.

Thơ khắc trên bia mộ các nhà thơ

.

Trên thế giới, việc khắc thơ lên bia mộ là một mỹ tục đã có từ lâu đời. Ngoài thơ người ta còn khắc câu đối, đoản văn, những lời nhắn gửi của người đã khuất. Hiện nay ở nước ta có lẽ thơ là thể loại được khắc trên bia mộ nhiều nhất.

Tác giả bài viết bên lăng mộ nhà thơ Phùng Quán.
Tác giả bài viết bên lăng mộ nhà thơ Phùng Quán.

Tôi chưa đến nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình (Tây Ninh), nhưng nghe nói trong nghĩa trang này có tới hàng ngàn bài thơ, phần lớn là thơ thuê viết hoặc lấy từ ca dao, hò vè, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên... rồi cải biên cho phù hợp công đức, tính cách của người quá cố.

Với các nhà thơ thì khác. Một số nhà thơ đã chuẩn bị sẵn những bài thơ, những  câu thơ sẽ khắc trên bia mộ của chính mình. Đến khi nằm xuống, gia đình, bạn bè cứ theo thế mà làm. Nhà thơ Nguyễn Khuyến dặn dò con cháu: Việc tống táng nhung nhăng qua quýt/ Cúng cho Thầy một ít rượu hoa/ Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu. Tôi chưa có dịp viếng mộ Tam Nguyên Yên Đỗ nên không biết con cháu nhà thơ có làm đúng theo ý nguyện của nhà thơ không. Bích Khê (1916-1946) trước khi mất cũng đã kịp soạn cho mình bài Thơ đề trên bia mộ như sau: Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng/ Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi. Tôi từng đến Thu Xà (Quảng Ngãi) viếng mộ Bích Khê và vô cùng xúc động khi nhìn thấy bài thơ này được khắc một cách trang trọng trên bia mộ nhà thơ. Tôi tưởng như hồn nhà thơ đang hiện về trên từng nét chữ.

Chiều hôm đó, ngay bên phần mộ Bích Khê, Tạ Văn Sỹ bộc bạch với tôi rằng anh cũng đã có thơ viết sẵn để khắc trên bia mộ của mình. Và anh đọc bằng chất giọng khàn khàn, trầm đục: Họ tên: Tạ Văn Sỹ/ Sinh một chín năm lăm/ Xong một đời vô vị/ Nằm ngẫm chuyện ngàn năm. Chắc còn nhiều nhà thơ đã chuẩn bị sẵn thơ để khắc trên bia mộ mình, nhưng tiếc là tôi chưa được đọc. Học theo cách Bích Khê và Tạ Văn Sỹ, tôi cũng muốn viết sẵn vài câu để khắc trên bia mộ của mình sau này, nhưng đã mấy năm trôi qua mà vẫn chưa viết được câu nào cho thật ưng ý. Viết được những câu thơ để khắc trên mộ mình quả không dễ. Ngoài một vài nhà thơ đã viết sẵn như Bích Khê, Tạ Văn Sỹ... thì hầu hết thơ khắc trên bia mộ các nhà thơ là do gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đoàn thể chọn lọc từ những bài thơ, những đoạn thơ, những câu thơ của người đã khuất.

Trên bia mộ nhà thơ Phạm Hầu (ở cạnh chùa Vạn Phước, T.P Huế) khắc nguyên cả bài Vọng Hải đài, trong đó có hai câu nổi tiếng:

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?

Còn ở lăng mộ nhà thơ Phùng Quán (tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) thì khắc một đoạn trong thi phẩm Lời mẹ dặn:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX (11-7-2015), tôi và Hoàng Vũ Thuật lưu lại Hà Nội ghé thăm thầy giáo cũ và bạn bè. Trên chuyến xe buýt từ nhà khách La Thành (quận Ba Đình) đến khu tập thể Đồng Xa (Mai Dịch), Hoàng Vũ Thuật đã kể với tôi câu chuyện chọn thơ khắc trên phần mộ Hải Kỳ. Đầu tiên gia đình Hải Kỳ định lấy hai câu Đề từ trong Tuyển tập Hải Kỳ (NXB Thuận Hóa, 2012): Tôi xin đăng ký dại khờ/ Để khôn ngoan chết bên bờ sông Thương. Hai câu thơ này được rút trong bài Đồng vọng.

Ban đầu Hoàng Vũ Thuật cũng đồng ý,  sau đó nghĩ lại, anh thấy hai câu trên hay thì hay thật nhưng chọn để khắc bia mộ có lẽ chưa được phù hợp cho lắm. Theo anh:  những ai “khôn ngoan” đến viếng phần mộ Hải Kỳ rất dễ hiểu nhầm, bởi đây là hai câu thơ có nghĩa hàm ẩn. Hải Kỳ tự nhận mình “ngu ngơ”, “dại khờ” để thương yêu người đẹp và  để được người đẹp yêu thương. Đó chính là cái “khôn ngoan chết bên bờ sông Thương” của thi sĩ mà không phải bất cứ ai cũng nhận ra. Anh bàn với gia đình nên chọn những câu khác thích hợp hơn. Hoàng Vũ Thuật điện vào Huế hỏi ý kiến Ngô Minh và sau một hồi bàn bạc, hai anh nhất trí chọn hai câu trong bài Tôi và em với Thiên An: Chao ôi, cây nối liền cây/ Người sao chẳng biết cầm tay với người. Nhưng khi gia đình hỏi lần cuối để chuẩn bị thuê người khắc thì Hoàng Vũ Thuật lại cảm thấy không thật sự yên tâm. Đây là hai câu nặng chất thế sự hơn là tình yêu. Mà thơ tình mới đúng chất Hải Kỳ. Anh hẹn gia đình lùi cho anh một vài hôm để anh tiếp tục kiếm tìm, lựa chọn. Cuối cùng anh quyết định chọn hai câu trong bài Nếu ngày tôi chết được Hải Kỳ viết trước khi mất đúng 2 tháng: Hồn tôi gửi gió vào cây/ Và cây sẽ hát như ngày tôi yêu.

Chọn thơ khắc trên bia mộ nhà thơ là một việc làm vô cùng linh thiêng nên phải hết sức cẩn trọng. Ấy thế mà đâu đó vẫn có tình trạng viết bừa, viết ẩu, không chỉ sai lỗi chính tả mà sai cả những từ ngữ của chính tác giả. Điển hình là trường hợp khắc thơ trên bia mộ Trần Tế Xương. Trong 2 câu thơ đề ở mặt trước bia của chính Trần Tế Xương được khắc như sau: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò. Cụ Tú Xương mà sống  lại chắc cụ buồn lắm lắm. Bởi cụ dùng chữ “còn” chứ đâu phải chữ “lại”. Chỉ cần khắc sai một chữ là “giết chết” cả một câu thơ, thậm chí cả bài thơ.

Gần đây,  một số địa phương khi xây dựng nghĩa trang,  tượng đài, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã lựa chọn những bài thơ, những câu thơ phù hợp để khắc trên những tấm bia, như bài Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng. Còn nhà tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị khắc bốn câu thơ của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Tiếc là không hiểu vì lý do gì mà tên tác giả Lê Bá Dương đã bị đục, rất nhiều người thắc mắc nhưng vẫn chưa có ai đứng ra giải thích.

MAI VĂN HOAN

;
.
.
.
.
.