.
Nghĩ

Cần một lời nói rõ

Khăn ướt sản xuất trong nước và khăn ướt nhập từ Trung Quốc được các công ty “lên đời” với cái mác hàng ngoại Úc, Malaysia, Singapore v.v… vừa bị bóc trần sự thật và thực hiện thu hồi hàng loạt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, các cửa hàng, siêu thị vẫn bày bán vô vàn khăn ướt và nhiều loại trong số đó có “bà con” với các sản phẩm vừa thu hồi, như cũng có nguồn gốc từ một công ty, hoặc có tên, màu sắc bao bì khá giống. Điều này khiến các “tín đồ” khăn ướt rơi vào tình cảnh dùng mà nơm nớp lo suốt mấy ngày qua.

Người tiêu dùng khăn ướt thắc mắc không biết những loại đang bày bán tại Đà Nẵng có thuộc nhóm những sản phẩm bị thu hồi không? Nếu là loại bị thu hồi sao vẫn còn bày bán tràn lan? Còn nếu không thuộc nhóm thu hồi thì cần phải làm sao để phân biệt được hàng thật, hàng kém chất lượng khi hình thức, tên gọi và màu sắc bao bì khăn ướt giống nhau gần như đúc?

Với những người không thường xuyên sử dụng khăn ướt, chuyện thật - giả chẳng có gì ghê gớm, bởi cùng lắm là từ ít dùng họ chuyển sang khỏi dùng. Nhưng với những người luôn luôn có khăn ướt bên mình như một thói quen sinh hoạt không thể thiếu, điều họ bận tâm là làm sao mua đúng khăn ướt bảo đảm chất lượng.

Một khách hàng ruột của khăn ướt kể rằng, nghe thông tin khăn ướt bị tố mù mờ về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, chị tự nhắc mình phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn. Biết vậy, nhưng khi vào siêu thị, cửa hàng, chị thấy đầy rẫy những thương hiệu, nhãn hàng đang bị phanh phui lùm xùm vẫn được bày bán như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chị không hiểu đây là những sản phẩm được phép lưu hành, hay là vì cơ quan chức năng chưa “đụng” đến?

Cũng vì tự nhắc mình phải “là người tiêu dùng thông thái”, nên lần này đi mua khăn ướt, ngoài nguồn gốc xuất xứ, chị còn chú ý đến mã vạch-cái mà chị chưa bao giờ quan tâm, mà có quan tâm cũng không thể biết hết những con số “893”; “890”; “932” v.v… là số mã vạch của những nước nào.

Trường hợp nếu biết về mã vạch, khách hàng như chị cũng hoàn toàn không thể khẳng định được giữa xuất xứ và mã vạch có liên quan gì với nhau không. Ví dụ, hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng vẫn có thể để mã vạch của Úc trong điều kiện được pháp luật cho phép. Nhưng thực tế đã có nhiều sản phẩm chẳng được luật lệ nào công nhận vẫn ngang nhiên gắn mác hàng ngoại để tỏ ra “cao cấp” hơn. Cái nào bị thu hồi, cái nào còn được phép nằm trên kệ, rất cần có một lời nói rõ từ người bán và cơ quan chức năng.

Một lời nói rõ ở đây có thể chỉ là một dòng thông tin dán ở ngay kệ hàng đó, trong đó dẫn lời, bằng chứng từ cơ quan thẩm quyền khẳng định sản phẩm này an toàn, hợp pháp, không thuộc nhóm đang thu hồi.

Chỉ chừng đó thôi, người mua sẽ an tâm chọn khăn ướt, người bán cũng khỏe re chuyện phân minh với khách hàng, càng không sợ khách quay lưng, doanh số sụt giảm, và bản thân sản phẩm khăn ướt tử tế thì được minh oan để không bị người tiêu dùng quơ đũa cả nắm.

Chỉ chừng đó thôi, nhưng là cả một câu chuyện dài kỳ và ẩn chứa nhiều điều khó hiểu. Khó hiểu vì chuyện không quá to tát như vậy lại chưa từng thấy cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh nào thực hiện.

Trước chuyện khăn ướt không lâu là chuyện thu hồi hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm chứa chất bảo quản paraben. Hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành mỹ phẩm có sản phẩm bị thu hồi. Nhiều người tiêu dùng ngã ngửa vì sản phẩm đắt tiền, vốn rất uy tín được họ tin tưởng chọn mua bao lâu nay bỗng dưng có tên trong danh sách thu hồi. Thế nhưng, giống như khăn ướt, đứng trước kệ hàng mỹ phẩm, người tiêu dùng cũng tự truy đến trên… 2.000 sản phẩm bị thu hồi để làm phép tính loại ra những cái tạm an toàn có thể yên tâm dùng được lần này.

Trước mỹ phẩm là chuyện trái táo. Trái táo vốn được ca ngợi đầy dinh dưỡng bỗng một ngày cũng có thông tin táo nhập khẩu nhiễm chất độc gây tử vong. Giá như ngay trong thời điểm dấy lên nghi ngờ táo nhiễm bẩn, trên kệ táo ở siêu thị, hay các sọt táo ngoài chợ có “một lời nói rõ” bằng hình thức nào đó của cơ quan chức năng, nhằm khẳng định đó là loại không nhiễm độc gây tử vong như dư luận đang quan ngại, có lẽ cả trái táo, người bán táo và người ăn táo đã bớt lao đao.

Một lời nói rõ trong những thời điểm nhạy cảm như vậy có thể xem là cách trấn an dư luận và bảo vệ cho sản phẩm, lẫn người kinh doanh. Tiếc là thay vì được nghe và thấy lời nói rõ đúng thời điểm, những ồn ào về chất lượng hàng hóa thường vẫn nổi lên rồi tự lắng dần theo thời gian và người mua cứ tặc lưỡi mà dùng.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.