìm về. Năm 1967, anh Trương Công Nhâm, tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh. Năm 1973, anh Trương Công Kỷ, y tá quân y, hy sinh. Chừng như bao nhiêu gồng gánh thời bom đạn vỡ tan, Mẹ trào nước mắt: “Đồng đội con đến nhà đưa tin, cứ ôm Mẹ khóc, nói rằng: “Mẹ ơi, Kỷ mất khi đang ôm 2 khẩu súng trong lòng…”. Còn đứa thứ bảy, đến giờ gia đình Mẹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, chỉ có thể lập mộ gió cho con…”.
Nay, Mẹ đã 95 tuổi, run rẩy nắm lấy tay chồng chỉ mơ một điều vô cùng giản dị: “Ông bây giờ yếu lắm, đi đứng đều không vững, nhớ nhớ quên quên. Mẹ chẳng mong gì hơn, chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc chồng những ngày cuối đời…”. Suốt cuộc đời Mẹ, chưa một lần nghĩ cho riêng mình!
3. Bao nhiêu biệt ly và sum họp, bao nhiêu đau thương tưởng chừng gục ngã, vậy mà, tâm sự của những người từng sống giữa một thời hoa lửa chẳng tìm thấy chút dấu vết nào bi lụy hay luyến tiếc. Với họ, vượt lên tất cả là tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc. Và những mùa ngóng đợi, khắc khoải về một ngày sum họp luôn được giấu kín tận đáy lòng.
Qua các thời kỳ kháng chiến, huyện Hòa Vang đã ghi dấu hùng anh trên trang sử nước nhà. Đất và người Hòa Vang kiên cường ngăn chặn bước chân xâm lược của Pháp - Tây Ban Nha. Khi Mỹ đổ bộ, Hòa Vang lại biến thành chiến trường ác liệt, thường xuyên bị đạn bom cày đi xới lại. Với tinh thần bất khuất, quân và dân Hòa Vang đã anh dũng chiến đấu giữ đất, giữ làng. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, toàn huyện có 849 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 809 Mẹ đã từ trần), 4.087 liệt sĩ, 1.119 thương, bệnh binh và hàng ngàn gia đình được Nhà nước tặng hưởng Huân, Huy chương kháng chiến. |
TRÂM ANH