Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.
(Chỉ thấy mây giăng ba đỉnh ngất
Biết người ở mấy lớp trời xa)
Rằm tháng bảy, trăng vời vợi mông lung. Gã làm thơ có cái tên rất lạ là Lại Phiền Hà, nhấp rượu ngâm nga 2 câu thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chu – thuở ngài vi hành qua Hải Vân quan, thưởng lãm núi cao biển lớn. Thường khi có vài ngụm rượu với bạn bè, gã thơ thường lôi thơ của mình ra đọc nhưng không hiểu sao lần này gã lại cao hứng mượn thơ người khác mà gác chén tiêu linh.
Gần 40 năm lên xuống con đèo ngăn cách Đà Nẵng với Thừa Thiên- Huế kể từ sau ngày giải phóng miền Nam 1975 đến nay, tôi nhặt được vô khối chuyện dưới chân tòa quan ải từng lưu dấu vân du của các bậc tiên thiên, hoàng đế nhưng mỗi khi có ai bảo nhặt thêm chút gì đó về con đèo, tôi lại nghĩ ngay đến gã thơ họ Lại.
Quê gã thơ là vùng đất có tiếng học hành và cũng là nơi phát tích của nhiều thi nhân đáng nể ở Hà Nam. Gã thơ từ miền quê xứ Bắc đến dải đất mịt mù cát trắng, mênh mang mồ mả Nam đèo Hải Vân khi miền Nam vừa giải phóng, làm nghề lái xe cho Cục vận tải ô-tô số 6, chuyên chở hàng quá cảnh sang Lào.
Quan ải trên đỉnh Hải Vân. |
Bao nhiêu năm tháng ở Đà Nẵng, tôi chỉ có 2 bạn rượu là thằng Địa, chuyên đào huyệt chôn người chết ở nghĩa trang Gò Cà và Lại Phiền Hà, chuyên phục vụ vệ sinh cho khách dưới chân tòa quan ải có tự đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, tương truyền do Hoàng Lê Thánh Tông ban tặng khi ngài dừng chân ngự lãm vào năm Canh Thìn 1470.
Thằng Địa sẵn tiền, nhậu quá sinh bạo bệnh, khuất núi đã lâu, chỉ còn gã thi nhân tâm đắc vênh vang với việc “lấy lỗ làm lãi”, (phục vụ vệ sinh) cho khách qua lại con đèo trên hành trình thiên lý Bắc - Nam. Lái xe thời bao cấp vô cùng danh giá nên vào khoảng đầu những năm 1990 - khi Lại Phiền Hà quyết định không lái xe nữa, bán nhà, bán đất lên đèo Hải Vân vỡ đất làm công trình vệ sinh, nhiều người đã quy kết gã mắc tội “hâm”. Ba cây vàng bán đất, bán nhà, gã thơ chia cho vợ một nửa, nửa kia cầm lên đèo xây nhà vệ sinh.
Có thể nói công trình vệ sinh của Lại Phiền Hà là công trình phục vụ nhu cầu văn minh (đại – tiểu tiện) đúng nơi, đúng chỗ đầu tiên ở đèo Hải Vân. Vài trăm khách qua lại con đèo mỗi ngày đều thầm cảm ơn gã đàn ông họ Lại và họ cũng được chàng thơ tặng tấm danh thiếp mặt trước in tên tuổi, địa chỉ công trình vệ sinh, mặt sau in mấy câu thơ do gã làm lúc cao hứng: Tôi là thi sĩ báo không ưa/Gánh nặng hai vai những sự đời/Để thân cho gió mưa mây phủ/Dọn rác phân hôi miệng vẫn cười/Xin bạn đừng cười mà suy ngẫm/Cái tên tự đặt Lại Phiền Hà.
Sự phiền lớn nhất mà gã thơ phải đón nhận có lẽ ở mấy câu thơ trên danh thiếp vì thời ấy, quan điểm của một vài lãnh đạo cấp xã chưa được thoáng như bây giờ. Họ ngại mấy câu thơ của Lại Phiền Hà dịch sang tiếng Tây sai ý tứ theo kiểu “tiếng chuông Thiên Mụ súp (canh) gà Thọ Xương”, không hay ho lắm nên cấm gã in thơ trên danh thiếp, phát cho du khách.
Một góc Không gian đẹp mới tạo dựng của Lại Phiền Hà. Ảnh: D.T.T |
Gọi Lại Phiền Hà là thi nhân bởi ngày nào gã cũng làm thơ. Những vần thơ rặt nỗi đời, nỗi phiền nhưng cũng đầy ắp lạc quan của gã, dù chưa được nhà xuất bản hay tờ báo nào nhận in thì tự gã, gã vẫn có niềm tin rằng một ngày nào đó, tên tuổi thi nhân Lại Phiền Hà sẽ lấp lánh trên thi đàn theo một trường phái mới - ngang ngửa với những vần thơ của ông Bút Tre!
