.

Phía trước, còn bao điều tốt đẹp

PGS,TS Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) ra đi đột ngột vào cuối tuần qua ở độ tuổi 53. Đây quả là sự mất mát quá lớn không chỉ với đối với gia đình mà  đối với ngành y tế nói riêng và cả nước nói chung.

16 năm miệt mài nghiên cứu, đến năm 2011, PGS,TS Luân đã sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota gây ra cho trẻ em. Sản phẩm chính thức lưu hành trên thị trường Việt Nam kể từ đó với tên gọi Rotavin-M1. Thành tựu này đưa Việt Nam trở thành một trong bốn nước trên thế giới có thể tự sản xuất vắc-xin Rota, và bà được xướng tên trong Giải thưởng danh giá tôn vinh các nhà khoa học nữ Việt Nam-Kovalevskaia năm 2013.

Cái lợi trước mắt là hiện nay giá thành của vắc-xin này rẻ hơn rất nhiều so với các loại thuốc nhập ngoại đang lưu hành trên thị trường. Cụ thể theo Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, hiện có 3 loại Rota phổ biến là loại của Bỉ 855.000đồng/lần; Mỹ 610.000 đồng/lần và Việt Nam 330.000 đồng/lần. Trong khi đó, vắc-xin Rotavin-M1 Việt Nam đạt tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới và có chất lượng tương đương với vắc-xin Rotarix của Bỉ.

Không dừng ở kết quả trên, PGS,TS Lê Thị Luân đang tiếp tục nghiên cứu những khâu cuối cùng và hoàn thiện vắc-xin bại liệt bất hoạt, vắc-xin đa giá và vắc-xin tay-chân-miệng. Đặc biệt, từ lâu nay, tay-chân-miệng, một loại bệnh nghiêm trọng đang hoành hành và ngày càng phổ biến ở trẻ lại chưa có vắc-xin dự phòng. Nếu sản phẩm của bác sĩ Luân ứng dụng thành công thì sẽ là một kỳ tích. Thật quá nuối tiếc khi bà không thể đi đến cùng những điều tốt đẹp phía trước...

Dù tên tuổi lẫy lừng là vậy, nhưng dường như chỉ đến khi bác sĩ Luân mất đi mới thấy tên bà và những giá trị nghiên cứu khoa học của bà được nhắc nhiều trên mặt báo. Trước đó, cái tên “PGS,TS Lê Thị Luân” còn khá xa lạ với nhiều người. Những ngày này, rất nhiều người đã thốt lên sau khi đọc vài dòng sơ lược thông tin bà mất: Một con người như vậy sao lâu nay ít mấy khi thấy báo chí nói đến!

Người ta vẫn nói, thời đại báo chí thị trường, bạn đọc “like” gì, người viết cung cấp thông tin đó. Nhưng ngay cả những tờ báo được cho là chính thống, không sa đà “lá cải”, thì những chuyện “râu ria” như thế cũng ngày càng nhiều lên và gần như được mặc định đó là thông-tin-báo-chí!

“Nhai đi nhai lại” chuyện những người đẹp chưa chán, nhiều bài báo còn cất công “đi tìm lời giải” sự xuống dốc cuộc đời nghệ sĩ Thương Tín, sự lột xác của ca sĩ Hoàng Thùy Linh... Báo chí còn “vượt rào” bình xét, suy đoán để mô tả từng tình tiết vụ giết người ghê rợn ở Bình Phước qua hàng chục số báo chưa thôi. Trong khi chức năng của nhà báo ở những trường hợp này chỉ là phản ánh khách quan vụ việc.

Ngay cả khi thông tin về PGS,TS Luân qua đời  đăng trên các báo, phóng viên cũng dường như bị mắc “bệnh nghề nghiệp” nên cách đặt tít có phần gây sự chú ý, mà quên yếu tố gia công câu chữ để trân trọng và xứng tầm với nhân vật. Nhiều người cũng là nhà báo, khi đọc các tít “Tác giả vắc-xin ngừa tiêu chảy…”, “Cha đẻ vắc-xin Việt Nam…” v.v… cảm thấy hơi buồn, giá như những dòng tiêu đề này được chắt chiu hơn nữa.

Báo chí đang viết gì? Ừ thì báo chí là “hơi thở” cuộc sống nên cái gì trong cuộc sống cũng đều có thể đưa lên báo. Biết vậy, nhưng có phải viết báo “nghiêm túc” thì khó bán báo hơn? Có thật là người đọc chủ yếu chỉ thích những điều ồn ào, tiêu cực? Ai cũng hiểu trong xã hội luôn tồn tại song song cái thiện-cái ác, cái đẹp-cái xấu. Tuy vậy, trên mặt báo, có vẻ cuộc sống thường "chênh" về một phía, để rồi chỉ khi những điều đẹp đẽ mất đi, ta mới nhận thấy, lẽ ra cần dành nhiều giấy mực và dung lượng để  ca ngợi, động viên những giá trị thật này nhiều hơn thế.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.