.

Khỏe theo... báo, đài!

Chưa bao giờ báo giấy, báo mạng, đài truyền hình, đài phát thanh, Internet lại đa dạng lượng thông tin sức khỏe như ngày nay. Làm sao để khỏe hơn, đẹp hơn đang là mối quan tâm của nhiều người, và báo chí dĩ nhiên không đứng ngoài nhu cầu tìm hiểu thông tin của công chúng.

Không nhất thiết đến gặp trực tiếp bác sĩ, bây giờ từ chuyện ăn trái cây gì buổi sáng, nên uống mấy cốc nước sau tập thể thao, ngủ tư thế nào cho sâu giấc, đến những chuyện đau ốm khó nói nên lời, người bệnh đều có thể tìm kiếm sự tư vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cái hay của “bác sĩ truyền thông” là sự… dễ tính. Các “bác sĩ” và “chuyên gia” chẳng bao giờ ca thán quá tải, mệt mỏi để phải tích cực nói ít, hạn chế nói nhiều. Ngược lại, bạn đọc, người xem thắc mắc càng nhiều, quan tâm càng nhiều, “chuyên gia tư vấn” càng vui.

Các kênh thông tin còn đua nhau tạo sức hấp dẫn, lôi kéo nhiều người theo dõi bằng nhiều hình thức như kết nối điện thoại đến tận nhà, thậm chí mời cả những cây hài, ca sĩ tên tuổi tới giao lưu để gây sự chú ý. Đối với thể loại báo giấy, bác sĩ tư vấn ngoài khả năng chuyên môn, còn phải là người có giọng điệu hóm hỉnh, cách viết gần gũi để người đọc chịu khó lưu lại vài phút trước khi nhanh tay lật sang trang khác.

Tìm đến “bác sĩ truyền thông”, những người bệnh “nặc danh”. không ngại tâm tư về bệnh tình thầm kín như bệnh phụ nữ, hậu họa của chuyện trai gái, v.v... Hơn nữa, nhiều người không mang bệnh, nhưng theo dõi chuyện người khác đôi khi cũng rút ra những kiến thức hay ho cho bản thân và gia đình.

Nghe báo, đài nói riết rồi không biết từ bao giờ đã hình thành một lượng khán thính giả, độc giả “trung thành” - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với các mục tư vấn sức khỏe trên truyền thông.

Một bà cụ 70 tuổi ngày nào nói về chủ đề ăn uống với các con cũng bắt đầu bằng ba từ “ti-vi nói”. “Ti-vi nói ăn ngày 3 trái chuối giúp mình lâu già”; “Ti-vi nói ăn táo đều đặn mỗi ngày sẽ ngừa ung thư”; “Ti-vi nói ăn bí đỏ bổ não”, v.v… Và cứ hễ “ti-vi nói”, bà lại tích cực ăn vì tin rằng ăn vào chỉ có tốt trở lên. Có hôm bà mang về cả ba loại lá để nấu ba loại nước uống vì “mới nghe một nhà nghiên cứu nói chè xanh rất tốt cho sức khỏe, nhất là bệnh khớp; mới nghe lá vối uống vào làm giảm lượng mỡ trong cơ thể và cả mới nghe uống lá cải mỗi ngày thì chữa được nhiều bệnh”… Mấy đứa con nhỏ nhẹ can ngăn vì sợ thông tin nào mẹ cũng tin răm rắp thì hết chỗ… ăn cơm.

Không riêng người cao tuổi, những người trẻ cũng cực kỳ khoái sự tiện lợi của hình thức “đoán bệnh từ xa”. Nhất là những người có con nhỏ, thôi thì đài, báo, mạng không khác gì “bác sĩ nhi” thiết thân của họ.

Con trai được 4 tháng tuổi, người mẹ trẻ quyết định cho ăn dặm để bé săn chắc theo cách dạy của ông bà ngày xưa. Nhiều bạn bè khuyên cứ để bé bú sữa hoàn toàn một thời gian nữa, chị cũng mặc kệ. Thế nhưng một hôm xem tư vấn trên đài, nghe bác sĩ dinh dưỡng nói bé ăn sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển chiều cao sau này, chị mới giật mình nhận là đã sai…

Hay thì thiệt là hay, mà báo, đài, mạng cũng có cái… kỳ. Nay nói kiểu này, mai lại nói kiểu khác. Đại loại báo chí chỗ này nói cà-phê tốt cho tim mạch, chỗ khác lại dẫn nguồn tin nghiên cứu nào đó nói uống một ly cà-phê mỗi ngày tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ. Tóm lại uống cà-phê thì tốt hay xấu?

Có thông tin đưa bằng chứng đắp một lát khoai tây lên vết tiêm ở da trẻ nhỏ giúp giảm sưng đau, thì chỗ khác dẫn lời chuyên gia khẳng định khoai tây có thể gây nhiễm trùng vết tiêm, v.v… Phải nói là chẳng biết đường nào mà lần!

Một phóng viên (đề nghị giấu tên) phụ trách mảng tư vấn sức khỏe của một tờ báo rất thịnh hành trên thị trường chia sẻ rằng, báo chí ngày nay do phải chạy đua thông tin nên đôi khi đưa tin không chính xác, dẫn tới những hậu quả xấu. Vấn đề sức khỏe, liên quan trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, thậm chí mạng sống của con người, cần thật thận trọng. Mỗi một thông tin đưa lên mặt báo đều phải được kiểm chứng. Đối với các thông tin quốc tế, chẳng hạn những công bố nghiên cứu trong ngành y cũng phải căn cứ vào các nguồn chính thống, không dựa vào lời đồn đại trên mạng xã hội hoặc ở các trang kém uy tín.

Dù thông tin đã được sàng lọc trước khi đưa đến bạn đọc, nhưng bản thân độc giả cũng phải “lọc” một lần nữa trước khi áp dụng hay thực hành. Bởi tin tức dù sao cũng chỉ để tham khảo, không nên dựa vào đó rồi tự chẩn đoán và điều trị bệnh. Những điều bác sĩ nói trên báo chỉ là những đúc kết chung nhất về một bệnh lý. Còn mỗi cơ thể sẽ có một kiểu bệnh và kiểu điều trị khác nhau. Ví dụ một người bị viêm họng kèm đau bao tử, huyết áp cao sẽ được chỉ định các loại thuốc khác so với người bị viêm họng mà không đau bao tử và huyết áp bình thường…

Hay thì thiệt là hay mà cũng phải “cẩn thận trước khi dùng”, đó không chỉ là “câu thần chú” trong mỗi vỉ thuốc, mà thật sự cần ghi nhớ sau mỗi lời tư vấn, hướng dẫn nói chung về vấn đề sức khỏe trên các phương tiện truyền thông.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.