40 năm là quãng thời gian quá dài trong một đời người - nhất là với đời người làm thơ. Mới ngày nào tôi lên chơi, nghe Lại Phiền Hà đọc mấy câu thơ, sáng tác khi cô con gái út vừa chào đời được gã đặt tên là Tèn Ten: Tèn Ten ơi!? Nếu một ngày cha không còn bên con nữa/ Thì mặt trời kia có nghĩa gì đâu/Giọt nắng vàng rớt xuống hố sâu/Vẫn chói lọi lên mầm non mới. Giờ lên lại, Tèn Ten đã là thiếu nữ xinh tươi, buôn bán với khách du lịch toàn bằng tiếng Anh.
Lại Phiền Hà tự hào với cô con gái Tèn Ten, tự hào với tất cả những gì mà mình đã gây dựng, đã sáng tạo ra cho cái gia đình nhỏ trên đỉnh đèo Hải Vân. Nói Lại Phiền Hà sáng tạo chẳng có gì sai bởi không ai như gã, dám gọi người vợ tần tảo dịu dàng bằng cái tên Mụ Mắm. Con cái, đứa là Bờm, đứa là Bớp, đứa là Bợm, đứa cuối cùng là Tèn Ten. Lên xuống con đèo, rượu chè với thi nhân họ Lại, tôi nghiệm ra rằng gã là kẻ vừa có tất cả vừa như chẳng có gì.
Thành quả lao động bao nhiêu năm trời của gã giờ là một cửa hàng cho vợ con buôn bán. Gã lui dần vào trong, lại bạt núi, lại mở mang tạo dựng nơi ngắm cảnh mới cho du khách, đặt tên là “Không gian đẹp” (Niceview). Nếu như ngôi nhà hàng chục mét mặt tiền ở phía Nam con đèo xây vào năm 2008, được Lại Phiền Hà đúc tấm biển bê-tông lớn với dòng chữ: Chủ nhân Lại Thanh Hà (tên cha mẹ đặt cho gã thơ thuở cắp sách đến trường); thì tại Niceview trên đỉnh đèo, gã thơ cũng làm tấm bảng bê-tông khẳng định tên chủ nhân Lại Thanh Hà với du khách. Đứng từ Niceview của chàng thơ, khách có thể mặc sức ngắm nhìn trời biển bao la hay ngồi đối ẩm hàng giờ với gã thơ kỳ quái.
Công trình vệ sinh của nhà Lại Phiền Hà đã qua thời kỳ “quá độ”, khách vào ra thoải mái như ở nhà mà không tốn tiền. “Thời buổi này ai còn thu tiền chuyện ấy của khách nữa”. Lại Phiền Hà bảo vậy. Khách vào vui thú ở Niceview cũng không phải trả tiền. Hỏi gã thơ tiền đâu để sống, tôi nghe gã thủng thẳng bảo mình vẫn chưa thiếu tiền. Gã thơ không bận lòng chuyện tiền nong, chỉ mong người đời hiểu, ủng hộ cho ý đồ tốt của gã, để khách dừng chân đỉnh đèo có chỗ ngắm nhìn trời biển mênh mông mà không tốn kém.
Lại Phiền Hà lên đèo tạo dựng cơ ngơi lúc tóc còn xanh, giờ đã ngấp nghé tuổi thất thập. Ngày ngày đối diện với tòa quan ải, Lại Phiền Hà thấy lòng trống trải khi thấy nó ngày một xuống cấp, nhếch nhác trong sự thờ ơ của những cơ quan có trách nhiệm về thắng tích. Dù không phải là hướng dẫn viên nhưng khi ai đó hỏi về tòa quan ải đều nghe gã thơ vanh vách, trơn tru rằng quan ải này gọi là Hải Vân quan, xây từ đời Trần, trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7-1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”…
Gã còn dẫn ra cả sách Đại Nam thực lục chính biên rằng tòa quan ải “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước (khoảng 6 mét), ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau.
Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”.
Lai lịch quan ải như thế nhưng bị bỏ mặc trong mưa nắng, mây mù, sương lạnh suốt 40 năm qua bởi một điều đơn giản, cả Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đều muốn nó thuộc về địa phương mình. Vì lý do này mà Hải Vân quan sau 40 năm vẫn chưa được xếp hạng.
Cuộc mưu sinh gần nửa thế kỷ của Lại Phiền Hà gắn với đèo Hải Vân, yêu mến con đèo đến quắt quay nên lắm lúc người ta thấy gã ngồi tư lự hàng giờ, nhấp chén đưa cay, chống cằm rơi lệ vì nghe đám trẻ lên chơi dưới chân quan ải nói với nhau “đây là nơi Trịnh – Nguyễn phân tranh”. Cơn cớ gì đám trẻ được học hành cẩn thận thời bây giờ lại có thể nhầm lẫn về lịch sử máu xương của dải đất hình chữ S một cách đầy tệ hại đến như thế?!
Phóng sự của Dương Thanh Tùng