.

Sức mạnh một bức thư

.

Đây là một văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại, nhưng để có thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, từ 4 năm trước đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết một bức thư mà ý nghĩa của nó chưa phải ai cũng đã nhận biết một cách đầy đủ.

Nhà thơ Huy Cận ngồi bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh ở  chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu)
Nhà thơ Huy Cận ngồi bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu)

Trong các dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta thường nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại cuộc mít-tinh có nửa triệu đồng bào tham dự tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945. Đây là một văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại, nhưng để có thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ 4 năm trước đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết một bức thư mà ý nghĩa của nó chưa phải ai cũng đã nhận biết một cách đầy đủ.

Đó là “Thư gửi đồng bào” của Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941.

Hơn 70 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám-1945 của dân tộc ta. Không ít người tỏ ra ngạc nhiên và thán phục về sự thắng lợi một cách ngoạn mục của Cách mạng Tháng Tám; hầu như trên khắp đất nước, cách mạng giành thắng lợi mà không phải đổ nhiều máu. Đã đành, một sự kiện lớn như Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công có nhiều nguyên nhân, ví như nhờ Việt Minh khéo chớp thời cơ phe đồng minh thắng phát-xít Nhật, quân Pháp sau ngày Nhật đảo chính thì đã mất hết nhuệ khí… Nếu vậy thì vì sao nhiều nước có điều kiện tương tự lại không giành được độc lập dịp đó như Việt Nam?

Mở lại những trang sử về giai đoạn đặc biệt đó của dân tộc Việt Nam, tôi đã tìm thấy câu trả lời thích đáng, khi đọc lại “Thư gửi đồng bào” của Nguyễn Ái Quốc, viết ngày 6-6-1941. Xin được trích vài đoạn văn kiện quan trọng này:

“Cùng các vị phụ lão!
Cùng các vị chí sĩ!
Cùng các giới sĩ, nông, công, thương, binh!
Cùng toàn thể đồng bào yêu quý!

… Hơn hai mươi triệu con Hồng cháu Lạc, quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế. Bảy tám chục năm nay, dưới gót sắt của giặc Pháp, chúng ta đã không ngừng hy sinh phấn đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc ta. Tinh thần anh dũng của các bậc tiền bối Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến, vẫn đây; sự tích của các nghĩa sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ Tĩnh còn mãi…

...Hỡi đồng bào yêu quý! Mấy trăm năm trước, đúng lúc nước ta gặp nguy lớn vì quân Nguyên xâm lấn cõi bờ, các cha ông đời Trần đã hăng hái kêu gọi con em cả nước nhất tề giết giặc, và cuối cùng đã cứu được dân ta khỏi bước nguy nan, để danh thơm muôn thuở…

… Hỡi tất cả các phú hào, binh sĩ, thợ thuyền, dân cày, nhà buôn, công chức, thanh niên, phụ nữ một lòng yêu nước!

Giờ đây công cuộc giải phóng dân tộc là cao hơn tất cả! (*)...

…Thời cơ đã đến! Hãy giương cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đổ Pháp, Nhật! Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang  vang dội bên tai chúng ta! Máu nóng của các bậc tiên liệt đang sôi sục trong tim chúng ta!...”.

Hơn 70 năm đã qua, từ ngày tiếng gọi thiêng liêng ấy được truyền đi khắp đất nước mà hôm nay đọc lại, lòng vẫn xúc động, vẫn muốn đứng lên, gạt bỏ mọi trở ngại, tiến bước theo gương các vị tiền bối khi đất nước còn nô lệ. Chỉ riêng mấy hàng mở đầu bức thư, với sự trọng thị trước hết dành cho các vị phụ lão, các chí sĩ rồi mới đến sĩ, nông… chứng tỏ đức độ, nhân cách của lãnh tụ, đã có sức hấp dẫn lớn lao đối với quần chúng nhân dân. Hơn thế, sau khi kêu gọi nhân dân “Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”, bức thư đã viết: “…Ái Quốc tôi nguyện mang hết sức của tuổi già đi theo các vị, dầu cho thịt nát xương tan cũng không tiếc”. Trước lời thề quyết liệt mà khiêm tốn như thế của lãnh tụ, người có lòng yêu nước, không ai có thể khoanh tay ngồi yên khi thời cơ đến.

Bức thư cũng chứng tỏ những người cách mạng luôn trân trọng và không bao giờ quên lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, từ thời Trần với chiến thắng vĩ đại đánh bại quân Nguyên-Mông cho đến khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Yên Bái… Và quan trọng hơn nữa, có thể nói bức thư lần đầu tiên đã thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, nghề nghiệp… của Việt Minh - một chính sách được thực hiện ngay trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và được tiếp nối trong đường lối của Chính phủ Cụ Hồ khi giặc Pháp quay trở lại hòng chiếm nước ta một lần nữa.

 “Thư gửi đồng bào” nồng nhiệt, tha thiết của lãnh tụ, thể hiện rõ đường lối sáng ngời đại nghĩa cách mạng đã có sức cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân quanh Mặt trận Việt Minh, tạo nên sức mạnh vô địch, dù chưa có bao nhiêu súng đạn trong tay. Chính nhờ thế mà vua Bảo Đại đã không ra lệnh cho đại đội lính khố vàng nã súng vào hai sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế khi họ hạ cờ quẻ ly của nhà vua, treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế ngày 21-8-1945 và hầu như khắp mọi địa phương, những người cách mạng đã giành được chính quyền êm thấm và cuộc Cách mạng Tháng Tám-1945 đã thành công trong cả nước một cách nhanh chóng khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.

Thiết nghĩ, khi nghiên cứu những bài học từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 70 năm trước, không thể không nhắc đến “Thư gửi đồng bào” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc 4 năm về trước, một sự chuẩn bị cả về tư tưởng, tổ chức và lực lượng một trong những nguyên nhân quan trọng đã đưa Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công trọn vẹn. Đường lối đại đoàn kết dân tộc và đức độ của lãnh tụ thể hiện qua “Thư gửi đồng bào” 74 năm trước vẫn là tấm gương sáng, là bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước không ít thách thức hiện nay…

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(*) Dòng chữ nhấn mạnh theo nguyên bản in trong sách “Vì Độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội” của Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, 1970.

;
.
.
.
.
.